Chiều 3/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, phóng viên đặt câu hỏi: Từ ngày 1/4, thử nghiệm xe hợp đồng điện tử của Bộ GTVT hết hiệu lực. Vậy sau thời điểm này các loại hình như Grab, Be, Fastgo sẽ được coi là doanh nghiệp vận tải hay nhà cung ứng phần mềm vận tải? Các doanh nghiệp này sẽ được tự động chuyển đổi hay cần thêm thủ tục gì để chuyển đổi sang loại hình kinh doanh mới?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Trước khi ra thông báo dừng thí điểm loại hình ứng dụng đặt xe, Bộ đã có đánh giá hoạt động thí điểm đối với Grab và có báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khi có nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì sẽ dừng hoạt động thí điểm. Vì vậy, ngày 17/1/2020, khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành, thay thế Nghị định 86, thì ngay lúc đó các loại hình xe hợp đồng điện tử ngay lập tức chấm dứt thí điểm.
"Hiện loại hình xe nào phù hợp với quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì được hoạt động", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Theo Thứ trưởng Đông, ngày 11/2 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT về việc dừng kế hoạch thí điểm xe hợp đồng điện tử, thời gian dừng từ ngày 1/4/2020. Do đó, các đơn vị đang hoạt động theo loại hình này phải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp: Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định.
"Tóm lại, dù loại hình nào, dùng cái tên nào thì cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, không phân biệt tên theo mục đích gì, cứ phải đúng theo quy định hoạt động và quy định về kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam”, Thứ trưởng Đông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận