Ưu tiên phát triển nhiều hành lang vận tải đường sắt
Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, định hướng ưu tiên phát triển hơn chục tuyến hành lang vận tải đường sắt.
Đường sắt xuất hiện ở nhiều hành lang vận tải, đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn, cự ly trung bình và dài. Ảnh: Internet
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được phân chia thành 30 hành lang vận tải.
Trong đó, lĩnh vực đường sắt xuất hiện ở 1 hành lang trên trục chính quốc gia Bắc - Nam; 6 hành lang kết nối quốc tế gồm: Hà Nội - Lào Cai (biên giới Trung Quốc), Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn (biên giới Trung Quốc), Vũng Áng - Cha Lo (QL12, biên giới Lào) TP.HCM - Tây Ninh (biên giới Campuchia), TP.HCM - Bình Phước (biên giới Campuchia).
Cùng đó là 4 hành lang kết nối liên vùng: Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng, TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ban soạn thảo, việc xác định nhu cầu hành khách, hàng hóa được phân bổ trên các tuyến hành lang dựa trên lợi thế của từng phương thức vận tải. Theo đó, đường sắt đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, cự ly trung bình và dài (từ 300-800km).
Dự thảo quy hoạch cũng dự báo, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa toàn quốc đến năm 2030 dự kiến lên đến 4.400 triệu tấn. Trong đó, đường sắt đảm nhiệm 11,8 triệu tấn, gấp 2,3 lần về khối lượng so với năm 2019. Tuy nhiên thị phần chỉ 0,27%, tăng 0,03% so với năm 2019. Theo thị phần luân chuyển hàng hóa liên tỉnh vào năm 2030, đường sắt chỉ chiếm 0,45%.
Về tổng nhu cầu vận chuyển hành khách, dự kiến khoảng hơn 10.458 triệu khách. Trong đó, đường sắt đảm nhiệm 460 triệu khách, chiếm thị phần 4,4%. Trong đó, đường sắt quốc gia là 21,5 triệu khách (gấp 2,7 lần năm 2019).
Xét theo thị phần luân chuyển hành khách liên tỉnh vào năm 2030, đường sắt chiếm 1,87%; Về thị phần vận chuyển hành khách nội địa, đường sắt chiếm 3,55%, trong khi năm 2019 chỉ đạt 1,61%.
Vận tải hành khách đường sắt nội địa dự báo tăng trưởng cao, năm 2030 đạt 460 triệu khách
Thêm 18 tuyến đường sắt mới
Tìm hiểu của PV, từ ưu thế và nhu cầu của phương thức đường sắt trên các hành lang vận tải, dự thảo quy hoạch cũng hoạch định không gian mạng lưới đường sắt trong thời gian tới bao gồm: Tuyến đường sắt xương sống trên trục dọc Bắc - Nam; Các tuyến đường sắt kết nối với 2 khu đầu mối đường sắt Hà Nội, TP.HCM; Đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia; Đường sắt dọc các tỉnh Tây Nguyên; Các tuyến nhánh, nhánh đường sắt chuyên dùng kết nối đến các đầu mối giao thông như đô thị, cảng biển, cảng thủy nội địa, trung tâm logistics, cảng hàng không...
Theo đó, mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được quy hoạch theo 16 tuyến với chiều dài 4.871 km. Trong đó, 7 tuyến chính hiện có với chiều dài 2.440 km và quy hoạch để chuẩn bị, thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt với chiều dài 2.431 km.
Đến 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.409 km, tăng thêm 9 tuyến so với kỳ quy hoạch đến năm 2030 với chiều dài tăng thêm là 1.538 km. Như vậy, giai đoạn 2021- 2050, có 18 tuyến đường sắt mới sẽ được đầu tư, xây dựng.
Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.00 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 9 tuyến đường sắt mới.
Nguồn vốn này được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tổng nhu cầu quỹ đất dành cho đường sắt đến năm 2030 đạt 16.419 ha, chiếm 7% nhu cầu quỹ đất toàn ngành GTVT. Trong đó, diện tích đã chiếm dụng khoảng 10.773 héc ta, nhu cầu diện tích cần bổ sung thêm khoảng 5.686 héc ta.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận