Tin từ Cục Đường sắt VN, thời gian qua, tại Bình Thuận, cơ quan chức năng đã rào đóng, rào thu hẹp 34 lối đi tự mở (LĐTM) nguy hiểm; Bổ sung, sơn sửa đầy đủ các loại biển báo tại các đường ngang trên địa bàn. Cùng với việc xây dựng gần 2km đường gom, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn cho người dân, các hàng rào lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực xã Bình Tân, huyện Bắc Bình) cũng đã được giải toả...
Lối đi tự mở nguy hiểm tại Bình Thuận, cần xử lý ngay để đảm bảo an toàn
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện hiện tại Bình Thuận vẫn tồn tại 114 LĐTM. Đó là chưa nói đến 18 vị trí vi phạm công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt; 39 vị trí vi phạm công trình thông tin tín hiệu đường sắt cần phải giải tỏa dứt điểm.
Tuyến đường sắt Thống nhất đi qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 177km, qua địa phận 6 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 178 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó: 64 đường ngang hợp pháp (7 đường ngang có người gác chắn, 42 đường ngang có phòng vệ bằng cảnh báo tự động, 15 đường ngang phòng vệ bằng biển báo); Đặc biệt tồn tại đến 114 lối đi tự mở nguy hiểm qua đường sắt.
"Những tồn tại này đe dọa trực tiếp đến ATGT đường sắt, an toàn chạy tàu", lãnh đạo Cục Đường sắt VN nói và cho biết thêm: Riêng 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra 4 vụ tai nạn tàu đâm va, làm chết 1 người, bị thương 3 người.
Trực tiếp kiểm tra hiện trường vi phạm hành lang, công trình đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Cục Đường sắt VN đã phát hiện nhiều vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm. Thậm chí rào đóng LĐTM nguy hiểm tại vị trí này, người dân lại ngang nhiên mở LĐTM ở vị trí khác.
Điển hình là sau khi cơ quan chức năng rào đóng LĐTM vị trí Km1490+050 (thuộc xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình), người dân lại tự ý mở lối đi vị trí Km1490+175. Không những vậy còn đổ đất lấp rãnh thoát nước, gây úng ngập nền đường sắt khi mưa lớn do kết cấu hạ tầng đường sắt là đường đào.
Hơn nữa, các phương tiện vận tải nông sản qua lại nhiều tại đây, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt, biến đổi thông số kỹ thuật đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt nghiêm trọng, đặc biệt khi vào mùa mưa, trời tối.
Còn tại Km1509+465 (đường ngang cảnh báo tự động, địa bàn xã Bình Tâm, huyện Bắc Bình), bên phải lý trình đường sắt còn tồn tại hàng cây bạch đàn cao nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và tiếp giáp phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt. Cục Đường sắt VN đã đề nghị giải tỏa từ năm 2018, nhưng đến nay địa phương chưa xử lý, giải quyết.
Cục Đường sắt VN đề nghị tỉnh Bình Thuận ưu tiên kinh phí xỏa bỏ lối đi tự mở, xử lý vi phạm hành lang đường sắt. Ảnh: Người dân tự ý đổ đất lấp rãnh thoát nước, gây úng ngập, đe dọa hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt
Trước thực trạng trên, Cục Đường sắt VN đã có văn bản đề nghị tỉnh Bình Thuận triển khai ngay các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn. Trong đó, tổ chức cảnh giới/chốt gác tại 3 vị trí LĐTM đặc biệt nguy hiểm, hiện chính quyền địa phương cấp xã chưa tổ chức thực hiện để đảm bảo an toàn cho người dân, cụ thể: Km1490+175 (thuộc xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình), Km05+990, Km 06+940 (thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc).
Xử lý dứt điểm vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt từ Km 1509+180 - Km 1509+490, trong có hàng cây bạch đàn. Xử lý dứt điểm 18 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt, 39 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt, tránh tình trạng vi phạm tái diễn trên diện rộng.
“Ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương (xây dựng đường gom, công trình phụ trợ khác) để xóa bỏ 114 LĐTM nguy hiểm hiện có, đồng thời giải tỏa các công trình vi phạm, vị trí vi phạm HLATGT đường sắt trên địa bàn”, Cục Đường sắt VN đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận