Nhiều dự án thi công vượt sản lượng
Hôm nay (21/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, gồm: Vũng - Áng Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc điều hành dự án Vũng Áng - Bùng cho biết, thời điểm hiện tại, các địa phương đã bàn giao được 51,2/55,3km chiều dài mặt bằng cho dự án, đạt 92%.
Mặt bằng phục vụ thi công dự án chỉ còn vướng một số vị trí nhà dân do chờ xây dựng khu tái định cư, vướng đường diện cao thế 500kV. Ban QLDA 6 đang tích cực phối hợp với địa phương để đẩy nhanh tiến độ.
Trên hai gói thầu xây lắp thuộc dự án, các nhà thầu đã triển khai 61 mũi thi công với gần 2.000 nhân công, thiết bị. Sản lượng thi công đến nay đạt hơn 1.700 tỷ đồng, đạt hơn 19% giá trị xây lắp, vượt khoảng 2,4% so với kế hoạch.
"Hiện, đường công vụ và tuyến chính đã cơ bản thông từ nút giao QL12C đến Cầu Gianh và từ cầu Gianh đến Bùng.
Một số vị trí thi công vượt tiến độ như cầu vượt Sông Gianh (đã gác dầm bờ bắc), cầu số 1 dài 1km đã cơ bản xong phần hạ bộ, hầm đèo Bụt đang tiến hành khoan đồng thời cả hai ống hầm, đào đắp nền đoạn qua huyện Quảng Trạch...", ông Cường thông tin.
Tại dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, sau hơn 9 tháng khởi công, tính đến nay, địa phương đã bàn giao hơn 43km mặt bằng, đạt 89%.
Trong đó, các nhà thầu đã tiếp cận thi công được hơn 41,5km, chỉ còn vướng một số vị trí nhà dân, mồ mả chờ di dời tái định cư và công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện cao thế và trung thế.
"Về công tác xây lắp, trên công trường, các nhà thầu đã huy động 103 mũi thi công với hơn 1.500 nhân công, thiết bị. Sản lượng đến nay đạt hơn 952 tỷ đồng, đạt hơn 19% hợp đồng, nhanh 1,08% so với kế hoạch đề ra", ông Minh nói và cho biết, ở cả dự án đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh đều có thuận lợi là sử dụng vật liệu đất đắp điều phối dọc trên công trường nên không bị ảnh hưởng bởi biến động giá vật liệu, thủ tục xin cấp mỏ.
"Riêng hạng mục đường công vụ, từ khi bắt tay thực hiện, Ban QLDA 6 đã chủ động xây dựng kế hoạch, yêu cầu các nhà thầu tập trung làm trước hệ thống đường công vụ dọc tuyến. Đến nay, toàn tuyến dài hơn 100km đều đã có đường công vụ, tạo thuận lợi cho việc thi công tuyến chính", ông Minh chia sẻ thêm.
Với dự án đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT, ông Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, sản lượng thi công của các nhà thầu cũng đang bám sát kế hoạch đề ra.
Tính đến nay, giá trị sản lượng các nhà thầu thực hiện 843 tỷ đồng, đạt 15% giá trị hợp đồng.
Giải quyết sớm vấn đề thỏa thuận đất mỏ
Tiến độ thi công vẫn cơ bản đáp ứng yêu cầu, song, theo ông Nguyễn Thành Vinh, dự án vẫn đang gặp hai vướng mắc lớn.
Thứ nhất là công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và Vĩnh Linh (Quảng Trị). Tổng số mặt bằng chưa giải phóng còn tới 16,7km (chiếm 25% toàn dự án).
Khó khăn hiện nay là di dời tái định cư. Trong tổng số 13 khu tái định cư trên địa bàn hai tỉnh, đến nay mới có một khu ở Quảng Bình đã bàn giao cho dân vào xây dựng nhà, còn lại đều đang trong quá trình phê duyệt. Nguy cơ tiến độ GPMB không đáp ứng được theo mốc Chính phủ giao.
Khó khăn thứ hai là mỏ đất. Hiện, hai tỉnh đã quy hoạch và cho khai thác 4 mỏ đất phục vụ dự án, trữ lượng đủ bù đắp số đất còn thiếu.
Tuy nhiên, các nhà thầu chưa khai thác được do khi thỏa thuận bồi thường, chủ đất yêu cầu giá cao hơn nhiều lần so với quy định.
"Đơn cử như mỏ Lệ Ninh của Công ty Lệ Ninh, cơ quan chức năng huyện Lệ Thủy đã 4 lần cùng với Ban, nhà thầu đến làm việc với mỏ. Nhưng họ đòi bồi thường tới 1,6 tỷ đồng/hecta, trong khi hồ sơ lập chỉ bồi thường ở mức 400 triệu đồng/hecta", ông Vinh dẫn chứng và đề nghị Bộ GTVT, địa phương sớm có giải pháp tháo gỡ giúp nhà thầu.
Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận, việc thương lượng với chủ mỏ gặp rất nhiều khó khăn khi các chủ mỏ đòi hỏi mức quá cao, các nhà thầu đều không đáp ứng được. Các địa phương cũng còn lúng túng trong việc xác định giá đền bù vật kiến trúc, tài sản trên đất, hình thức thuê, nhượng quyền sử dụng đất...
Tiếp nhận thông tin từ chủ đầu tư, địa phương, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị yêu cầu cấp thiết trước mắt là các tỉnh cần tập trung chỉ đạo để các sở, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong giải phóng mặt bằng.
Đối với thỏa thuận mỏ, trước hết, phải xác định nguồn gốc đất, ai đứng sau chủ mỏ. Nắm lại họ đã đầu tư những gì, hiện trạng ra sao. Những đòi hỏi như vậy đã đúng chế độ chính sách chưa.
"Ở đây, cần phải hiểu mỏ là nhà nước quy hoạch, giờ giao cho cá nhân hoặc nhà thầu là giao có điều kiện, giao để phục vụ dự án và chỉ khai thác trong thời gian dự án. Từ đó, xác định được mức đền bù, thời gian thuê đất... làm căn cứ làm việc với chủ mỏ", Thứ trưởng Thọ nói và cho biết, Bộ GTVT sẽ tập hợp các ý kiến kiến nghị của địa phương để đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có văn bản hướng dẫn chung, hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận