Mất mát, lo lắng, rối bời nhưng hàng vạn doanh nhân vẫn quay cuồng xoay xở để doanh nghiệp có thể trụ lại thị trường.
“Chúng tôi nghỉ Tết rồi!”
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit, khi cả hai cơ sở sản xuất đều nằm ở tâm dịch Bình Dương và TP.HCM.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn lịch sử khi số lượng DN rời thị trường lớn hơn số được thành lập mới. Ảnh: Tạ Hải
“Để có thể hoạt động, các DN phải áp dụng “3 tại chỗ”, chi phí phát sinh thêm mấy tỷ đồng mỗi tháng. Thế nhưng người lao động làm việc trong nhà máy chỉ còn khoảng 1/3 vì lo ngại dịch bệnh. Người còn bám trụ cũng rất khổ sở khi cứ 3 ngày phải xét nghiệm một lần. Có tới 90% nhân viên của tôi mong muốn được về nhà, mà tôi cũng không thể bắt họ làm việc trong điều kiện như vậy được!”, ông Viên tâm sự.
Chưa hết, lãnh đạo Vinamit cho biết, hàng hóa phải vận chuyển qua ít nhất 5 - 6 tỉnh, thành đều rơi vào các địa bàn thực hiện giãn cách.
“Nay dù đã gỡ giãn cách, Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo lưu thông hàng hóa nhưng mỗi tỉnh lại yêu cầu một kiểu gây tốn kém thời gian, chi phí. Đó là chưa tính tới giá các nguyên liệu đầu vào đã tăng rất mạnh. Do đó Vinamit chỉ hoạt động 30% công suất để cầm chừng, duy trì hoạt động tối thiểu để duy trì nhu cầu thị trường. Công nhân nghỉ việc và chúng tôi cũng xác định nghỉ Tết luôn. Chờ đợi qua Tết xem tình hình dịch bệnh mới có thể tính toán phục hồi và đầu tư sản xuất ra sao”, ông Viên nói.
Không riêng người đứng đầu Vinamit, hàng vạn doanh nhân cũng chung tâm lý lo lắng, rối bời vì không biết phải hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh ra sao trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Kết quả khảo sát tháng 9/2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 90,8% DN được hỏi cho biết đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.
Cứ khoảng 10 DN thì có xấp xỉ 9 DN chấp nhận cho người lao động (NLĐ) thôi việc do hoạt động sản xuất - kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh và giãn cách xã hội cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng.
Trong đó, thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), lĩnh vực thông tin truyền thông (4,9 tháng) và doanh nghiệp ngành xây dựng là 5,3 tháng.
Tình trạng DN buộc phải cho NLĐ nghỉ việc tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô DN, trong đó khoảng 92% DN quy mô lớn, trong khi đó, DN quy mô nhỏ và vừa là từ 81 - 90%.
Trên 97% DN ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh.
VCCI nhận định, lao động đang là vấn đề lớn của các DN trong việc duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh. Mặc dù tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dân đã được tiêm vaccine chiếm tỷ lệ rất cao, song việc đi lại của NLĐ đang gặp khó khăn, cản trở, nhất là đi lại giữa các địa phương dẫn tới tình trạng DN thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động.
Cách nào tìm cơ hội trong khủng hoảng?
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang quay cuồng xoay xở để có thể trụ lại thị trường. Ảnh: Tạ Hải
Trong “cơn bĩ cực”, các doanh nhân vẫn tìm mọi cách xoay xở, chèo lái DN và may mắn tìm được cơ hội trong khủng hoảng. Và Công ty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ là một trong số đó. Ông Cao Văn Tĩnh, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, DN vẫn tăng trưởng khoảng 5 - 7% so với năm trước.
“Có thể nói Hải Phòng là một trong những địa phương được đánh giá “khắt khe” trong phòng dịch, tuy nhiên, điều này đã giúp cho cảng Đình Vũ hoạt động thông suốt, không phải thực hiện “3 tại chỗ” khi ngành nghề không thể thực hiện được phương án này. Nhờ vậy, cảng đã đón nhận được làn sóng phục hồi xuất, nhập khẩu toàn cầu”, ông Tĩnh nói.
Tương tự, ông Hà Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tài Anh Group, kiêm Chủ tịch hội doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình cho biết, dịch bệnh cản trở rất lớn một trong những mảng hoạt động của công ty là xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, DN đã mạnh dạn mở rộng sang các lĩnh vực khác tiềm năng như: Khai khoáng, xây dựng, xây lắp...
Ví đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, giống như một trận cuồng phong càn quét mạnh và tác động mạnh đến cả những DN lớn song ông Tuấn cho rằng, cần nhìn nhận đây cũng là cuộc thanh lọc thị trường.
“Rất nhiều DN yếu về quản trị, vốn, nhân lực... nên ảnh hưởng nặng nề. Dịch đi qua cho thấy công nghệ cần được quan tâm nhiều hơn và cách thức quản trị cũng cần đổi mới. Không ai tài giỏi tất cả, quan trọng là biết tìm hướng đi riêng”, ông Tuấn chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - người đã đồng hành, sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp ở vai trò nguyên Chủ tịch VCCI nhiều năm qua cho biết, bình quân mỗi tháng có trên 1 vạn DN phải rời khỏi thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên số DN rút khỏi thị trường lớn hơn số được thành lập mới.
“Chúng ta đang tái khởi động mở cửa nền kinh tế ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Chúng ta kỳ vọng sản xuất lưu thông sẽ bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng dòng người lao động “hồi hương” với quy mô chưa từng có. Để nối lại chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu, DN chỉ cần 3 - 6 tháng, còn nối lại chuỗi cung về lao động có thể kéo dài 6 tháng đến cả năm”, ông Lộc phân tích.
Trong bối cảnh không ngừng thay đổi, ông Lộc cho rằng, năng lực cạnh tranh cốt lõi trong vòng quay đó chính là khả năng thích ứng, chống chịu cao của DN.
“Tâm thế của cả hệ thống, của nền kinh tế, của mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp phải là: Không đợi chờ cơn bão qua đi, mà “phải tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão”. Sống chung với dịch bệnh Covid-19 cũng cần một cách tiếp cận như vậy”, ông Lộc nhấn mạnh.
Qua đây, Chủ tịch VIAC kiến nghị “Giải pháp 5T” từ Chính phủ bao gồm: “Trợ thở” bằng việc “mở cửa” và “sống chung” với dịch Covid-19, giúp kết nối lại với “bầu khí quyển” kinh doanh, với thị trường để tái khởi động sản xuất, kinh doanh. Kế đến là “Tiếp máu” thật nhanh các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, an sinh - xã hội cho người dân và DN; Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cởi trói cho DN; Thúc đẩy nâng cấp DN về quản trị, công nghệ và nguồn nhân lực; Tăng cường liên kết, mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để yểm trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường.
Về phía cộng đồng DN, ông Lộc đưa ra giải pháp “3 hóa”. “DN cần phải triển khai ngay “số hóa”, “xanh hóa”, “xã hội hóa” để xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả và có khả năng chống chịu, trong đó cần tăng cường các phương án quản trị rủi ro, xử lý tranh chấp để có thể sống chung an toàn trong thời kinh doanh được dự kiến sẽ có nhiều “bão tố”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận