Thị trường

Doanh nghiệp vận tải biển tố bị làm khó ở Philippines

14/03/2015, 08:34

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam phản ánh hai vướng mắc lớn khi vận tải hàng hóa đến và đi Philippines.

FApbPH003ImageMain
Tàu hàng Việt Nam gặp nhiều khó khăn tại các cảng biển Philippines

Ông Vương Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinaship cho biết, rất khó để thực hiện yêu cầu của phía Philippines về việc phải xin visa thuyền viên. Do không có visa thuyền viên nên gần như 100% tàu của đơn vị này đến Philippines đều bị “canh tàu” (đưa người ra giám sát tàu) nên phải chịu chi phí rất lớn cho việc này.

Ông Cao Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển VN (VOSCO) cũng cho biết: “Chúng tôi có 15 tàu, mỗi tháng chở vài chục nghìn tấn gạo đi Philippines. Toàn bộ các chuyến tàu này đều phải chịu chế độ canh gác được thực hiện bởi ít nhất ba nhân viên Philippines. Chủ tàu phải chịu mọi chi phí đi lại, ăn ở, tiền ngoài giờ cho lực lượng này”.

Như vậy, mỗi tàu của VOSCO đến Philippines đều thêm khoản chi phí nói trên, tối thiểu  từ  700 - 1 nghìn USD với loại tàu cỡ nhỏ 6.500 tấn và thời gian nằm tại cảng khoảng 4-5 ngày. Nằm càng lâu hơn, hoặc tàu lớn hơn chi phí sẽ nhiều hơn. 

Theo đại diện các công ty trên, chi phí cấp visa thuyền viên mặc dù không lớn, (100 peso/thuyền viên, tương đương khoảng 50 nghìn đồng), nhưng thủ tục, quy trình xin cấp gặp khó khăn phiền hà, nhiều khi không thể thực hiện được vì cảng thường xa Đại sứ quán Philippines tại Hà Nội và thời gian tàu nằm tại cảng không đủ để chờ cấp visa.

Ông Trần Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho biết, theo hiệp định song phương về vận tải biển được ký kết giữa Chính phủ hai nước,  thuyền viên được miễn visa. Việt Nam đã thực hiện quy định này, nhưng phía bạn thì chưa. Vì thế quy định này của Philippines là bất hợp lý.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế cần làm văn bản gửi Bộ Ngoại giao để xử lý ngay theo hướng yêu cầu phía Philippines đảm bảo thực hiện đúng hiệp định đã ký. 

Ngoài vấn đề visa, đại diện Vinaship và VOSCO cũng phản ánh, trước đây họ phải nộp cho Philippines thuế cước 5,5%, nay còn 4,5% trên tổng cước vận tải thu được khi vận chuyển hàng xuất đi từ Philippines. 

Bà Trần Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định tại hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký giữa hai Chính phủ thì hiện nay Việt Nam đánh thuế tàu của Philippines tối đa là 1%. Như vậy, phía Philippines cũng chỉ được đánh thuế tối đa 1% đối với hàng hóa được vận chuyển từ Philippines ra bên ngoài. Nếu họ áp dụng thuế cước lên tới 4,5% thì vấn đề ở đây là quản lý hiệp định và hai bên có thể trao đổi với nhau để thực hiện đúng.

Bà Bình cho rằng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có thể can thiệp để đòi lại phần phát sinh thuế không hợp lý mà doanh nghiệp Việt Nam phải nộp cho phía Philippines thời gian qua.

img

Sau CPH, Vietnam Airlines tiếp tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.