Thời gian thu phí hoàn vốn tối đa không quá 30 năm là một trong những quy định gây khó khăn cho các nhà đầu tư xây dựng giao thông - Ảnh: Huy Lộc |
Không thay đổi tư duy sẽ trì trệ
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng được thể chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư, không chỉ đối với cao tốc, quốc lộ mà còn cả đối với tỉnh lộ, giao thông nông thôn (GTNT) nhằm xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ.
“Nếu không thay đổi tư duy trong phát triển hạ tầng giao thông sẽ trì trệ, nhất là đường bộ. Không thể chỉ nghĩ đến đầu tư, trong đầu tư chỉ nghĩ đầu tư quốc lộ. Phải xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực phát triển. Phải kết nối được các loại hình từ cao tốc, quốc lộ đến đường GTNT”, Bộ trưởng yêu cầu.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị, rà soát lại các dự án BOT, BT, PPP đang triển khai. Các Ban QLDA, Tổng cục Đường bộ VN phải chủ động tìm nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư vào hạ tầng giao thông. |
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, đến nay, Bộ GTVT đang quản lý 67 dự án BOT, BT, PPP lĩnh vực đường bộ với tổng mức đầu tư gần 183 nghìn tỷ đồng. Đã có 18 dự án đưa vào khai thác. Dự kiến trong năm 2015 sẽ thu hút thêm khoảng trên 56 nghìn tỷ đồng nguồn vốn BOT vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng đường bộ.
Các lĩnh vực khác như: Khai thác, bảo trì đường bộ và ATGT, cứu hộ cũng đã thực hiện việc xã hội hóa đầu tư. Đến nay, đã có khoảng 2,5% tổng chiều dài các tuyến quốc lộ được bảo trì bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư.
,Trong lĩnh vực bảo trì, hiện không còn doanh nghiệp nào trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN và các Cục Quản lý đường bộ mà đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông (Cienco). Đây là tiền đề để tổ chức đấu thầu rộng rãi toàn bộ hoạt động bảo trì, nhất là công tác bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ…
Tuy nhiên, theo ông Huyện, vẫn còn một số cơ chế, chính sách hạn chế, chưa kịp đáp ứng nhu cầu phát triển cần phải rà soát, bổ sung. Vì thế, dự thảo Đề án đã đưa ra một số giải pháp như: Xây dựng quy định về bán công trình để quay vòng vốn; Chính sách thu hút các nhà hảo tâm góp vốn cho xây dựng giao thông; Xây dựng danh mục các dự án có nhu cầu thu hút vốn BOT; Có phương thức kết nối giữa nhà đầu tư - tổ chức tín dụng - nhà thầu xây lắp - nhà thầu cung cấp vật liệu để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên; Đẩy mạnh đấu thầu rộng rãi toàn bộ công tác bảo dưỡng thường xuyên để mọi thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo dưỡng hệ thống quốc lộ và đường cao tốc do Nhà nước quản lý…
Cầu - đường là sản phẩm hàng hóa
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, khó khăn nhất trong công tác xã hội hóa đường bộ hiện nay là mức thu phí. Nếu cứ duy trì mức thu phí 20 nghìn đồng trở lại như hiện nay rất khó thu hút nhà đầu tư trong nước chứ chưa nói đến nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, khi tính toán hiệu quả dự án cần phải tính đến chu kỳ tăng phí.
“Hiện thời gian hoàn vốn một dự án BOT, BT tối đa không quá 30 năm là quá ngắn. Nhiều nước trên thế giới thu phí đến 50, thậm chí nhiều hơn. Vì thế cần nới rộng thời gian để nhà đầu tư thu phí hoàn vốn. Một vấn đề nữa là có cho chuyển nhượng các dự án hay không. Cái này nhiều nước đã làm còn ta thì chưa”, Thứ trưởng Trường nói.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng đường bộ là việc làm đương nhiên. Hiện nay, nhu cầu vốn dành cho phát triển hạ tầng giao thông rất lớn trong khi ngân sách không có, nợ công cản trở sẽ rất khó đột phá được hạ tầng giao thông nếu không kêu gọi nguồn vốn ngoài xã hội. Tuy nhiên, xã hội hóa phải phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải là gánh nặng.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tiếp thu, bổ sung các cơ chế thu hút vốn vào hệ thống giao thông tĩnh. Để hoàn thiện cơ chế, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để có sự đối chiếu, sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tránh rườm rà, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Bộ trưởng chỉ đạo cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về việc chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư với nhau, kể cả chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Bên cạnh đó, rà soát lại cơ chế tài chính xem các quy định đã đủ chặt chẽ chưa. Cần có cơ chế thu phí phù hợp với thị trường theo hướng “dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiều” nhưng phải phù hợp khả năng phát triển kinh tế của đất nước. Cũng cần xem lại thời gian thu phí để có sự điều chỉnh phù hợp.
“Tất cả cầu - đường phải là sản phẩm hàng hóa có thể trao đổi, mua bán. Tiến tới còn có thể hình thành sàn giao dịch các công trình giao thông”, Bộ trưởng gợi ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận