Theo chuyên gia giao thông, TP.HCM nên nghiên cứu làm làn đường riêng cho xe buýt từ trạm Hàm Nghi (Q.1) ra thẳng sân bay Tân Sơn Nhất để “giải cứu” lượng hành khách đông nghẹt ở sân bay đồng thời tăng cường phát triển hệ thống giao thông công cộng, thu hút người dân đi xe buýt.
“Giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất là ưu tiên xe buýt
Xe buýt tuyến 152 sân bay Tân Sơn Nhất thưa thớt khách. Ảnh Đỗ Loan
Theo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đợt cao điểm hè năm 2022 lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tăng cao. Mỗi ngày có khoảng 650 - 800 lượt chuyến bay đi và đến sân bay. Lượng khách mỗi ngày từ khoảng 60.000 đến 110.000 lượt khách, chủ yếu là ga quốc nội.
Vào khung giờ chiều và tối, lượng khách lên đến 4.000 khách/giờ. Nếu trời mưa, khách càng dồn ứ. Ngay cả mỗi xe chở 4 khách, trung bình khoảng 2.500 khách/giờ cần khoảng 700 lượt xe/giờ.
Tuy nhiên, do kẹt xe, thiếu bãi đậu, chưa kể các hãng taxi và xe công nghệ thiếu tài xế khiến lượng xe không đáp ứng đủ. Trong khi đó, một yếu tố quan trọng để giảm tải cho tình trạng trên là xe buýt thì lại chưa hiệu quả. Trong điều kiện hạ tầng đã quá tải và hệ thống đường sắt đô thị chưa đi vào hoạt động, xe buýt chính là lối thoát căn cơ cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Thực tế hiện nay, chỉ có 1 tuyến buýt sân bay trong nội thành thành phố là tuyến 152 (KDC Trung Sơn - Tân Sơn Nhất), thế nhưng tuyến này cũng rất ít khách. Hành khách đi tuyến này phần lớn là bắt xe buýt và xuống các chặng dọc đường, và rất ít hành khách đến thẳng sân bay.
Để tăng cường thêm tuyến xe buýt hoạt động ở sân bay, vừa qua Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng đã đề xuất đưa vào hoạt động trở lại tuyến xe buýt 109 từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đến trung tâm TP, tuyến này đang tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua.
Một giải pháp nữa là, Sở GTVT cũng đã kiến nghị thành phố cho phép xe buýt được vào ga quốc nội để đón khách thay vì chỉ ở ga quốc tế như thời gian vừa qua. Điều này đã giải quyết phần nào giúp cho người dân tiếp cận được với xe buýt gần hơn.
Nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt từ quận 1 vào sân bay?
Về làn đường riêng cho xe buýt, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định: “Không phải Sở GTVT không quyết liệt để làm làn đường riêng cho xe buýt mà khi nghiên cứu để làm tôi thấy không khả thi. Nếu làm thì chỉ có thể nhanh được một đoạn, các đoạn khác có nhanh được không hay vẫn tắc. Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến của chuyên gia nghiên cứu về làn riêng cho xe buýt đoạn từ Bến Thành đến Tân Sơn Nhất”.
Cùng quan điểm với Sở GTVT, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho rằng, tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ không đủ dài và đủ lớn để làm làn đường riêng. Nhưng có thể nghiên cứu làm đường riêng từ trạm Hàm Nghi ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Nam, vì hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất hiện là tụ điểm lớn nhất TP.HCM tính cả khách người đi và đón ở đó thì mỗi năm khoảng 100 triệu khách. Hiện nay các tuyến vào sân bay đều tắc hết. Do vậy phải tăng cường kết nối xe buýt vào sân bay. Vấn đề là hiện nay rất ít người đi xe buýt ra sân bay do xe đi không đúng giờ, thưa thớt, chờ lâu… nên cần nghiên cứu làm đường, tăng tốc độ, số xe mới thu hút được người dân.
“Làn đường này sẽ ưu tiên xe buýt, taxi, xe ôm công nghệ, tất cả loại hình giao thông công cộng, trừ xe cá nhân. Xe cá nhân bắt buộc chấp nhận tắc đường, còn xe cộng cộng phải được hưởng thông thoáng", ông Nam nói.
Trao đổi với PV, một cán bộ của Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, nếu nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt từ Hàm Nghi ra sân bay Tân Sơn Nhất sẽ là rất khó khăn bởi các trục đường từ bến xe buýt Hàm Nghi ra sân bay Tân Sơn đi qua các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… khá nhỏ hẹp, trong khi đây là các tuyến đường trục chính có nhiều xe cá nhân.
Trung tâm đang đề xuất nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt trên đường Phạm Văn Đồng chạy thẳng ra sân bay. Tuyến đường này rộng, phù hợp để làm làn đường riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận