Nhờ vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt, doanh thu vận tải 6 tháng thực hiện được 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Nếu không, đường sắt còn lỗ nặng nữa.
Đường xếp dỡ ga Giáp Bát nhộn nhịp xe ô tô ra vào, xếp dỡ hàng hóa
Vận tải hàng hóa bất ngờ tăng mạnh giữa đại dịch
Ghi nhận của PV Báo Giao thông cuối tuần qua tại ga Giáp Bát, khi TP HCM và một số tỉnh phía Nam chính thức thực hiện cách ly xã hội, các đoàn tàu hàng vẫn đều đặn “ăn hàng”. Dọc theo bãi hàng và trên lối vào hai đầu Nam - Bắc nườm nượp xe tải lớn, nhỏ. Có thời điểm lên đến hàng trăm xe, ùn tắc cả khu ga.
Tại các đoạn đường sắt xếp - dỡ, ken kín các toa xe hàng, toa đã xếp xong, chờ kéo đi lập tàu; Toa đang dỡ hàng lên ô tô hoặc vào kho; toa đang xếp hàng từ ô tô hoặc từ kho lên.
Tại các cửa kho cũng tấp nập, từng tốp công nhân khẩn trương dỡ hàng từ ô tô tập kết vào kho để chờ xếp lên toa xe, từ đó theo tàu đi tiếp các tỉnh phía Nam.
Chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT bố trí phân bổ một phần nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường sắt vào các hạng mục nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới bãi hàng, kho hàng tại các ga xếp dỡ hàng hóa trọng điểm để tăng năng lực xếp dỡ thông qua.
Tổng giám đốc Ratraco Trần Thế Hùng
Một chủ hàng đang chỉ đạo nhân viên xếp, dỡ hàng cho biết, dù ùn tắc nhưng cảnh này chưa ăn thua gì so với trước đây. Những tháng đầu năm, ngành đường sắt đẩy mạnh tàu hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong xếp dỡ hàng hóa tại ga nên hàng hóa đi, đến ga nhiều. Như chủ hàng này, mỗi ngày xếp - dỡ gần 200 tấn, chủ yếu là hàng bách hóa đi ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).
“Mấy ngày gần đây, khi dịch phức tạp, TP HCM, Bình Dương thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, ô tô đi nhận hàng và trả hàng khu vực này rất khó khăn, vì thế nhu cầu vận chuyển hàng theo tàu cũng giảm theo. Tài xế xe tải cứ 3 ngày lại phải đi xét nghiệm Covid-19 một lần, rất mất thời gian”, chủ hàng này cho hay.
Theo thống kê của Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, 6 tháng đầu năm tại ga Giáp Bát, khối lượng xếp - dỡ được hơn 410.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020, bình quân xếp - dỡ 90 toa xe/ngày đêm.
Kết quả đáng mừng này tại ga Giáp Bát phản ánh phần nào kết quả vận tải hàng hóa toàn ngành đường sắt. Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hàng hóa đã tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng các mặt hàng truyền thống như quặng Apatit tăng 31%, than tăng 10%, phân bón tăng 8%...
Thông tin cụ thể, ông Vương Khả Sơn, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, công ty đã vận chuyển được hơn 2 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 501 tỷ đồng, bằng 114,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhiều luồng hàng tăng trưởng đột biến như: Vận chuyển Apatit từ ga Xuân Giao A đi các ga tăng trưởng 34%; Quặng xỉ từ ga Xuân Giao A đi các ga tăng trưởng 227%...
Với Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco), theo Tổng giám đốc Trần Thế Hùng, con số tăng trưởng là 20% về tấn xếp, 16% về doanh thu. Trong đó, tấn xếp hàng nội địa tăng 17%; Tấn xếp hàng xuất nhập liên vận quốc tế tăng đến 109%.
Số hóa quản trị, khai thác luồng hàng mới
Dọc theo các kho ga Giáp Bát, rất đông xe ô tô xếp - dỡ hàng hóa vào kho
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chính Nam cho biết, hai đợt dịch Covid-19 bùng phát tác động nặng nề đến vận tải hành khách 6 tháng đầu năm. Hơn 2.300 đoàn tàu khách đã phải cắt giảm.
Ngược lại, vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, do tỉ trọng doanh thu vận tải hàng hóa thấp, chỉ chiếm 1/3 trong tổng doanh thu vận tải nên không bù đắp được sự sụt giảm nghiêm trọng của doanh thu vận tải khách. Do đó, dự kiến 6 tháng, tổng công ty lỗ 415,8 tỷ đồng.
“Nhờ vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt, doanh thu vận tải 6 tháng nói chung mới thực hiện được 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Nếu không, còn lỗ nặng nữa”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, vận tải hàng hóa tăng trưởng là kết quả từ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, tập trung thúc đẩy vận tải hàng hóa, xác định vận tải hàng hóa là trọng tâm từ năm 2019.
Đồng thời, ngành đường sắt đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng, vừa tăng hiệu quả quản trị phương tiện, vận tải.
Cùng đó, đường sắt cũng điều chỉnh giá cước linh hoạt, phù hợp với thực tế: Giảm từ 5% - 20% hoặc tăng từ 15% - 30% so với cùng kỳ tùy theo mặt hàng, cự ly và thời điểm vận chuyển.
Đường sắt cũng tăng cường khai thác luồng hàng và đa dạng hóa dịch vụ vận tải hàng hóa trong giai đoạn vận tải hành khách sụt giảm.
Ông Trần Thế Hùng cho biết, Ratraco ứng dụng CNTT vào toàn bộ các khâu, hoạt động trong điều hành, thực hiện công việc từ hiện trường đến bộ phận gián tiếp; Đã thực hiện trên 70% công việc qua số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa.
“Chúng tôi mở rộng thị trường vận chuyển nguồn hàng bảo ôn (container lạnh tự cấp phát điện riêng lẻ) tại thị trường trong nước, tổ chức vận chuyển mặt hàng sữa, bánh, thực phẩm đông lạnh trên tuyến Bắc - Nam. Đối với vận chuyển liên vận quốc tế, tiếp tục mở rộng các nguồn hàng vận chuyển như đồ điện tử gia dụng, may mặc, phụ tùng ô tô - xe máy, hàng nông sản và tiêu dùng khác”, ông Hùng nói.
Cùng đó, đơn vị còn khai thác được nguồn hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Vì vậy, sản lượng tấn xếp nhóm hàng thực phẩm, nước giải khát, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng trưởng đến 70%; Nhóm hàng công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử tăng trưởng 23%...
“Riêng hàng liên vận quốc tế, chúng tôi duy trì và nâng tần suất khai thác từ 2 đôi tàu/tuần lên 6 đôi tàu/tuần; Kết nối thành công với thị trường Nga, Kazakhstan, Đức và Ba Lan... giúp tăng lượng hàng xuất nhập khẩu hàng trăm container 40 feet/tháng. Gần đây, chúng tôi khai thác thí điểm thành công nguồn hàng trái cây, quặng từ Lào, Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, sản lượng bước đầu đạt trên 5.000 tấn”, ông Hùng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận