Hạ tầng

Không cần trợ giá, nhiều hãng xe buýt “sống tốt”

Trong khi Hà Nội và TP.HCM chi hàng nghìn tỷ trợ giá xe buýt nhưng khách vẫn thờ ơ, DN kêu lỗ thì tại nhiều nơi khác, câu chuyện lại trái ngược.

Bài 3: Không cần trợ giá, nhiều hãng xe buýt “sống tốt”

Chất lượng phục vụ là hàng đầu

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn đang có 8 tuyến xe buýt với 125 xe hoạt động. Tuy nhiên, 100% số tuyến đều không được trợ giá, các đơn vị đều tự khai thác hiệu quả.

img

Tại Bắc Giang, 100% tuyến buýt đều không cần trợ giá, các đơn vị đều tự khai thác hiệu quả

Đơn cử, từ năm 2007 đến nay, Công ty CP Xe khách Bắc Giang đã đưa vào khai thác tuyến xe buýt Bắc Giang - Sơn Động dài 82 km, với 64 xe, tần suất từ 10 - 20 phút/chuyến. Dù không được trợ giá nhưng đây được coi là tuyến xe buýt hoạt động khá hiệu quả khi có dàn xe mới, cung cách phục vụ đáp ứng nhu cầu người dân.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Trần Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xe khách Bắc Giang cho biết, để khai thác thành công, tuyến phải đia qua các khu dân cư đông đúc, nơi có nhu cầu đi lại cao.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên đầu tư nâng cấp phương tiện, chú trọng nâng cao chất lượng, cung cách phục vụ. Giá vé cũng phải chăng, chưa đầy 1.000 đồng/km nên giúp thu hút đông đảo hành khách.

Tại Nghệ An, hiện có 5 doanh nghiệp khai thác 16 tuyến buýt, với tổng số 211 phương tiện. Điều đặc biệt là từ khi thành lập đến nay, 100% các doanh nghiệp tự cân đối doanh thu mà không nhận bất cứ sự hỗ trợ về giá nào từ địa phương.

Theo ghi nhận của PV, sau thời gian dài nghỉ hoặc phải hoạt động cầm chừng do dịch Covid-19, đến nay các doanh nghiệp đã cơ bản hoạt động ổn định trở lại.

Chia sẻ về việc quyết định đầu tư vào xe buýt dù không được trợ giá, ông Lê Văn Cẩm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khanh Quỳnh (buýt Khanh Quỳnh, khai thác 2 tuyến với 40 xe) cho biết: “Về bản chất, xe buýt và xe khách nội tỉnh không có nhiều sự khác biệt. Điểm khác ở đây là về giá và tần xuất hoạt động.

Xe buýt lãi ít nhưng với tần suất cứ 15 - 20 phút/chuyến sẽ vận chuyển được nhiều hơn xe khách chạy 1 - 2 chuyến/ngày. Giá vé xe khách lên đến 40.000 – 45.000 đồng/lượt/70km, còn xe buýt chỉ 25.000 - 30.000 đồng/lượt/70km. Chất lượng phục vụ tương đồng nên hành khách chuyển sang đi xe buýt”.

img

Đội ngũ cán bộ nhân viên của hãng buýt Khanh Quỳnh đều được tập huấn cung cách phục vụ, quán triệt nội quy, quy định của đơn vị

Không tiết lộ cụ thể về doanh thu, song theo ông Cẩm, để xe buýt tồn tại, phát triển thì quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng phục vụ. “Bây giờ là thời buổi cơ chế thị trường, hành khách có nhiều sự lựa chọn. Nếu rẻ mà chất lượng vẫn tốt thì người ta chọn thôi!”, ông Cẩm nói.

Đối với buýt Khanh Quỳnh, ông Cẩm bật mí, đội ngũ 90 cán bộ nhân viên của hãng đều được tập huấn cung cách phục vụ, quán triệt nội quy quy định của đơn vị. Đội ngũ thanh tra, giám sát, trực đường dây nóng phải công tâm, thậm chí dùng tới người thân, người nhà của ban lãnh đạo.

“Tiếp đó, chất lượng phương tiện phải tốt, xe phải sạch, điều hòa mát rượi... Vì vậy, mới có chuyện khách sẵn sàng đứng chờ tại điểm thêm 5 - 10 phút để chờ xe buýt”, ông Cẩm lý giải.

Giá vé mềm, phục vụ niềm nở

Tương tự, tại nhiều nơi như Cần Thơ, Thừa Thiên- Huế, Đà Lạt, An Giang, Khánh Hoà, Ninh Thuận…, các tuyến buýt không có trợ giá do các doanh nghiệp tư nhân khai thác hầu hết tỉ lệ lấp đầy mỗi chuyến đi trên 60%.

Một cán bộ cao cấp của Công ty Phương Trang tại Đà Lạt, Lâm Đồng chia sẻ, hiện đơn vị này đang khai thác tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc chặng 120km với giá 60 ngàn đồng. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, doanh nghiệp không lỗ.

Nói về thái độ phục vụ, chị N.T, một khách du lịch đến Đà Lạt chia sẻ, đã rất bất ngờ và ấn tượng với hệ thống xe buýt mini tại đây. Xe buýt mới với máy lạnh, wifi, sạch sẽ, tài xế và phụ xe rất niềm nở.

Điều chị T cảm thấy thú vị hơn, xưa nay nhắc tới xe buýt là nghĩ ngay tới sinh viên, người già. Nhưng những chuyến xe buýt ở Đà Lạt có tất cả các thành phần, đặc biệt có nhiều các cặp đôi. Các chuyến chạy từ 5h30 sáng tới tận 19h tối mỗi ngày, cứ 10-15 phút có một chuyến. Nếu đi chặng ngắn khoảng 10km, tính ra giá vé chỉ khoảng 5000 đồng.

Một nguồn tin tiết lộ, thu nhập trung bình của tài xế xe buýt tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc khoảng 15 triệu đồng/tháng. Mức lương này cao hơn nhiều so với lái xe buýt trợ giá tại TP.HCM hay Hà Nội.

Thay đổi quan niệm về xe buýt

Tại khu vực miền Tây, thời gian qua, tại nhiều địa phương, hình ảnh những chiếc xe buýt cũ kỹ, nhả khói đen xì trên các tuyến đường đã được thay thế bằng những chiếc xe màu cam hiện đại.

Ông Trần Văn Hòa (ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ) chia sẻ, định kỳ hàng tháng, ông đến bệnh viện thuộc quận Ninh Kiều để tái khám và theo dõi sức khỏe. Nếu như trước đây, ông nhờ con cháu đưa đón thì kể từ khi có xe buýt Phương Trang, ông chọn loại hình này để di chuyển. “Thời gian di chuyển khoảng 45 phút là đến, xe có máy lạnh, rất tiện lợi”, ông Hòa nói.

img

Hình ảnh những chiếc xe khách Phương Trang đã trở nên quen thuộc với người dân miền Tây

Thực ra, tại TP Cần Thơ, loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã có từ năm 1999, còn ở An Giang được đưa vào khai thác từ năm 2005. Tuy nhiên dần dà, người dân không còn mặn mà vì sau nhiều năm, hệ thống xe buýt xuống cấp, cũ kỹ.

Nhằm thúc đẩy loại hình vận tải này, TP Cần Thơ, An Giang đã kêu gọi đầu tư mở mới các tuyến xe buýt chất lượng cao nhưng không trợ giá.

Ông Phạm Văn Ðồng, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải công cộng, Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 20/9/2020 đến nay, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines khai thác 7 tuyến xe buýt nội tỉnh với 36 xe 40 chỗ, sản xuất năm 2020 và 6 xe buýt loại B24 (GAZ của Nga) sản xuất năm 2021 đạt chất lượng khí thải Euro 4.

“Xe buýt hiện đại, tiện nghi, giá vé phù hợp đã làm thay đổi quan điểm của người dân”, ông Đồng nói.

Tương tự, An Giang cũng đã đấu thầu và ký hợp đồng với Công ty CP Xe khách Phương Trang khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không trợ giá.

“Cho đến nay Phương Trang đã thực hiện 24.026 chuyến và tổng số vé bán ra 247.777 vé. Trong đó có vé giảm cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi và có vé miển phí 100% cho học sinh dưới 6 tuổi”, ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang thông tin.

Không chỉ thay đổi về chất lượng dịch vụ, xe buýt không trợ giá do doanh nghiệp tư nhân khai thác ở mức khá phù hợp với đa số người dân.

Đối với lộ trình dưới 10km, giá vé thông thường 7.000 đồng/lượt, đối tượng ưu tiên 5.000 đồng/lượt. Lộ trình từ 10 đến dưới 20km giá vé 10.000 đồng/lượt, đối tượng ưu tiên 7.000 đồng/lượt.

Lộ trình từ 20 đến dưới 30km, giá vé 15.000 đồng/lượt, đối tượng ưu tiên 10.000 đồng/lượt. Lộ trình từ 30 đến dưới 40km và suốt tuyến, giá vé 20.000 đồng/lượt, đối tượng ưu tiên 14.000 đồng/lượt.

Từ 40km trở lên hoặc suốt tuyến 25.000 đồng/lượt. Riêng đối với học sinh, sinh viên giá vé 5.000 đồng/lượt cho tất cả các lộ trình.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, hiện có 3 tuyến buýt hoạt động trên toàn tỉnh theo hình thức tự trang trải, không trợ giá, gồm: Tuyến B1 (Đồng Hới - Ba Đồn - Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp); Tuyến B2 (Đồng Hới - Kiến Giang) và Tuyến B4 (Đồng Hới - Phong Nha - Troóc).

Kể từ khi đưa vào hoạt động, các tuyến buýt tại tỉnh Quảng Bình cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ, phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của người dân cũng như của khách du lịch, bước đầu đã tạo được thói quen cho người dân tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, kiềm chế ùn tắc và giảm thiểu tai nạn, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Sở GTVT tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các tuyến buýt không trợ giá trên địa bàn..

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.