Quản lý

Đường sắt tốc độ cao 10 năm “nâng lên, đặt xuống”

24/05/2019, 14:00

Theo quy định, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam phải được trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

img
10 năm trước, dự án trình Quốc hội nhưng không được thông qua. Dự kiến, dự án sẽ tiếp tục trình vào kỳ họp cuối năm 2019, nhưng đang đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch

10 năm trước, dự án lần đầu được trình Quốc hội nhưng không được thông qua. Dự kiến, dự án sẽ tiếp tục trình vào kỳ họp cuối năm 2019, nhưng đang đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch…

Khó trình Quốc hội cuối năm 2019 vì phải qua nhiều bước

Sau 3 năm nghiên cứu, tháng 2/2019, Bộ GTVT trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án trước khi trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2019.

Ở Việt Nam, thương mại và du lịch, đặc biệt là du lịch có thế mạnh vượt trội so với các ngành kinh tế khác và là khu vực thu hút 65% việc làm mới tính từ năm 1995 và còn nhiều tiềm năng lớn. Việc thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao có ý nghĩa quyết định để phát triển dịch vụ, vì vậy theo tôi, Nhà nước cần tập trung huy động các nguồn lực quốc tế và trong nước để xây dựng tuyến đường sắt này càng sớm càng tốt. Nếu để đến năm 2045 mới hoàn tất sẽ rất chậm, mất nhiều cơ hội, lãng phí nhiều tiềm năng.
TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách - tiền tệ quốc gia cho rằng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu và toàn diện về mọi khía cạnh. Đây cũng là dự án có quy mô lớn và tác động vượt trội so với các dự án đầu tư từ trước tới nay ở Việt Nam. “Dự án sớm được thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện sẽ tạo bước đột phá về phát triển của đất nước”, TS. Nghĩa bày tỏ.

Theo Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) và Liên danh tư vấn Tedi - Tricc - Tedishouth, kết quả nghiên cứu lần này có sự kế thừa các nghiên cứu trong hàng chục năm qua của KOICA (Hàn Quốc), VJC, JICA (Nhật Bản). Đồng thời, có tham khảo kinh nghiệm thế giới, đóng góp của các nhà khoa học trong nước, các bộ, ngành. Quá trình nghiên cứu, lập báo cáo, có sự trao đổi, thống nhất với 20 địa phương thuộc phạm vi nghiên cứu dự án và tổ chức 3 hội thảo lớn, 4 báo cáo chuyên đề để lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia. Mục tiêu được Bộ GTVT đặt ra là trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2019.

Tuy vậy, ông Lê Văn, Trưởng phòng Dự án 3, Ban QLDA đường sắt cho biết, dự án khó có thể kịp trình Quốc hội vào thời gian trên. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT, đơn vị đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho dự án và tham khảo kinh nghiệm thế giới. Dự kiến cuối tháng 5/2019 sẽ hoàn thành, trình lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sau đó, dự án cần ít nhất vài tháng để qua các bước lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, không thể kịp thời gian để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019 này”, ông Lê Văn nói.

Cũng theo ông Văn, tính đến ngày 20/5, đơn vị mới nhận được 13/45 ý kiến đề nghị đóng góp của các nhà khoa học, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Đại diện Ban QLDA cũng cho biết, dự án dù mới chỉ ở giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng triển khai lận đận từ chục năm nay. Năm 2010, sau khi dự án trình Quốc hội nhưng không được thông qua, đến năm 2013 tiếp tục được TCT Đường sắt VN (đơn vị giao lập dự án) nghiên cứu đến bước khả thi nhưng sau đó không được trình. Năm 2017, dự án tiếp tục được tái khởi động ở bước nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014.

Địa phương mong ngóng... chủ trương

img
Tư vấn đã kiến nghị lựa chọn đường sắt tốc độ cao bằng công nghệ động lực đoàn tàu phân tán EMU mà nhiều nước tiên tiến đang sử dụng như: Shinkansen (Nhật Bản), TGV (Pháp), ICE3 (Đức), CRH (Trung Quốc)... (Trong ảnh: Tàu ICE 3, Đức)

GS. Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt VN cho biết, dự án được nghiên cứu cách đây hàng chục năm, bài bản, đúng quy định, đã được trình qua các cấp như: Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội, nhưng đáng tiếc chưa được Quốc hội thông qua.

Theo nội dung nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ GTVT trình Thủ tướng vào tháng 2/2019, dự án xây dựng mới khoảng 1.559km đường sắt chuyên chở khách, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP HCM; sử dụng đoàn tàu công nghệ động lực phân tán, tốc độ tàu thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h.
Thời gian thực hiện: Năm 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM (giai đoạn 1, đầu tư 561,6 nghìn tỷ đồng), từ năm 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050 (giai đoạn 2 là 772,6 nghìn tỷ đồng).

“Những tưởng chuyện xin chủ trương đầu tư dự án chỉ mới đây nhưng đã trôi qua gần một thập kỷ nên thực tế đất nước đòi hỏi không thể chậm trễ hơn việc đặt nền móng cho dự án”, GS. Phong nói.

“Nếu không có đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các địa phương ở miền Trung sẽ rất khó phát triển. Quốc hội đã xem xét dự án từ năm 2010 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có chủ trương đầu tư là rất chậm”, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.

Theo đại diện Ban QLDA đường sắt, bản chất giai đoạn hiện nay của dự án mới ở bước xin chủ trương đầu tư và là điều kiện tiên quyết để dự án tương lai có được triển khai hay không. Nếu không được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ không có cơ sở và không biết bao giờ có mốc thời gian để đầu tư dự án.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, khi dự án trình ra Quốc hội để xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải xong báo cáo tiền khả thi. Dù mới ở bước nghiên cứu tiền khả thi, nhưng dự án nhận khá nhiều ý kiến đề nghị phân tích nghiên cứu, sâu hơn mà đáng ra ở bước nghiên cứu khả thi, lập dự án. Mặt khác, cũng có nhiều ý tưởng đề xuất cách phân kỳ đầu tư, lựa chọn công nghệ, xây dựng tuyến đường chạy riêng tàu khách hay chung tàu hàng, thời gian đầu tư...

“Theo nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT đã trình dự án đúng thời hạn, song với yêu cầu tiếp tục lấy thêm ý kiến chuyên gia, nghiên cứu thêm công nghệ thế giới, Ban QLDA có thể đề xuất tới đây tổ chức đoàn chuyên gia nghiên cứu, tìm hiểu thực tế kinh nghiệm từ một số nước nên cần thêm thời gian”, đại diện Ban QLDA cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:
Biết chậm nhưng không thể làm khác

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ ngày 22/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có những chia sẻ tâm huyết về hạ tầng giao thông nói chung và 2 dự án trọng điểm mà Bộ GTVT đang triển khai là CHK quốc tế Long Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ trưởng nói: Theo Luật Đầu tư công, khi Quốc hội bố trí được nguồn vốn thì mới triển khai các công việc tiếp theo. Làm như thế này sẽ đảm bảo được có nguồn vốn để thực hiện đầy đủ nhưng dẫn đến hiện tượng ghi vốn rồi nhưng giải ngân rất khó gây dư luận bức xúc.

Dẫn ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho biết, khi Quốc hội thống nhất về chủ trương, Chính phủ mới chỉ đạo Bộ triển khai. Lúc đó chúng ta đã biết Quốc hội bố trí khoảng bao nhiêu tiền cho sân bay Long Thành rồi. “Thực hiện dự án trọng điểm quốc gia như thế này chúng tôi phải thi tuyển kiến trúc. Khi có được phương án kiến trúc nhà ga, chúng tôi mới có thể thực hiện đấu thầu lập dự án.

Cũng vì đây là dự án trọng điểm quốc gia nên còn phải đấu thầu quốc tế. Những công việc này mất hơn 1 năm. Như vậy, chỉ thi kiến trúc và lập dự án mất gần 2 năm.

Đến tháng 10 tới, Bộ GTVT mới báo cáo Quốc hội dự án sân bay Long Thành. Sau khi Quốc hội đồng ý, Chính phủ mới phê duyệt dự án. Sau đó mới đến khâu quyết định giao đơn vị nào lập dự án đầu tư.

Nhà đầu tư được chọn sau đó sẽ tiến hành mời thầu và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán. Mất khoảng 6 - 9 tháng nữa mới có hồ sơ phê duyệt.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ ngày Quốc hội cho chủ trương bố trí vốn làm sân bay Long Thành, qua hết các khâu mất 3 năm, theo đúng trình tự đầu tư công, không thể làm khác được. Bộ trưởng đặt câu hỏi: Bố trí tiền rồi mà 3 năm chỉ lo thủ tục, chưa nói đến công tác GPMB. Bố trí vốn như vậy có hợp lý hay không?

Từ thực tế dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng đề nghị: Giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ biểu quyết một gói tín dụng cho công tác đầu tư cho nhiệm kỳ sau để các chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án lớn làm trong 2,5 năm, tới đầu nhiệm kỳ tới thì vừa xong thủ tục. Để khi Quốc hội bố trí vốn, triển khai đấu thầu xây lắp ngay. Còn bố trí ngay từ đầu nhiệm kỳ thì rõ ràng 3 - 4 năm nay, các chủ đầu tư không thể giải ngân được. “Tôi cho rằng, việc thay đổi cách bố trí vốn và trình tự thủ tục của Luật Đầu tư công cần phải được xem xét lại. Chúng tôi muốn làm nhanh lắm nhưng không thể khác được”, Bộ trưởng nói.

Về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sau khi Chính phủ cho chủ trương từ Nghị quyết Quốc hội, tháng 10/2018 đã phê duyệt toàn bộ dự án thành phần. “10 tháng sau đó, Bộ GTVT tập trung cao độ để thống nhất với địa phương về quy mô, về tiền GPMB, trình phương án GPMB để Chính phủ cho chủ trương”, Bộ trưởng nói.

“Chúng tôi khẳng định, so với yêu cầu của Đảng, Chính phủ và nhân dân thì 2 dự án này còn chậm. Nhưng chúng tôi cũng không thể làm khác Luật Đầu tư công được”, Bộ trưởng kết lại.

Thanh Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.