Ùn tắc vì năng lực bãi container thấp
Những ngày đầu tháng 3/2022, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ga liên vận quốc tế Yên Viên, bãi container chật kín, container xếp từng chồng. Trên đường sắt trong ga, hàng chục toa xe chở container chờ hạ bãi.
Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng ga Yên Viên cho biết, bãi container không đủ sức chứa container chờ làm thủ tục hải quan. Hiện tại bãi container đã đầy hàng, tồn khoảng 400 container chờ luân chuyển, giải phóng. Vì thế, hàng về chưa bốc xuống bãi được, trong ga thường xuyên có khoảng 80 container, chiếm dụng toa xe, đường ga.
Bãi container ga Yên Viên đầy chật, ùn tắc do hàng liên vận quốc tế về nhiều
Nguyên nhân, theo ông Hùng, có những lô hàng mấy chục container phải chờ đầy đủ các thủ tục, giấy tờ theo quy định mới làm được thủ tục hải quan theo lô nên container “nằm” dài ngày ở bãi. Trong khi đó, nhu cầu hàng về ga tăng mạnh, năng lực bãi container không đáp ứng được. Diện tích bãi nhỏ hẹp, chỉ khoảng 17.000 m2 với sức chứa tối đa khoảng 400 container.
Để giảm tải cho bãi container này, Tổng công ty Đường sắt VN đã cho di dời các cột điện, sửa chữa mặt bằng bãi hàng cạnh đường sắt số 15, 16 gần đó để làm bãi container tạm thời, chuyển container hàng nội địa sang bốc xếp tại đây. Tuy nhiên, bãi hàng này cũng nhỏ, chỉ khoảng 3.000 m2 với sức chứa tối đa khoảng 100 container.
“Hiện các doanh nghiệp vận tải đang nỗ lực luân chuyển container để có thể dỡ được trung bình 50 container liên vận quốc tế/ngày từ trên toa xe xuống bãi. Ngoài ra, còn hàng nội địa dỡ khoảng 50-60 container/ngày. Tuy nhiên chỉ đỡ phần nào vì bản chất vẫn là năng lực kho bãi không đáp ứng được yêu cầu”, ông Hùng nói và cho rằng, cần đầu tư mở rộng bãi container. Do đây là đất thuộc sở hữu Nhà nước nên Nhà nước đầu tư, nếu không cần có cơ chế do đường sắt tự đầu tư.
Đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, trừ tháng 2/2022 nghỉ Tết Nguyên đán, lượng container thấp hơn, còn trung bình phía đường sắt Trung Quốc gửi container liên vận quốc tế về đường sắt Việt Nam qua cửa khẩu ga Đồng Đăng khoảng 1.200 - 1.300 container/tháng.
Khối lượng container về lớn gây áp lực cho hạ tầng kho bãi các ga liên vận quốc tế như Yên Viên, Đồng Đăng. Trong khi đó, để thu hút được khách hàng đi bằng đường sắt, cần nhiều giải pháp đồng bộ cả về phương tiện, chi phí, dịch vụ...
Đầu tư kho, bãi container tiêu chuẩn
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, xét hiệu quả hàng liên vận quốc tế, nếu chỉ tính thu cước đường sắt từ ga đến ga thì không cao vì quãng đường tàu chạy trên đường sắt Việt Nam từ Yên Viên (ga lập tàu) đến ga cửa khẩu Đồng Đăng ngắn, chỉ khoảng 150km.
Ga Đồng Đăng thường chật kín toa xe chở container liên vận quốc tế
Nhưng nhìn hiệu quả kinh tế chung cho cả vận tải đường sắt và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khi vận tải hàng bằng đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ thúc đẩy hàng từ miền Nam, miền Trung, kể cả hàng quá cảnh các nước ASEAN đi bằng đường sắt nội địa, tiếp chuyển tàu liên vận quốc tế.
Như hàng nông sản, nếu xuất khẩu chính ngạch, sẽ gom về các ga phía Nam, từ đó vận chuyển bằng tàu hàng sang thẳng Trung Quốc cũng như đi châu Âu.
“Khi đó, đường sắt sẽ thu được cước nội địa nhiều hơn vì quãng đường dài, còn doanh nghiệp xuất khẩu cũng giảm chi phí. Hiện nay, một xe container lạnh chở trái cây từ miền Nam đưa qua biên giới, chi phí vận chuyển trên dưới 70 triệu. Nhưng nếu đi chính ngạch bằng tàu hàng, chi phí chỉ khoảng 35 triệu”, ông Quốc Anh nói.
Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, cơ sở hạ tầng, năng lực kho bãi các ga hiện nay rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác hiện chỉ có các ga Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng có tổ chức thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (có hải quan) nên khi khối lượng tăng, lại tập trung ở ga Đồng Đăng, Yên Viên dẫn đến ách tắc.
Vì vậy, vừa qua Tổng công ty Đường sắt VN đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư nâng cấp kho, bãi tiêu chuẩn để phục vụ vận tải hàng hóa trên toàn mạng lưới. Trước mắt, để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa nói chung và liên vận quốc tế nói riêng, cần sớm triển khai thực hiện cải tạo, mở rộng, nâng cấp các ga: Sóng Thần, Diêu Trì, Kim Liên, Vinh, Đồng Đăng, Đông Anh, Kép, đưa các ga thành nơi tập kết hàng hóa, container lớn.
Cùng đó, sớm xem xét bổ sung ga Kép (tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế, giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và 2 ga liên vận quốc tế hiện có trên tuyến là Yên Viên và Đồng Đăng.
Về lâu dài, Tổng công ty Đường sắt VN cũng đề xuất đầu tư mở rộng, xây dựng các ga mới Ngọc Hồi, Nghi Long, Sen Hồ (Bắc Giang).
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, theo quy hoạch ga Ngọc Hồi sẽ thay thế ga Giáp Bát là ga lập tàu hàng hóa phía Nam Hà Nội, vì vậy cần khẩn trương đầu tư mới ga Ngọc Hồi thay thế ga Giáp Bát.
Đối với khu vực ga Vinh nằm trong khu vực đô thị nên có quy mô hạn chế về diện tích kho bãi hàng cũng như khả năng kết nối đường bộ. Trong khi đó, với sự phát triển của các khu công nghiệp khu vực Nghệ An và nhu cầu kết nối vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua Lào, Thái Lan và kết nối đường sắt với cảng trong khu vực, rất cần có một ga hàng hóa mới cho khu vực Bắc Trung bộ. Do đó, đường sắt đề xuất xây dựng ga mới Nghi Long trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Còn tại tỉnh Bắc Giang, cần thiết mở rộng ga Sen Hồ và có nhánh đường sắt kết nối với các khu công nghiệp trên địa bàn để phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt cho các khu công nghiệp này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận