Tập trung phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ
Những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi đi thực tế tại dự án nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải và ghi nhận, các nhà thầu đang tập trung tối đa phương tiện, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tàu xáng cạp đưa chất nạo vét lên sà lan ở khu vực xã Long Sơn, Phú Mỹ
Sáng 13/7, ca nô đưa đoàn chúng tôi từ hạ nguồn ngược lên phía thượng nguồn tuyến luồng này. Chứng kiến từng đoàn sà lan chở chất nạo vét đến khu vực tập kết, đổ thải (ngoài phao “0” khu vực biển Vũng Tàu) mới thấy không khí thi đua lao động sản xuất trên dự án thật sôi nổi, tất bật.
Tại khu vực xã Long Sơn, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), 4 xáng cạp liên tục múc chất nạo vét lên các sà lan dưới sự giám sát của Trạm Điều tiết, Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Đông Nam Bộ.
Tận thấy tàu Phú Xuân 18 thoăn thoắt cạp những gầu bùn khổng lồ từ lòng sông Thị Vải (mỗi gầu khoảng 25m3 chất thải) đưa lên các sà lan sức chở 3.000 tấn, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước sức sáng tạo của con người khi chế tạo ra những thiết bị "khủng" đến thế. Càng ngạc nhiên hơn, cả con tàu trọng tải 3.500 tấn có chiếc cạp "siêu khủng" này chỉ cần 3 nhân lực chính để vận hành.
Tàu Phú Xuân 18 vạn hành nạo vét
Hiện, mỗi ngày tàu Phú Xuân 18 nạo bùn đất cho từ 4 - 6 sà lan đi đổ thải. Tuy nhiên, con tàu xáng cạp này mới chỉ hoạt động khoảng 50% công suất vì quãng đường đi đổ thải của các sà lan quá xa.
Ông Phạm Văn Diên (59 tuổi, quê Hải Phòng), Thuyền trưởng tàu Phú Xuân 18 cho biết, tính đến nay, ông có thâm niên 21 năm làm việc trên con tàu này. Tuy công trường chỉ cách bờ không xa nhưng tới 4 tháng ông không đặt chân lên đất liền, tất cả ăn ngủ nghỉ đều trên tàu, bám công trường.
Từng tham gia nhiều công trình nạo vét nhưng được làm việc trên công trường dự án trọng điểm quốc gia này là niềm tự hào to lớn của ông Diên, bởi dự án có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Ông Phạm Minh Tuấn, cán bộ phụ trách quản lý thi công Ban Quản lý dự án cho hay, mới đây, để đẩy nhanh tiến độ nên có thêm hai nhà thầu phụ cùng tham gia. Đến nay, có 5 nhà thầu thực hiện dự án gồm: Sao Mai, Phú Xuân, Mỹ Dung, Tường Vy và Công Trình Thủy với tổng số 3 tàu hút bụng, 10 xáng cạp, 21 sà lan vận chuyển và 10 tàu kéo, mỗi ngày nạo vét, đổ thải khoảng 41.000m3 chất nạo vét...
Dự án đạt 50% tiến độ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án hàng hải cho biết, tính đến thời điểm này, dự án Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số "0" vào khu bến cảng container Cái Mép đã nạo vét đạt gần 3 triệu m3, tương đương với 50,62% khối lượng thi công. Cụ thể, nhà thầu Sao Mai đạt 63,48%, Phú Xuân đạt 47,2%, Mỹ Dung đạt 41,29% khối lượng được giao.
“Vừa qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp phép nâng hạn mức đổ thải cho dự án này từ 36.000m3 lên 72.000m3/ngày nên chúng tôi huy động phương tiện, nhân lực để có thể hoàn thành cơ bản công việc đào thô của dự án trong tháng 10, trong hai tháng còn lại dành cho công tác hoàn thiện và đo đạc, nghiệm thu”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trạm trưởng các trạm điều tiết, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ thông tin, để thực hiện dự án này, công ty có hai trạm điều tiết đặt ở khu vực phao số 5-7 và ở khu vực xã Long Sơn. Nhân sự trên hai trạm là 24 người thay phiên nhau làm nhiệm vụ điều tiết, đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại trên luồng.
“Ba lực lượng chính luôn phải phối hợp chặt chẽ với nhau gồm: Trạm điều tiết, Cảng vụ và VTS để theo dõi, giám sát hoạt động nạo vét, đổ thải, đảm bảo an toàn cho các phương tiện hành hải. Ngoài ra, trên các tàu thi công đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình để theo dõi, giám sát việc nạo vét, vận chuyển, đổ thải…”, ông Kiên nói.
Theo dõi hành trình của các phương tiện vận chuyển chất nạo vét đến khu vực nhận chìm tại trung tâm điều hành.
Ngày 18/2, tại thị xã Phú Mỹ, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải. Dự án có tổng mức đầu tư 1.414 tỷ đồng, kéo dài từ phao số “0” vào khu bến cảng Container Cái Mép thuộc gói thầu XL01.
Theo Ban quản lý dự án hàng hải - đơn vị được Bộ GTVT giao quản lý dự án, chiều dài nâng cấp của đoạn tuyến là 30,5km; bề rộng đáy luồng 350m; cao độ đáy -15,5m; mực nước chạy tàu +2,0m. Sẽ thiết lập vũng quay tàu tại ngã ba sông Thêu (hạ lưu cảng SSIT) đường kính 700m và tại ngã ba sông Gò Gia đường kính 600m, cao độ đáy -15,5m.
Dự án được triển khai thi công trong tháng 2/2023 và dự kiến hoàn thành tháng 6/2024. Sau khi hoàn thành tuyến luồng, sẽ cho phép tàu 160.000 DWT đến 200.000 DWT hoạt động an toàn mà không phải phụ thuộc vào thủy triều, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực.
Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy tiến trình đầu tư các dự án trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận