Thông tin với Báo Giao thông, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ngành Đường sắt vừa chính thức triển khai áp dụng phần mềm Hệ thống quản trị vận tải hàng hóa trên các tuyến đường sắt quốc gia sau một thời gian thử nghiệm, hoàn thiện hệ thống.
Đây là phần mềm được tổng công ty hợp tác với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT xây dựng để triển khai công tác quản trị qua mạng trong quản lý vận dụng đầu máy, toa xe, quản lý vận tải hàng hóa và công tác điều hành chạy tàu. Các tác nghiệp ghi chép và trao đổi thông tin bằng điện thoại giữa các bộ phận liên quan trong công tác điều hành tổ chức chạy tàu và sản xuất kinh doanh vận tải được thay thế bằng việc nhập dữ liệu và trao đổi thông tin trên hệ thống. Các dữ liệu được ghi nhận trên hệ thống có tác dụng làm bằng chứng như các mẫu giấy tờ ghi chép trên giấy trong quy trình tác nghiệp thủ công.
“Hệ thống này số hóa được toàn bộ quá trình vận tải, bao gồm chuẩn hóa các mẫu biểu báo cáo, thống kê, giúp người điều hành quản trị tốt hơn; giúp giảm chi phí, giảm lao động thủ công”, ông Quốc Anh cho hay.
Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT), hệ thống hiển thị chi tiết trạng thái tức thời của đoàn tàu, của toa xe trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam; thống kê lịch sử vị trí, lịch sử di chuyển của toa xe trong mọi thời điểm trong quá khứ và dự kiến 24 giờ tiếp theo.
"Các ga xếp hàng hóa gì, đi đâu hoặc đang dỡ hàng gì, còn chờ dỡ bao nhiêu toa xe, người gửi hàng là ai, gửi đến đâu đều được cập nhật. Từ đó, có thể tra cứu dễ dàng vị trí hàng hóa vận chuyển trên đường, dự kiến thời gian đến ga đến để thông tin đến khách hàng, chủ động trong kế hoạch dỡ hàng. Theo dõi được trạng thái kĩ thuật toa xe, đầu máy để quản trị về bảo dưỡng định kỳ", ông Bình nói.
Để thực hiện được các tính năng trên, tất cả các bộ phận liên quan đều phải khai báo, nhập dữ liệu trên hệ thống trong thời gian quy định theo đường đi của đoàn tàu, toa xe. Việc này không chỉ giúp thể hiện trạng thái tức thời của đoàn tàu mà còn lưu lại làm bằng chứng để kiểm đếm về sau cũng như làm dữ liệu để làm báo cáo doanh thu, báo cáo chỉ tiêu trên hệ thống.
Ông Phan Quốc Anh cho biết, để triển khai hệ thống trên toàn mạng lưới đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN đã ban hành quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm các chức danh, bộ phận tham gia sử dụng phần mềm này. Trong đó, có quy định cụ thể các chức danh trực tiếp nhập số liệu như nhân viên kiểm đếm toa xe, nhân viên trực ban ga, nhân viên điều độ tuyến, nhân viên hóa vận, nhân viên điều độ hóa vận, công nhân khám chữa toa xe; Mỗi chức danh đều có quy trình riêng về nhập số liệu cho từng tác nghiệp đối với các chuyến tàu đi, đến trong ngày. Cùng đó là quy định trách nhiệm kiểm tra xác nhận thành phần đoàn tàu, thời điểm đón, tiễn đoàn tàu đối với các chức danh liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận