Không phải nguồn vốn rẻ
Tại Tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư" do Bộ GTVT tổ chức ngày 21/8, đại diện các đơn vị sử dụng phương tiện vận tải số lượng lớn như Tổng công ty Tân Cảng, Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội, Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng TP.HCM cùng nêu khó khăn lớn nhất để chuyển đổi phương tiện xanh là "nguồn vốn ở đâu?".
Nhiều doanh nghiệp cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất để chuyển đổi phương tiện xanh hiện nay là nguồn vốn, do chi phí rất lớn (ảnh minh họa).
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó ban chỉ đạo cảng xanh, Tổng công ty Tân Cảng, một số dự án khi chuyển đổi xanh, dùng trang thiết bị tự động hóa chạy điện, chi phí đội lên gấp ba lần so với ban đầu, từ 11.000 – 12.000 tỷ lên khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tại tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư", GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có 3 kịch bản được đưa ra để phát trải ròng của Việt Nam về mức "0".
Theo đó, các kịch bản gồm: Kịch bản BAU (phát triển GTVT theo hướng phát thải thông thường); kịch bản quốc gia tự thực hiện (kịch bản NLTN - giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước) và kịch bản hướng tới phát thải ròng bằng 0 (kịch bản PTR0 - có sự hỗ trợ của quốc tế).
Các kịch bản này sử dụng 4 giải pháp chính gồm: Sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, chuyển đổi nhiên liệu/năng lượng.
Chi phí đầu tư giai đoạn 2025 - 2050 cho kịch bản NLTN khoảng 1.176,17 tỷ USD. Kịch bản PTR0 có chi phí 1.225,37 tỷ USD, cao hơn NLTN nhưng cơ bản sẽ hướng tới được mục tiêu phát thải về "0" vào 2050.
Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng Hà Nội nêu kiến nghị: "Chúng tôi mong đại diện các ngân hàng, các định chế tài chính lớn như ADB, World Bank cung cấp nguồn tài chính hấp dẫn, lãi suất khoảng 3,5 - 4%/năm cho các dự án chuyển đổi phương tiện xanh, ít nhất là hướng dẫn để làm sao chúng tôi tiếp cận nguồn tài chính này".
Giải đáp vấn đề này, chuyên gia Kanzo Nakai, Giám đốc giao thông Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết: "Cần hiểu rõ, tài chính xanh là nguồn tiền đi liền với cam kết chuyển đổi xanh.
Chẳng hạn dự án chuyển đổi xe buýt điện ở TP Davao (Philippines) vừa phê duyệt năm ngoái, chúng tôi tài trợ 1,047 tỷ USD và nhận được cam kết về mạng lưới xe buýt điện, hạ tầng trạm sạc tại thành phố lớn thứ ba của Philippines.
ADB có nguồn vốn khoảng 100 tỷ USD để tài trợ cho các mục tiêu chuyển đổi tương tự cho đến năm 2030".
Lý giải sâu hơn, ông Đỗ Lê Ninh, chuyên gia Khối doanh nghiệp tư nhân (thuộc ADB) nhận định, nhiều người chưa thật sự hiểu rõ về tài chính xanh.
Rất nhiều người hiểu đây là nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp. Tuy nhiên, thấp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và việc thực hiện các cam kết.
"Tài chính xanh là nguồn tiền các nhà tài trợ, các định chế tài chính hoặc ngân hàng cam kết đầu tư chuyển đổi xanh, cam kết dành một phần nguồn lực vào đó và họ phải đạt được mục tiêu như cam kết.
Tuy nhiên, rất khó để nói làm thế nào để được vay từ nguồn tài chính xanh. Chúng tôi phải nhìn vào dự án cụ thể.
Chúng tôi cho vay không có bảo lãnh mà cho vay theo nguyên tắc thị trường. Dự án càng rủi ro thì lãi suất càng cao", vị chuyên gia ADB giải thích.
Không phải khái niệm mới
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (đoàn luật sư TP Hà Nội), khái niệm "tài chính xanh" ở Việt Nam xuất hiện rải rác trong nhiều quy định pháp luật từ tháng 6/2018 đến nay, nhưng tản mát, không tập trung.
Ví dụ tại Nghị định 95/2018, lần đầu xuất hiện quy định về trái phiếu xanh, mô tả một khoản vay của Chính phủ để đầu tư cho dự án bảo vệ môi trường.
Dự án xe buýt điện VinBus và trạm sạc VinFast nhận được khoản vay ưu đãi 135 triệu USD thời hạn 7 năm từ ngân hàng ADB.
Tháng 8/2018, thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1604).
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay;
Ít nhất 10 - 12 ngân hàng có bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
"Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định về lộ trình phát triển thị trường carbon, về tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
Nghị định số 08/2022 quy định về các danh mục dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh.
Như vậy, khái niệm tài chính xanh không mới, nhưng nội hàm quá rộng, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất", luật sư Sơn phân tích.
Doanh nghiệp cần gì để vay vốn?
Một chuyên viên Bộ Tài chính cho hay, để tiếp cận nguồn tài chính xanh, một tài liệu hết sức quan trọng là hồ sơ đánh giá tác động môi trường được tư vấn và phê duyệt bởi tổ chức có thẩm quyền.
Đây là tài liệu mấu chốt trong hồ sơ xét cấp tín dụng xanh.
Bảo Yến Bus tại TP.HCM sử dụng phương tiện chạy bằng CNG được tài trợ 10,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới.
Ví dụ, hãng Bảo Yến Bus trúng thầu hàng chục tuyến buýt có trợ giá tại Hà Nội và TP.HCM trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhờ khai thác dòng xe chạy bằng khí thiên nhiên CNG, loại nhiên liệu không phát thải khí độc và hầu như không phát sinh bụi.
Ngoài ra, sử dụng khí CNG còn giảm 20% lượng khí cacbonic, 30% khí nito oxit, 70% sunfua oxit so với các nhiên liệu dầu và giảm đến 50% lượng hydrocacbon thải ra so với động cơ xăng.
Nguồn vốn xanh rót vào hãng xe buýt Bảo Yến đến từ vốn vay World Bank, dựa trên bộ tiêu chí đánh giá do chuyên gia của World Bank thẩm định.
Bộ tiêu chí rất chi tiết, làm cơ sở thanh toán tiền trợ giá và xem xét các hình thức thưởng phạt tương ứng, thông qua đó kiểm soát nhà thầu Bảo Yến Bus đảm bảo đúng nội dung đã cam kết.
"Một ví dụ khác là gói tài chính trị giá 135 triệu USD từ ADB cung cấp cho VinFast để hỗ trợ hoạt động kinh doanh xe điện.
Cam kết của VinFast bao gồm sản xuất đội xe buýt công cộng chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Việt Nam, và thiết lập mạng lưới trạm sạc công cộng.
Như vậy, tài chính xanh là gói tín dụng cấp cho các dự án chuyển đổi xanh được tư vấn và thẩm định chặt chẽ, kèm theo cam kết rất cụ thể", vị này cho biết.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng:
Hỗ trợ quốc tế rất quan trọng với Việt Nam
Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định hỗ trợ của quốc tế là điều kiện quan trọng, tiên quyết để Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra.
Để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 cũng như mục tiêu cụ thể hơn cho ngành GTVT theo Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ, cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách.
Từ đó, áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù trong nước và đặc thù của từng lĩnh vực ngành.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn:
Nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải
Với sự quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, chúng ta phải tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Rất mong tiếp tục có sự ủng hộ của WB, ADB, JICA, GIZ, từ đó Việt Nam có thể tận dụng sự hỗ trợ này để phát triển hạ tầng giao thông xanh, thực hiện chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.
Ông Vũ Đức Công, Quản lý cơ sở hạ tầng và cố vấn chính sách cấp cao, Đại sứ quán Úc:
Nên nghiên cứu trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh của Chính phủ là hướng gợi mở rất hay. Chính phủ đứng ra thiết lập thị trường, dẫn dẵn, thu hút các nhà đầu tư thiết lập nguồn tài chính đó.
Nếu có thể tiếp cận, đưa ra khung pháp lý, sẽ không thiếu nhà đầu tư tham gia.
Thị trường tài chính xanh hiện khoảng 1,9 tỷ USD nhưng đến 2040 có thể lên tới 5.900 tỷ USD.
Khả năng huy động nguồn lực hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế công bằng để các nhà tài trợ yên tâm bỏ vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận