Quản lý

Doanh nghiệp đóng tàu xoay xở vượt “bão” Covid-19

06/10/2020, 07:22

SBIC tìm mọi cách để có đơn hàng, tạo việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

img
Công ty Đóng tàu Hạ Long thi công tàu khai thác cua cho khách hàng Anh

Trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tìm mọi cách để có đơn hàng, tạo việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Việc gì cũng làm, không kén chọn

Những ngày cuối tháng 9, PV Báo Giao thông có mặt tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) đúng thời điểm doanh nghiệp này đang hoàn thiện một tàu nhà hàng nổi đóng mới.

Anh Trần Đình, thợ hàn 4/6 cho biết, do công việc giảm sút nên thu nhập 2 - 3 tháng nay chỉ khoảng 7,5 - 8 triệu đồng/tháng (trước kia từ 12 - 13 triệu đồng/tháng). “Có thời điểm, tôi không có việc, công ty phải tạo điều kiện, bố trí sang làm việc khác như đi cắt cỏ, làm vệ sinh công nghiệp trong công ty để được tính công, trả lương”, anh Đình nói.

Ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc SSIC chia sẻ, từ đầu tháng 2/2020, hoạt động đóng mới của SSIC liên tục gặp khó. Sản phẩm chủ lực của công ty là đóng mới tàu khách, tàu du lịch nhưng do ảnh hưởng dây chuyền nên các công ty du lịch - khách hàng của công ty cũng không đóng mới nữa, xin giãn tiến độ thực hiện hợp đồng, giao hàng.

Giống như các đơn vị đóng tàu khác thuộc SBIC, thời kỳ “hậu Vinashin” (tiền thân của SBIC), SSIC vốn dĩ khó khăn, lại không tiếp cận được vốn ngân hàng nên chỉ còn cách tự lực cánh sinh.

Dù vậy SSIC vẫn đảm bảo thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm khoảng 8,8 triệu đồng/tháng, tương đương cùng kỳ. Để duy trì được mức lương này, SSIC đã tập trung thi công đạt tiến độ và chất lượng các sản phẩm dở dang, đặc biệt là các tàu sửa chữa nhằm duy trì nguồn thu thường xuyên.

“Chúng tôi tăng cường các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh khác như gia công cơ khí, dịch vụ... Nói chung là không chê việc, cứ có việc gì liên quan đến cơ khí, kết cấu thép chúng tôi đều nhận làm để có doanh thu”, ông Châm nói và cho biết thêm, SSIC đang bám dự án đóng tàu phục vụ triển khai nhà máy điện gió khu vực phía Nam để có việc gối đầu cho năm 2021.

Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn, tình hình có vẻ sôi động hơn. Trong xưởng, trên bãi, ngoài bến, đâu đâu cũng có sản phẩm đóng mới, sửa chữa, người lao động hăng say làm việc.

Ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch công ty cho biết, các khách hàng đưa tàu về nhà máy sửa chữa không đúng như kế hoạch do phải nằm vùng cách ly, kiểm duyệt y tế; số lượng tàu vào sửa chữa nhiều nhưng hầu hết là sản phẩm không có giá trị cao.

Tuy nhiên, với thế mạnh là sửa chữa tàu thủy, công ty đã đẩy mạnh thi công hoàn thành các sản phẩm này để tiếp tục nhận được các đơn hàng mới. Do có việc làm ổn định nên thu nhập của người lao động được đảm bảo mức 10 triệu đồng/tháng. Dự kiến năm 2020, công ty thực hiện 100% kế hoạch năm 2020 với doanh thu hơn 260 tỷ đồng.

Chuyển hướng thị trường ngách

img
Công ty Đóng tàu Sông Cấm thi công tàu kiểm ngư

Không nằm ngoài các khó khăn chung của các đơn vị đóng tàu, các đơn vị đóng tàu khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh thuộc SBIC cũng bị ảnh hưởng tiến độ, quá trình thực hiện các sản phẩm do dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho biết, thực tế công ty bị ảnh hưởng nhiều do đơn hàng đóng mới bị hoãn. Đối tác chủ yếu của công ty là Tập đoàn Damen - Hà Lan với các tàu đóng mới xuất khẩu nhưng tình hình dịch bệnh tại châu Âu phức tạp nên các hợp đồng với tập đoàn này bị đình, giãn. Mặt khác, vật tư, thiết bị nhập khẩu không về Việt Nam được nên cũng không thể triển khai thi công.

Trước tình hình đó, Sông Cấm phải chuyển hướng, tìm và nhận ngay các sản phẩm nội địa như: Tàu chở xi măng, bồn chứa xi măng bột, xà lan cẩu… Ngoài ra, tiếp tục thực hiện đóng các sản phẩm của ngành Đường sắt như toa xe hàng…

Chính vì vậy, 8 tháng đầu năm đã triển khai thi công 33/30 sản phẩm đóng mới, vượt 10% kế hoạch năm 2020; bàn giao 19/20 sản phẩm, đạt 95% kế hoạch năm, đạt gần 267 tỷ đồng, đạt 68%. Thu nhập người lao động bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, không khí sản xuất có phần sôi động hơn cả. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc công ty hồ hởi chia sẻ: 8 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 225/315 tỷ đồng theo kế hoạch, dự kiến cả năm sẽ đạt 330 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân của người lao động hơn 10 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm 2019 khoảng 10%.

Trong khi việc khai thác, thực hiện các sản phẩm đóng mới tại các đơn vị đóng tàu khác khá khó khăn thì hiện Hạ Long vẫn đang triển khai thi công nhiều sản phẩm xuất khẩu như: Tàu chở khách, tàu khai thác cá, cua 15m của khách hàng nước ngoài, tàu chở than, tàu du lịch trên vịnh, nhà hàng nổi cho khách trong nước...

“Để có được lượng sản phẩm đóng mới như vậy, cách đây 3 - 4 năm, Hạ Long đã chuyển hướng thị trường. Thay vì “tham” đóng các tàu tải trọng lớn xuất khẩu, vốn là thế mạnh của công ty trước kia, chúng tôi tìm các thị trường ngách, các sản phẩm nhỏ trên thị trường tàu xuất khẩu.

Đồng thời, chỉ nhận gia công, chủ tàu lo vật tư, thiết bị chủ yếu để đỡ khó khăn về vốn đầu tư, dễ có doanh thu ngay”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, hiện Hạ Long cũng tích cực khai thác thị trường nội địa, nhất là các tàu du lịch trên vịnh, tàu ven bờ… Công ty đang tiếp tục xúc tiến đàm phán để có thể ký kết các hợp đồng đóng mới, lo đủ việc làm trong 3 năm tới cho người lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.