Những cặp vợ chồng thợ ở tháp không lưu
Tháp không lưu nằm ở trung tâm dự án sân bay Long Thành, cạnh nhà ga và đường băng số 1 đang dần hoàn thành.
Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hải (Tổng công ty 36, chỉ huy trưởng của liên danh nhà thầu đang thực hiện 5 gói thầu tại đây) cho biết, tháp không lưu đã hoàn thành phần thô với độ cao trên 107m (độ cao hoàn chỉnh 123m theo thiết kế), vượt tiến độ 2 tháng.
Các công trình khác là trạm radar sơ cấp, thứ cấp và trạm phát sóng vô tuyến; trạm thu sóng vô tuyến và trạm giám sát phụ thuộc; trạm radar khí tượng; đài dẫn đường đa hướng đã hoàn thành phần thô, ước tính sẽ hoàn thiện trước 30/4/2025.
11h trưa, công nhân bắt đầu vào giờ nghỉ. Lác đác vẫn còn vài người làm nốt những việc dở dang. Chị Đinh Thị Thắm, một lao động phổ thông, luôn tay trộn hồ vữa chuyển cho chồng là thợ xây Nguyễn Nhứt Hổ đang ở trên tầng cao.
Họ đang thi công phần xây tường bao che nhà kỹ thuật Đài kiểm soát không lưu. Cả hai vợ chồng quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Quệt những giọt mồ hôi ròng ròng, chị cười: "Làm gì có vợ có chồng mới vui".
Ở đây còn có các cặp vợ chồng của chị Nguyễn Thị Duy, vợ chồng anh Đinh Anh Dũng. Chồng là thợ xây, vợ là phụ hồ, cặp nào theo cặp nấy. Làm theo chế độ khoán, thu nhập mỗi cặp vợ chồng bình quân 40 triệu đồng/tháng, đủ nuôi con cái và gửi về nuôi mẹ già ở quê, dư chút đỉnh phòng thân tuổi già.
Đeo vòng trăm triệu đi phụ hồ
Hỏi chị Thắm có mong muốn gì, chị hồn nhiên: "Làm ở sân bay mà chưa được đi máy bay, nên chỉ muốn đi máy bay. Lãnh đạo nói làm xuất sắc thì sau này sẽ thưởng chuyến đi du lịch bằng máy bay nên tụi tôi thích lắm".
Phụ hồ là công việc nặng nhọc, lấm lem bùn đất nhưng ai cũng ngạc nhiên khi thấy trên tay chị Thắm lấp lánh bộ vòng cimen vàng 18K. Chị cười: "Cực khổ nhưng cũng phải đẹp chớ. 12 cái vòng này hơn 100 triệu lận đó".
Những công nhân làm việc ở đây đều ở nhà tập thể tại công trường. Mỗi phòng tập thể có thể ở được 8 người, đầy đủ điện nước, có máy lạnh, có bếp. Vợ chồng chị Duy sinh năm 2001, là cặp trẻ nhất trong căn phòng có 4 cặp vợ chồng. Các cặp đều có quan hệ họ hàng với nhau nên rất hòa thuận. Mỗi cặp nấu ăn riêng, sẽ nấu chung vào ngày nghỉ và đó là dịp để họ góp mỗi người một món.
Chỉ huy trưởng Nguyễn Mạnh Hải cho biết, hiện các gói thầu của liên danh đang có tiến độ tốt nên dịp Tết này công nhân được về quê thoải mái, không chịu áp lực tiến độ nữa. Công nhân thích lắm, ai cũng mong Tết được về nhà và họ đã lên lịch cho những món quà Tết mang về cho ông bà, cha mẹ.
Đêm trên công trường cao tốc
Đồng Nai đang là một đại công trường giao thông. Cạnh dự án sân bay Long Thành là dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang hối hả từng ngày.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có 3 dự án thành phần, trong đó thành phần 1 và thành phần 2 qua Đồng Nai vẫn gặp khó khăn về đất đắp, mặt bằng. Riêng dự án thành phần 3 qua Bà Rịa - Vũng Tàu tiến độ tốt, đạt hơn nửa sản lượng.
Buổi tối, khi trăng trung tuần lờ mờ trong màn sương mù, cả công trường ở gói thầu 21 đoạn qua xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (dự án thành phần 1) sáng choang ánh đèn xe cơ giới và ầm ì tiếng máy, nền đất rung lên.
Dự án thành phần 1 dài 16km (toàn tuyến 55km) chia làm hai gói thầu, trong đó gói thầu 21 dài hơn 10km. Kỹ sư Trần Văn Huyện thuộc Công ty Cổ phần Lizen, Giám đốc Ban điều hành liên danh các nhà thầu thi công cho biết: "Đêm nay, nhà thầu Lizen thi công lu lèn đất nền và trải cấp phối đá dăm trên tuyến".
Trên công trường đêm, ông Huyện cho biết, gói thầu số 21 liên danh nhà thầu đang tổ chức 15 mũi thi công. Đến cuối năm 2024, Lizen thảm nhựa hoàn chỉnh 2,2km đầu tiên của dự án thành phần 1.
Từ trên xe lu, căng mắt dõi theo đường lái nhịp nhàng với những xe khác trong đội hình, tài xế Nguyễn Ngọc Tấn cho biết, anh có thâm niên 5 năm làm lái chính. Anh đã thi công qua các công trình lớn như Khu công nghiệp Amata Biên Hòa, Amata Long Thành. Thu nhập của thợ lái khá tốt: Làm giờ hành chính thì lương khoảng 13 - 14 triệu đông/tháng; tăng ca thu nhập khoảng 19-20 triệu đồng/tháng.
Ở mũi thi công rải cấp phối đá base, thợ lành nghề Trần Văn Đồng (quê Thanh Hóa) cho biết, anh đã có 4 năm gắn bó với Lizen. Trước khi về dự án này, anh thi công ở đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
"Tết năm ngoái công ty Lizen có cho xe chở về tận nhà, vợ con mừng lắm. Tôi làm việc ở Đồng Nai, vợ làm công nhân ở quê nhà Thanh Hóa, đã có 2 con. Biết là đi xa vợ con ở nhà rất cực nhưng ở đây lương tốt, có tiền gửi về nhà", anh tâm tình.
Nhà thầu Lizen có nhà tập thể tại công trường cho người lao động, không phải thuê trọ bên ngoài. Anh Ninh Thế Thương, Phó giám đốc Ban điều hành dự án cũng ở khu tập thể này. Anh có thâm niên 11 năm trong nghề xây dựng cầu đường và đã đi qua những dự án cao tốc lớn.
"Nghề này nhọc nhằn nhưng cũng có những điều thú vị. Khi hoàn thành một dự án lớn, nhìn lại và thấy có đóng góp của mình trong đó chúng tôi rất tự hào", anh bày tỏ.
Dần về đêm sương càng lạnh. Chiếc flycam của chúng tôi bay cao. Nhìn vào màn hình thấy bốn bề đen kịt, duy trên công trường có một vùng sáng lung linh.
Đường găng chính của dự án thành phần 2 - các công trình quản lý bay sân bay Long Thành chính là đài kiểm soát không lưu. Đến nay, đài kiểm soát không lưu đã hoàn thành xong 100% phần thô, vượt tiến độ 2 tháng.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 55km, quy mô 4-6 làn xe, tổng vốn đầu tư 17.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận