Tài chính

Doanh nghiệp thoát lỗ nhờ "nghề tay trái"

13/01/2022, 06:39

Thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2021 trở thành “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp thoát thua lỗ trong bối cảnh bị dịch bệnh bủa vây.

Thoát lỗ nhờ chứng khoán

Ngay trong tuần đầu tiên của năm mới, Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (DSN) đã thông báo tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 bàn kế hoạch kinh doanh năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Quý III/2021, DSN có kết quả kinh doanh kém hiệu quả nhất trong hơn 10 năm qua khi doanh thu chỉ 420 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước.

img

Bất chấp dịch Covid-19 phức tạp, thị trường chứng khoán vẫn tăng nóng, giúp nhiều doanh nghiệp đảo ngược tình thế

Lũy kế, đến hết quý III, DSN lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 vẫn lãi 27 tỷ đồng.

Kết quả này thấp hơn so với cả kịch bản tệ nhất mà lãnh đạo công ty đưa ra hồi đầu năm (97 tỷ đồng doanh thu và 34 tỷ đồng lợi nhuận) do dịch bệnh diễn biến vượt mọi dự đoán.

Lãnh đạo công ty cho biết, doanh thu quý III chỉ đạt 1% so với cùng kỳ năm trước do phải tạm ngừng kinh doanh từ ngày 4/5 và kéo dài suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Trong thời gian này, công ty vẫn phải chi trả các chi phí cố định như: Bảo dưỡng, bảo trì, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội và lương cho người lao động…

Tuy nhiên, cũng trong quý III, nhờ có hơn 23 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính (tăng 780% so với cùng kỳ 2020) đã giúp công ty thoát lỗ và đảo ngược tình thế lãi trước thuế 15 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số 23 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, DSN có 5 tỷ đồng thu lãi từ tiền gửi ngân hàng và 18 tỷ đồng còn lại là tiền lãi nhờ bán một phần số cổ phiếu VAB của VietABank mà công ty đầu tư.

Sau giao dịch này, DSN vẫn còn nắm giữ gần 900 nghìn cổ phiếu VAB nữa. Theo giá giao dịch hiện nay của VAB, nếu bán hết số chứng khoán này, DSN cũng chỉ thu về khoảng 15 tỷ đồng mà thôi.

Một trường hợp khác là Công ty CP Thủy sản MeKong (AAM). Kết thúc quý III/2021, AAM ghi nhận 13,8 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 43% so với cùng kỳ.

Do diễn biến của dịch bệnh, nguồn cung đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng mạnh… kinh doanh dưới giá vốn khiến AAM lỗ gần 189 triệu đồng.

Đây là quý thứ 5 liên tiếp công ty thủy sản này kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, quý III này có một điểm khác biệt là dù kinh doanh ngành nghề chính vẫn không được cải thiện thì lãnh đạo công ty đã nhanh nhạy xen ngang sang đầu tư tài chính.

Nhờ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu và kỳ phiếu, công ty đã thu về số lãi 2,46 tỷ đồng. Khoản lãi này giúp công ty đảo thế ấn tượng, chuyển lỗ thành lãi 142 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 4,4 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm, AAM ghi nhận 73 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% và vẫn lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến 30/9/2021 lên hơn 6 tỷ đồng.

Đến thời điểm này AAM chỉ còn 2 khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh là cổ phiếu của Công ty CP Thủy sản Cửu Long và Công ty CP Nông sản Bắc Ninh.

Cũng trong ngành thủy sản và chịu chung tác động như AAM, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex (SEA) cũng bị giảm doanh thu thuần hơn một nửa so với cùng kỳ còn 22,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, cũng như AAM, nhờ khoản doanh thu tài chính đột biến gấp 42 lần cùng kỳ khi lãi 160,7 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận sau thuế SEA lãi kỷ lục 162 tỷ đồng, gấp 15,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Một số trường hợp cũng nhờ kinh doanh trái tay mà đảo chiều thành công là Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Công ty cũng rơi vào tình cảnh điêu đứng khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu thuần quý III/2021 sụt giảm tới 46% trong khi tổng chi phí lại tăng tới 21%.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính đột biến với gần 35 tỷ đồng, tăng 225% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ cổ tức và lợi nhuận được chia đã giúp Sasco may mắn thoát khỏi tình trạng ảm đạm khi quý II lỗ hơn 14 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, Sasco vẫn lãi sau thuế 304,9 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 92,2 tỷ đồng...

Hơn 380 nghìn tỷ gửi ngân hàng hưởng lãi

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh thu tài chính đã giúp nhiều doanh nghiệp chống đỡ và duy trì hoạt động tối thiểu trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề.

Không nhanh nhạy đầu tư chứng khoán như một số doanh nghiệp kể trên, một số doanh nghiệp đã mang tiền gửi ngân hàng để bảo toàn vốn là lấy lãi.

Thống kê đến cuối quý III/2021, các doanh nghiệp đã mang hơn 380 nghìn tỷ đồng để gửi vào ngân hàng (tương đương tăng trưởng 7,8%).

Chính vì nhờ có số tiền gửi này của các doanh nghiệp mà tiền gửi của cư dân nói chung (gồm cả khách hàng cá nhân) mới đạt mức tăng 5,3%, tương đương thêm hơn 530 nghìn tỷ đồng so với đầu năm (tương đương tăng 5,3%) lên hơn 10,55 triệu tỷ đồng, giúp các ngân hàng thanh khoản dồi dào trong bối cảnh lãi suất thấp.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BSC, 95% số công ty niêm yết trên sàn có lợi nhuận sau thuế quý III tăng trưởng chung 20,1% so với cùng kỳ; Trong đó có 45,2% công ty tăng trưởng dương và 16,6% số công ty thua lỗ.

Trong 30 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn, chỉ có 2 chỉ có 2 công ty thua lỗ trong quý III; Trong 19 ngân hàng, chỉ có 5 ngân hàng tăng trưởng âm. BSC đánh giá kết quả kinh doanh này cơ bản hoàn thành và tích cực hơn so với dự báo ban đầu do tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh và giãn cách kéo dài.

Thống kê khác của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, các doanh nghiệp hóa chất có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong quý III/2021 nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng mạnh và giá bán tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngành dịch vụ tài chính cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý III/2021 nhờ thanh khoản thị trường chứng khoán và dư nợ margin tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, ngành du lịch và giải trí, bán lẻ và ô tô có kết quả kinh doanh thấp trong quý III/2021 do tác động tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, với các gói hỗ trợ của Chính phủ cho năm 2022, các doanh nghiệp nói chung không chỉ công ty niêm yết sẽ có cơ hội phục hồi, phát triển.

Tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng lưu ý các doanh nghiệp chú trọng hơn đến nguồn nhân lực, dòng tiền, thanh khoản và khách hàng, đối tác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng tái cấu trúc công ty, thậm chí thay đổi cả chiến lược kinh doanh, tận dụng cơ hội để triển khai lĩnh vực mới có hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển trên nền tảng đổi mới, sáng tạo.

“Thực tiễn chứng minh, doanh nghiệp nào chuyển đổi số tốt, đổi mới sáng tạo nhanh, đã thích ứng và phát triển tốt 2 năm qua. Cuối cùng, chú trọng gia tăng sức đề kháng, sức chống chịu với các cú sốc bằng việc gia cố, đầu tư năng lực phân tích, dự báo và quản trị rủi ro...”, ông Lực nói.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, quý IV/2021 khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng, các hoạt động kinh doanh phục hồi thì doanh nghiệp trong một số ngành như bất động sản và thép sẽ duy trì lợi nhuận cao; năng lượng, dầu khí cũng có kết quả kinh doanh tốt khi giá dầu tăng cao. Các doanh nghiệp trong một số ngành như bán lẻ và thực phẩm - đồ uống sẽ phục hồi kinh doanh và có lợi nhuận khả quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.