Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (gọi tắt là dự án nâng cấp QL7) đang có nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam và Chi cục Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ GTVT) kiểm tra hiện trường công tác thi công và phối hợp GPMB với địa phương
Dự án “lỡ hẹn” ngày về đích vì vướng mặt bằng
Ông Trần Đình Sơn, Phó giám đốc Ban QLDA 4 cho biết: "Sau cuộc họp ngày 21/2/2023 của UBND tỉnh Nghệ An, Ban QLDA4 đã bổ sung thêm nhân lực thường trực để tham gia với từng tổ bồi thường GPMB của các huyện; đi từng hộ dân bị ảnh hưởng thu thập thông tin, tuyên truyền và vận động.
Lãnh đạo Ban cũng thường xuyên trao đổi thông tin và trực tiếp tham gia các cuộc họp, cùng đi hiện trường với Hội đồng bồi thường GPMB để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Phối hợp với các địa phương, đơn vị trích đo giải trình với Sở TN&MT, Sở Tài chính trong công tác thẩm định, tham mưu, phê duyệt".
Tính đến nay, các huyện mới bàn giao mặt bằng được 30,7km/55,5km (tính cả trái và phải tuyến), đạt 55,81%. Tuy nhiên, đây đều là những đoạn đã GPMB dự án cũ và một số đoạn quy hoạch của địa phương không phải GPMB. Còn từ tháng 10/2022, tới nay, các huyện chưa bàn giao thêm được đoạn nào.
Với khối lượng mặt bằng đã bàn giao, Ban đã chỉ đạo các Nhà thầu thi công tập trung máy móc thiết bị, nhân, vật lực để thi toàn bộ phạm vi mặt bằng đã được bàn giao để tránh tái lấn chiếm.
Tổng giá trị các đơn vị đã thi công đến thời điểm này ước đạt 150,5 tỷ đồng đạt 49,34 % (so với phần có mặt bằng thi công) và 19,3% (so với toàn bộ giá trị xây lắp của dự án). Tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Dự kiến đến 30/8/2023 sẽ thi công hoàn thành toàn bộ những đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng.
Dù chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực, quyết tâm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng vì mặt bằng "xôi đỗ", nhiều vị trí chậm GPMB nên đoạn Km 0 - Km5 (huyện Diễn Châu) có nguy cơ chậm tiến độ
Riêng đối với đoạn từ Km 0+00 - Km 5+00 nối với nút giao của Dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu xuống QL1 (thuộc địa bàn huyện Diễn Châu) theo chỉ đạo của Bộ GTVT phải hoàn thành vào thời điểm tháng 7/2023. Tuy nhiên, đến nay huyện Diễn Châu mới bàn giao mặt bằng được 3,286km/10,0km (tính cả hai bên trái và phải tuyến) theo từng đoạn không liền mạch.
Hạng mục cầu vượt Đường sắt cũng vướng mặt bằng nên chỉ thi công được 1/2 mố A0, trụ T1, T2, T3 và T4 (đơn nguyên cầu phía bên trái). Vì vướng mặt bằng nên chắc chắn các nhà thầu không thể hoàn thành đoạn tuyến theo thời gian Bộ GTVT chỉ đạo. Việc này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình tổ chức giao thông sau khi đường cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác.
Xây dựng nhiều kịch bản để giải quyết dứt điểm vấn đề GPMB
Đại diện UBND huyện Diễn Châu cho biết, hiện nay huyện đang phấn đấu chi trả tiền kịp thời các đoạn qua đất nông nghiệp, để tiếp tục bàn giao mặt bằng sớm trong tháng 4/2023.
Đối với các diện tích đất còn lại, huyện cam kết tập trung lực lượng kiểm kê liên tục kịp thời đối với nhà cửa, công trình, tài sản là vật kiến trúc, cây cối hoa màu để kịp thời lập phương án, phê duyệt đảm bảo tiến độ; dự kiến bàn giao mặt bằng từ ngày 10/6/2023 - 15/6/2023.
Ngoài ra, địa phương này cũng xây dựng kịch bản, lên phương án bảo vệ thi công, thậm chí cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp cố tình không di dời.
Từ tháng 10/2022 đến nay, 3 huyện của tỉnh Nghệ An không bàn giao thêm được mặt bằng mới. UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo và ấn định các mốc thời gian GPMB cho từng địa phương
2 huyện còn lại là Yên Thành và Đô Lương cũng phấn đấu di dời xong công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch lần lượt trong tháng 5 và tháng 7/2023.
Trong chuyến đi kiểm tra hiện trường và làm việc với UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 7/4, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ thông xe vào tháng 8/2023 nên Dự án QL7 đoạn này (Km0 - Km5) nối QL1A cũng phải hoàn thành vào thời điểm này.
Vì vậy, Cục ĐBVN đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Hội đồng GPMB huyện Diễn Châu - địa bàn đang gặp khó khăn trong công tác GPMB, sẽ sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Mục tiêu đối với đoạn đất nông nghiệp phải bàn giao trước ngày 30/4; đoạn có đất ở trước ngày 30/6/2023. Đối với các huyện Yên Thành và Đô Lương, do phần cần GPMB thuận lợi hơn nên đề nghị 2 huyện bàn giao mặt bằng sớm hơn mốc thời gian trên.
Đối với các đơn vị thuộc Cục ĐBVN, ông Cường giao cho Khu QLĐBII thông báo với các chủ sở hữu các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong hành lang đường bộ trong thời gian quy định phải di dời công trình để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Đồng thời, làm việc với chủ dự án Khu nhà ở và dịch vụ thương mại tại xã Diễn Thành Km 0+325 - Km 0+800 (trái tuyến) nghiêm túc thực hiện tháo dỡ phần vỉa hè trên hành lang đường bộ như đã cam kết; Giao Ban QLDA 4 làm với địa phương để điều chỉnh, bổ sung các hạng mục mà địa phương có kiến nghị, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền xem xét giải quyết.
Tiếp thu các ý kiến nghị của Cục ĐBVN, thay mặt UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu 3 huyện phải tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, để nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng và giá trị mà dự án mang lại.
Từ đó, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân khi GPMB. UBND các huyện, căn cứ theo quy định và thẩm quyền đã được phân công khẩn trương xây dựng các khu tái định cư, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, nút thắt trong GPMB. Riêng, UBND huyện Diễn Châu phải quyết tâm hơn nữa trong GPMB, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng đúng thời hạn mà Cục ĐBVN, Ban QLDA 4 đề nghị.
Giao cho Sở TN&MT hướng dẫn cụ thể, chi tiết giải quyết từng trường hợp bìa đỏ của các hộ dân không xác định được ranh giới với QL7, trong đó tập trung điểm nóng tại huyện Diễn Châu.
Ông Vinh cũng đề nghị Cục ĐBVN chỉ đạo các đơn vị liên quan khi thi công xong lớp cấp phối đá dăm thì tiến hành thảm ngay bê tông nhựa để giảm bụi, không làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.
Dự án QL7 đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022. Tổng mức đầu tư 1.300,270 tỷ đồng với tổng chiều dài 27,5km đi qua 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, tổng giá trị 778,724 tỷ. Trong đó: Gói thầu XD01: 285,618 tỷ đồng; Gói thầu XD02: 192,088 tỷ đồng; Gói thầu XD03: 301,128 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận