Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) đang xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đáng chú ý, dự thảo Luật PPP, Bộ KH&ĐT đề xuất bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ cho các dự án PPP, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu 75% trong 5 năm đầu
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là xu hướng tất yếu. Nhưng thực tế, hơn 3 năm trở lại đây, lĩnh vực hạ tầng giao thông gần như không có dự án nào được triển khai xây dựng mới theo hình thức PPP. Nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, nhất là rủi ro về thiếu hụt doanh thu tại các dự án BOT đã và đang khai thác.
Điều này thể hiện rõ trong báo cáo mới đây của Tổng cục Đường bộ VN khi 57 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, có đến 26 dự án bị giảm doanh thu so với hợp đồng. Trong đó, có những dự án sụt giảm doanh thu lớn như: BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp QL3 (doanh thu giảm 88%), BOT cầu Hạc Trì (giảm 57%), BOT QL38 đoạn nối QL1 với QL5 (giảm 53%),... do lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; dự án phải phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành,…
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, các dự án PPP giao thông là những công trình có tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong khi hành lang pháp lý cao nhất hiện nay mới dừng ở mức nghị định. Đặc biệt, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PPP chưa có bất kỳ quy định nào đề cập đến việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ khiến công tác kêu gọi đầu tư, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các dự án PPP giao thông tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và gần như không thể thực hiện được trong thời gian qua.
“Điển hình tại hai dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trước đây đã từng được thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Mặc dù, Bộ GTVT đã nhiều lần phát hành hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế cho cả hai dự án này, nhưng không có bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia do các doanh nghiệp lo ngại rủi ro lớn, trong khi Chính phủ không có cơ chế bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ý kiến của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án PPP giao thông, hiện nay, Bộ KH&ĐT đã đưa vào đề cương dự thảo xây dựng Luật PPP nội dung về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ. Theo đó, bảo lãnh doanh thu tối thiểu được Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng theo nguyên tắc: Trong 5 năm đầu vận hành công trình dự án, Nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu đảm bảo tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp; Trường hợp ngược lại, khoản doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động và 135% trong 5 năm kế tiếp sẽ được thanh toán cho Nhà nước.
Cấp thiết quy định cơ chế bảo lãnh
Tham gia ý kiến về quá trình xây dựng Luật PPP, trong văn bản gửi đến Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: “Từ thực tiễn triển khai các dự án PPP ngành GTVT thời gian qua, phản hồi của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang lựa chọn nhà đầu tư cũng như kinh nghiệm tại một số quốc gia phát triển cho thấy, đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP cần thiết phải có các bảo lãnh của Chính phủ như: Bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh vốn vay”.
Liên quan đến bảo lãnh ngoại tệ, trong dự thảo đề cương Luật PPP, Bộ KH&ĐT đề xuất, đối với tỷ giá sẽ quy định một mức biên độ biến động tỷ giá trong một khoảng thời gian nhất định, trường hợp tỷ giá thực tế vượt quá mức này, Chính phủ cam kết chia sẻ 50% giá trị chênh lệch do biến động tỷ giá thiệt hại hoặc tăng thêm) và lượng ngoại tệ có thể chuyển đổi tối đa từ 30 - 50% nhu cầu ngoại tệ.
Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 65% số lượng dự án PPP
Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, hiện nay, trong cả nước có 336 dự án PPP đã được thực hiện. Trong số này, lĩnh vực giao thông có 220 dự án chiếm 65,4%; lĩnh vực năng lượng (18 dự án, chiếm 5,3%); lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải, chất thải (18 dự án, chiếm 5,3%) và các dự án hạ tầng kỹ thuật (nhà ở tái định cư, hạ tầng ký túc xá, trụ sở,…).
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT thống nhất với dự thảo của Bộ KH-ĐT về việc bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án PPP. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, nguyên tắc áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu và bảo lãnh ngoại tệ cần được xem xét kỹ lưỡng trong các bước tiếp theo trên cơ sở nghiên cứu kỹ thông lệ quốc tế cũng như đặc thù của Việt Nam.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất Việt Nam hiện nay, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, việc đưa quy định bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ vào Luật PPP là phù hợp với thực tiễn để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án theo hình thức PPP, đặc biệt là ở lĩnh vực hạ tầng giao thông.
“Khi có quy định bảo lãnh doanh thu, doanh nghiệp và ngân hàng tài trợ vốn tín dụng sẽ yên tâm đầu tư, không phải lo sợ nhiều rủi ro như thời gian qua. Hơn nữa, trong luật còn có quy định về bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, chắc chắn sẽ tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia”, ông Thế nói.
Giải thích kỹ hơn, ông Thế phân tích, doanh thu của các dự án PPP giao thông thời gian qua phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển KT-XH. Các dự án hạ tầng giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài từ 20 - 25 năm, khi các yếu tố kinh tế vĩ mô thay đổi sẽ tác động lớn đến lưu lượng và doanh thu.
“Nhà nước đưa quy định bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án vào Luật PPP là một bước tiến rất lớn về hành lang pháp lý so với các quy định trong những nghị định trước đây”, ông Thế nói và cho rằng, ngoài bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án PPP, cơ quan xây dựng luật cần đưa thêm quy định về bảo hiểm doanh thu cho các dự án và chi phí mua bảo hiểm sẽ nằm trong dự toán, tổng mức đầu tư của công trình.
“Trường hợp doanh thu của dự án không đảm bảo, các công ty bảo hiểm, công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ phải chi trả phần thiếu hụt doanh thu cho nhà đầu tư PPP”, ông Thế nói.
Cũng chịu tác động trực tiếp về rủi ro doanh thu của dự án PPP, khi doanh thu hơn một năm qua tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (mới thu 1 trạm, 1 trạm chưa được thu) chỉ đạt khoảng 12% so với phương án tài chính ban đầu (giảm 88%) khiến nhà đầu tư của dự án mỗi tháng phải bù lỗ hơn 20 tỷ đồng, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cho rằng, cần cấp thiết phải đưa quy định bảo lãnh doanh thu tối thiểu vào luật để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào dự án PPP trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, trong luật cũng cần có những điều khoản cho các dự án đã và đang đầu tư hiện nay thiếu hụt doanh thu lớn được áp dụng quy định hồi tố về bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Chỉ có như vậy mới tạo được sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật, bởi các nhà đầu tư là những doanh nghiệp tiên phong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa đầu tư trong bối cảnh những quy định pháp luật về PPP trước đây còn chưa rõ ràng, thống nhất”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận