Triển khai đồng loạt các mũi thi công
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại công trường dự án đường sắt gói 7.000 tỷ, từ khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách, tất cả các gói thầu đều đang tăng tốc nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Công nhân và máy móc được tăng viện tối đa vào công trường.
Trao đổi với PV, ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, tất cả các mũi thi công dự án 7.000 tỉ vốn trung hạn cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đều đã triển khai trở lại sau thời gian đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trước đó, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công xây lắp. Nhiều tỉnh, thành phố và địa bàn cấp huyện, xã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 cùng nhiều quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch Covid-19 nên công tác triển khai dự án tại hiện trường khó khăn, nhiều hạng mục công trình phải tạm đình hoãn.
Nhiều công trình, hạng mục gói 7.000 tỉ đã hoàn thành sau các giải pháp thi công, tháo gỡ khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19
“Chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ nhằm triển khai trở lại, đảm bảo tất cả các công trình hoàn thành đúng tiến độ, an toàn phòng dịch. Trong đó có lập biện pháp và kế hoạch thi công trong mùa dịch đối với từng mũi thi công, từng hạng mục công trình, kể cả theo mô hình “3 tại chỗ”; Bố trí nhân sự thi công, giám sát đảm bảo không để dừng thi công do thiếu nhân lực; Có biện pháp để các nhân sự tham gia tại hiện trường được tiêm vaccine”, ông Việt cho hay.
Cũng theo ông Việt, đến nay các dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM đã hoàn thành được 4/11 gói thầu xây lắp gồm: XL-CY-01, 02, 03 và 06. Các gói thầu còn lại cũng hoàn thành một số công trình cầu và trả tốc độ khu gian.
Tổng số cầu của cả dự án đã hoàn thành và trả tốc độ lên tới 72/127 cầu. Trong đó, có 54 cầu hoàn thành toàn bộ, 18 cầu đã hoàn thành sàng dầm vào vị trí thiết kế, trả tốc độ khu gian, đang hoàn thiện và thanh thải.
"Dự án đã giải ngân được hơn 888 tỉ/1.593 tỉ (không bao gồm dự phòng), đạt 55,8%, trong đó phần xây lắp giải ngân hơn 803 tỉ/1.476 tỉ, đạt hơn 54,3%", ông Việt nói.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, đang triển khai thi công 15/16 ga; Hiện đã hoàn thành cải tạo kiến trúc tầng trên 12/15 khu gian để trả tốc độ với chiều dài 64,98km/75,85km, 3 khu gian còn lại với chiều dài 10,87km đang thi công theo tiến độ.
Giá trị giải ngân các gói thầu xây lắp từ đầu dự án đến nay đã đạt hơn 573 tỷ đồng/1.398 tỷ đồng, đạt 41% tổng mức đầu tư.
Đại diện Ban QLDA 85, chủ đầu tư dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM cho biết, dự án cũng gặp phải nhiều khó khăn trong triển khai tại hiện trường do ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy vậy, đến nay, tổng giá trị thực hiện của dự án đã đạt khoảng 72% so với tổng giá trị hợp đồng xây lắp đã ký.
Kết quả giải ngân tính từ đầu dự án đến nay hơn 736 tỉ đồng/1006 tỉ đồng, đạt 73,2%. Giá trị giải ngân trong tháng 9 dự kiến đạt 378 tỉ/716 tỉ đồng, đạt 53% kế hoạch năm 2021.
Các nhà thầu tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ gói đường sắt 7.000 tỉ. Ảnh: minh họa
Đẩy nhanh tiến độ, giải ngân theo kế hoạch
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa trực tiếp kiểm tra hiện trường dự án 7.000 tỉ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
Tại công trường, Thứ trưởng trực tiếp yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát thực hiện ngay các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án cũng như đáp ứng kế hoạch giải ngân vốn năm 2021.
“Các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng đối với các hạng mục công trình hoàn thành. Đối với các hạng mục còn lại, lập tổng tiến độ và xác định rõ từng hạng mục đường găng để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Tiến độ xây dựng phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế”, Thứ trưởng yêu cầu.
Về phía chủ đầu tư, ông Việt cho biết, Ban Quản lý dự án đường sắt đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách để đẩy nhanh tiến độ. Trong đó có thành lập Tổ kiểm tra hiện trường do Phó giám đốc làm tổ trưởng trực tiếp kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo giải quyết vướng mắc tại hiện trường, mục tiêu là triển khai bằng được các mũi thi công đảm bảo tiến độ.
Ban QLDA đường sắt cũng yêu cầu các nhà thầu đề xuất hướng giải quyết cụ thể đối với khó khăn về nhân sự, di chuyển máy móc, thiết bị giữa các công trình, các biện pháp phòng dịch đối với từng mũi thi công.
Tư vấn giám sát phải có giải pháp nghiệm thu đảm bảo tiến độ và phải thống nhất phương pháp với nhà thầu để tổ chức nghiệm thu.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các phòng điều hành dự án lập lại biểu tiến độ thi công điều chỉnh của từng mũi, từng gói thầu để lập điều chỉnh vốn năm 2021 và lập kế hoạch vốn năm 2022.
Đối với các vướng mắc về kĩ thuật, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt, từ đó triển khai. Mục tiêu nhằm đẩy nhanh tiến độ, bù lại những gói thầu đã bị chậm do ảnh hưởng dịch”, ông Việt cho hay.
Gói 7.000 tỉ vốn trung hạn cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam gồm 4 dự án cấp bách.
Ban Quản lý dự án đường sắt được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 3 dự án: Cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Ban Quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư một dự án: Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.
Mục tiêu nhằm nâng nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h; Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận