Liên tục tăng trưởng
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, tại ga Yên Viên, mặc dù các chuyến tàu liên vận quốc tế đi và đến Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nhất định do chính sách “Zero Covid” của nước bạn nhưng bãi container vẫn nhộn nhịp hoạt động.
Chỉ về phía những dãy container chồng lên nhau, một nhân viên kinh doanh vận tải đường sắt cho hay, giờ ga đỡ ách tắc hơn vì tàu hàng không về còn dồn dập như trước.
Ga Đồng Đăng đầy kín toa xe
Dịp trước và sau Tết, hàng xuất, nhập khẩu về ga nhiều, nhất là hàng từ Trung Quốc, trong khi năng lực bãi hang chỉ chứa được khoảng 400 container nên thường xuyên ùn ứ.
Còn tại ga Đồng Đăng, ga chính cũng kín đầy các toa xe từ Trung Quốc sang chờ làm thủ tục hải quan, giải phóng hàng.
Ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, từ giữa năm 2021 đến nay, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc qua cửa khẩu đường sắt ga Đồng Đăng tăng trưởng mạnh.
Bốc xếp container tại ga Yên Viên
Năm 2021 tăng trưởng 84% so với năm 2020; 3 tháng đầu năm 2022, sản lượng tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2021. Xu hướng thời gian tới tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là dung lượng đường để chứa toa xe và tổ chức xếp dỡ hàng hóa rất hạn chế. Một đường xếp dỡ chỉ chứa được 6 toa xe, ảnh hưởng đến tiến độ xếp - dỡ hàng, giải phóng hàng.
Đường sắt trong ga chính cũng ngắn nên việc tổ chức vận tải giữa hai ga biên giới gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm ga chỉ tiếp nhận được 3 - 4 đôi tàu/ngày do hết đường chứa toa xe, không có đường đón tàu.
Theo ông Mai Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt, hàng xuất, nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng thời gian qua tăng trưởng khoảng 200%.
Hiện ngoài một số mặt hàng chính xuất đi Trung Quốc, châu Âu, có thêm các mặt hàng quá cảnh từ Lào, Thái Lan. Tuy nhiên năng lực bãi hàng, đường ga chưa đáp ứng được.
Vì vậy ông Long cho rằng, đường sắt cần nâng cấp kho bãi, nhất là kho bãi đủ điều kiện để vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu như bãi container, làm thủ tục hải quan, không chỉ đối với các ga trên tuyến liên vận quốc tế mà với các ga tại miền Trung, miền Nam để làm ga đầu mối, lập tàu liên vận quốc tế.
Phải đầu tư hạ tầng
Bãi hàng ga Đồng Đăng lầy lội
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, nhằm nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế, vừa qua Tổng công ty đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ về đầu tư hạ tầng, đầu tư phương tiện vận chuyển, bốc xếp, tổ chức điều hành, cơ chế chính sách.
Cụ thể, đường sắt đề xuất đầu tư đồng bộ, ngoài các ga liên vận quốc tế như Đồng Đăng, Lào Cai, cần đầu tư nâng cấp các ga để phát huy hiệu quả toàn mạng lưới như ga Vật Cách (thay thế ga Hải Phòng đã có kế hoạch di dời), Kép (Bắc Giang), Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Quy Nhơn), Sóng Thần (Bình Dương)... Các hạng mục chủ yếu là làm đường ga, bãi hàng container, mở rộng bãi hàng, nâng cấp kho...
Về lâu dài cần đóng mới 500 toa xe Mc khổ đường 1.000mm và 500 toa xe Mc khổ đường 1.435mm đủ tiêu chuẩn tham gia liên vận quốc tế; đầu tư 200 - 700 vỏ container, cẩu chuyên dụng và xe nâng bố trí tại các ga liên vận quốc tế và ga xếp dỡ hàng.
Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất, trước mắt bổ sung các ga Kép (Bắc Giang), Vật Cách (Hải Phòng), Trảng Bom (Đồng Nai) là ga liên vận quốc tế để hỗ trợ cho ga Đồng Đăng và Yên Viên, đồng thời khai thác hàng xuất nhập khẩu từ phía Nam ra.
Doanh nghiệp này cũng đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ giao thông đường sắt như đầu máy, toa xe, cẩu cứu viện… vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục các dự án tín dụng đầu tư hoặc có cơ chế ưu đãi riêng cho các sản phẩm cơ khí đường sắt, trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay.
Tổng công ty cũng kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT có chính sách, định hướng các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch để vận tải bằng đường sắt.
Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi hơn trong làm các thủ tục hải quan, như chấp thuận khai báo điện tử và bản scan thay cho bản chính đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu vận tải bằng đường sắt...
“Theo tính toán, sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn trước mắt, các cơ chế của hải quan cửa khẩu tạo điều kiện rút ngắn thời gian và đầu tư thêm phương tiện đầu máy, toa xe, khả năng vận tải hàng xuất nhập khẩu đạt hơn 4,5 triệu tấn/năm”, ông Minh cho hay.
Hiện đường sắt Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc tại 2 ga biên giới Lào Cai và Đồng Đăng. Tàu hàng từ Việt Nam có thể quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ 3 như: Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và châu Âu.
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, từ năm 2017 - 2021, sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2017 thực hiện được hơn 870.000 tấn qua cả hai cửa khẩu ga Lào Cai và ga Đồng Đăng thì năm 2021, con số này là hơn 1.130.000 tấn. Sản lượng năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020.
Khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của cả nước là trên 1.000 triệu tấn/năm, trong đó xuất, nhập khẩu qua tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai chiếm khoảng 17%, chủ yếu bằng đường bộ. Do đó, nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của đường sắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận