Kinh tế

Doanh nghiệp may mặc "bẻ ghi" chiếm lĩnh thị trường khẩu trang

25/03/2020, 07:30

Nhiều doanh nghiệp đã “bẻ ghi” sản xuất khẩu trang, áp dụng công nghệ mới, sáng tạo để sản phẩm được đón nhận không chỉ trong mùa dịch.

img
Dây chuyền sản xuất khẩu trang kháng khuẩn của Vinatex

Có lợi thế về dây chuyền, nhân công, kèm đó là sự nhanh nhạy, quyết đoán, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã “bẻ ghi” sản xuất khẩu trang, áp dụng công nghệ mới, sáng tạo để sản phẩm được đón nhận không chỉ trong mùa dịch.

Từ cặp chống gù sang khẩu trang phủ muối

Người dân có nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch vừa có thêm một sự lựa chọn khi Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti) tung ra thị trường loại khẩu trang mới được phủ muối và hấp tinh dầu tràm. Sản phẩm của Miti được sáng chế dựa trên công trình nghiên cứu khoa học của Giáo sư Hyo-Jick Choi, Đại học Aberta, Canada, có thể vô hiệu hoá 3 chủng virus trong vòng 5 phút.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty Miti cho biết, nhận thấy nhu cầu khẩu trang tăng đột biến, ông đã cùng cộng sự bắt tay nghiên cứu loại khẩu trang đảm bảo chất lượng, an toàn trong phòng dịch. Theo đó, lớp ngoài cùng của khẩu trang được sử dụng vải kate không co giãn và ít bám bụi, phủ muối. “Các lớp tinh thể muối sau khi đun sôi, hoà tan, phủ lên lớp vải và được hấp ở nhiệt độ 250 độ C đã tạo thành một lớp ngăn vi khuẩn - virus xâm nhập, đồng thời vô hiệu hoá chúng”, ông Kiên giới thiệu.

Không chỉ có vậy, dựa trên sáng kiến của Sở Y tế TP HCM ứng dụng tinh dầu tràm trong phòng ngừa virus, Miti đã cho phủ và hấp tinh toàn bề mặt trong của khẩu trang với một nồng độ thích hợp để không làm phỏng niêm mạc mũi, tạo mùi thơm dễ chịu trong quá trình sử dụng. “Hiệu quả sử dụng của lớp tinh thể muối để ngăn ngừa virus là 3 ngày. Sau đó, người dùng có thể giặt và tái sử dụng như chiếc khẩu trang bình thường, chống bụi và chống nắng. Với giá 75.000 đồng/set 5 chiếc dùng được trong 15 ngày, khẩu trang phủ muối hiệu quả kinh tế cao hơn so với khẩu trang y tế dùng một lần rồi bỏ”, bác sỹ Kiên nói.

Chia sẻ về quyết định chuyển hướng sản xuất khẩu trang, ông Nguyễn Trí Kiên cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Học sinh nghỉ học từ đó đến nay, sản phẩm chủ đạo của Miti là cặp chống gù cho học sinh giảm 80% lượng tiêu thụ. Trong khi đó, nhà máy tại Gò Công, Tiền Giang của Miti vừa đi vào hoạt động (tháng 2/2019), tính một phần đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần xuất khẩu. “Dịch bệnh ập đến, cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều tê liệt. Chỉ riêng chi phí nhân công của Miti đã trên dưới 3 tỷ đồng/tháng. Cộng đó là chi phí mặt bằng của gần 80 cửa hàng bán lẻ (trên dưới 20 triệu đồng/tháng/cơ sở). Tính sơ, mỗi tháng chúng tôi phải bù lỗ 3-3,5 tỷ đồng”, ông Kiên chia sẻ.

Sẵn dây chuyền, nhà xưởng và nhân công sản xuất cặp túi sách, Miti chỉ mất một tháng để đầu tư công nghệ hấp, phun muối, song song thiết kế, nhập nhập nguyên liệu... “Chúng tôi đã tính đến khả năng sản xuất lâu dài chứ không chỉ trong mùa dịch này, nên đầu tư từ khâu thiết kế, lựa chọn vải vóc đến kỹ thuật. 50% máy móc, nhân lực ở nhà máy Gò Công được chuyển qua sản xuất khẩu trang. Công nhân chỉ mất mấy ngày đầu làm quen với sản phẩm mới, nay đã bắt nhịp tốt. Sản phẩm vừa ra đã được đón nhận, nên chúng tôi cũng có dòng tiền để trả lương và duy trì sản xuất. Hiện, nhà máy mới đạt công suất 10.000 khẩu trang/ngày nên chúng tôi sẽ nâng dần lên”, ông Kiên thông tin.

Cơ cấu sản phẩm, chuỗi cung ứng

Những ngày tâm dịch Covid-19, tại các điểm bán khẩu trang kháng khuẩn do Công ty CP Tổng công ty May Bắc Giang (BGG) cùng Sở Công thương và chính quyền các địa phương tổ chức luôn tấp nập người đến lựa chọn. Được biết sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn do BGG sản xuất theo tiêu chuẩn của Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã được cơ quan chức năng chứng nhận; có thể tái sử dụng sau 10 lần giặt với xà phòng và chất khử khuẩn khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc BGG cho biết: “Sau khi sản phẩm được kiểm nghiệm cho kết quả kháng khuẩn tốt, công ty đã mạnh dạn đưa 3 dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Đến nay, đã có hơn 300.000 chiếc khẩu trang đến tay người tiêu dùng. Để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng, công ty đã niêm yết giá bán lẻ trên sản phẩm là 8.000 đồng/chiếc; mỗi lượt người chỉ được mua tối đa 5 chiếc/lần”.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về những khó khăn mà ngành Dệt may đang phải trải qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, Trung Quốc là một trong 5 nhóm thị trường lớn nhất của ngành Dệt may, ngoài ra đây là thị trường cung cấp nguyên liệu đến 60-70% cho ngành Dệt may Việt Nam. Do đó, ngành Dệt may đang chịu sức ép từ việc đóng biên kéo dài khiến cho nguyên liệu không có để làm các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và EU…

Ngoài ra, ngay từ sau Tết, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và có nguy cơ lan rộng ra ở Việt Nam, Vinatex cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất mặt hàng khẩu trang. “Chúng tôi đã tận dụng cơ hội xoay chuyển tình thế. Thay vì giảm bớt công suất hoạt động vì lo thiếu nguyên liệu chúng tôi đã tận dụng những máy móc sẵn có, sử dụng vải kháng khuẩn áp dụng công nghệ của Nhật Bản đang được làm cho quần áo sơ sinh và quần áo trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất với Nhật Bản gần 30 năm nay”, ông Trường cho hay.

Nói về quy trình sản xuất khẩu trang, ông Trường cho biết, Dệt Kim Đông Xuân đã tập trung dồn lực cho ra 10 tấn vải kháng khuẩn trong một ngày, sau đó chuyển đến các đơn vị của Vinatex ở các địa phương để may và cung ứng. Việc chủ động sản xuất vải kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang ngoài việc giúp giảm áp lực cho thị trường, còn giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về xuất khẩu, bù đắp được một phần doanh thu cho ngành Dệt may.

Cũng từ hoạt động sản xuất khẩu trang, lãnh đạo Vinatex nhận ra bài học tự sắp xếp lại chuỗi cung ứng khi chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào nơi cung ứng nguyên phụ liệu, đồng thời cần tìm sản phẩm, hướng đi mới phù hợp với năng lực nội tại của mình.

“Kế hoạch thời gian tới, trong việc tác động mạnh từ việc nhiều DN bị hoãn đơn hàng từ EU, chúng tôi sẽ cố gắng ổn định lao động, phát triển nội địa, đẩy mạnh việc khuyến mãi để nội địa hỗ trợ một phần. Về người lao động, có thể giảm giờ làm, nhưng phải cố gắng giữ lại người lao động vì đào tạo được một người có tay nghề may xuất khẩu phải mất nhiều thời gian”, ông Trường nói.

Cũng theo lãnh đạo Vinatex, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tính đến việc xin phép cơ quan chức năng cho phép xuất khẩu các sản phẩm để biến “nguy” thành “cơ” trong điều kiện hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.