Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức kêu gọi Nga nhận lại tua-bin và cung cấp khí đốt trở lại cho EU.
Kể từ ngày 27/7, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu chỉ hoạt động ở mức 20% công suất tối đa do 2 tua-bin khí ngừng hoạt động.
Một trong số tua-bin được công ty Siemens Energy của Đức gửi đến Montreal, Canada để sửa chữa. Do lệnh trừng phạt của Ottawa, ban đầu hãng sửa chữa từ chối trả lại tua-bin cho Đức, nhưng sau nhiều lần yêu cầu, Đức đã được nhận lại.
Vì thiếu tua-bin nên Tập đoàn Gazprom của Nga đã thông báo dừng động cơ tua bin khí khác tại trạm nén Portovaya. Hiện nay, chỉ có duy nhất 1 tua-bin vẫn đang trong điều kiện hoạt động.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng trước tua-bin khi đang được sửa chữa tại Canada. Ảnh - Getty Images
Trước đó, Đức nhiều lần kêu gọi Nga nhận lại tua-bin song nhà cung cấp khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga tuyên bố việc nhận lại tuabin nén khí thuộc dự án đường ống Nord Stream 1 là không thể do tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tuy nhiên, Uỷ ban châu Âu khẳng định các lệnh trừng phạt của EU không ảnh hưởng tới việc giao tua-bin khí đốt Siemens cho Nga. Phía Siemens Energy cũng khẳng định tua bin này đã sẵn sàng để sử dụng, Đức đã có thể chuyển sang Nga.
Hiện phía Nga chưa phản hồi trước lời kêu gọi từ Đức. Cùng ngày 11/8, Đại sứ quán Nga tại Đức ra thông báo cho biết: “Tính đến nay, nguồn cung khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu đã giảm đáng kể nhưng đó không phải do hành động của Nga mà là hậu quả của các lệnh trừng phạt chống lại Nga”.
Cơ quan này cho biết Ba Lan đã dừng hoạt động vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europe và Ukraine cũng giảm trung chuyển khí đốt khi qua lãnh thổ của họ.
Bên cạnh đó, đường ống khí đốt Nord Stream 2 đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào khai thác, thực hiện tất cả các khâu kiểm tra kỹ thuật cần thiết nhưng lại bị phía Đức đình chỉ vì lý do chính trị.
Gần đây, Nga liên tục bị cáo buộc kích động khủng hoảng năng lượng và vũ khí hoá nguồn cung ứng khí đốt tại Đức nhưng thực chất cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ năm 2021 khi nhu cầu khí đốt tại các nước châu Á tăng cao và nhiều đối tác của châu Âu đã chuyển sang mua khí đốt theo thị trường giao ngay.
Khi đó, nguồn cung khí đốt cho châu Âu giảm mạnh còn giá tăng song Nga vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo hợp đồng và đã được lãnh đạo Đức xác nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận