Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 7/2024 chiều 5/8, cùng với nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đến hết tháng 7/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 30.794 tỷ đồng, đạt hơn 49% kế hoạch được giao và kéo dài, cao hơn so với mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (31,6%). Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Ông cũng yêu cầu khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại, kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước ngày 15/8.
Đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công thường chậm, kéo dài nhiều năm.
Mặc dù năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn, nhưng so yêu cầu, số vốn được giao vẫn còn thấp. 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này mới đạt 29,39%, thấp hơn cả cùng kỳ năm 2023.
Có tới 60/107 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước; tỷ lệ giải ngân vốn ODA cũng chậm, mãi không khắc phục được.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta luôn quan tâm đến giải ngân đầu tư công, ai cũng thấy điều này là quan trọng song năm nào cũng chậm?
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ quan dẫn đến giải ngân chậm chủ yếu liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện. Bởi lẽ, cùng một mặt bằng pháp luật, nhưng vẫn có nơi giải ngân tốt, có nơi giải ngân vẫn còn chậm, thấp.
Điều đó chứng tỏ nơi nào các cấp lãnh đạo, người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và công tác tổ chức triển khai thực hiện được làm tốt, chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư tốt thì tỷ lệ giải ngân đạt mức cao và ngược lại.
Hiện nay, Luật Đầu tư công đã có các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công. Tuy nhiên, việc cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cần được tăng cường hơn nữa. Điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải lĩnh hội tinh thần này một cách nghiêm túc, trách nhiệm cao.
Tại TP.HCM đã quy định, các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% thì người đứng đầu không được xem xét đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân 30 - 50%, người đứng đầu không được xem xét đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng từng xin tự hạ một bậc thi đua để nêu gương người đứng đầu.
Thiết nghĩ, việc này cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa ở những nơi khác, bởi thực sự việc coi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu chưa được đề cao.
Và cũng cần đặt vấn đề rằng, những cơ quan, đơn vị nào không giải ngân tốt thì nên thu hồi lại để phân bổ vào những công trình trọng điểm có điều kiện giải ngân tốt để góp phần bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.
Vừa qua, tại hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Thủ tướng đã chỉ rõ "5 bảo đảm", "5 quyết tâm" nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Thiết nghĩ, tinh thần này cần được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Chỉ có vậy, kế hoạch giải ngân năm 2024 mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận