Sản lượng tăng nhờ thông mặt bằng
Năm 2024 dần khép lại, song hành trình di chuyển từ Hà Nội đến các dự án để làm việc, phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho nhà thầu đẩy mạnh thi công, giải ngân của ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 vẫn chưa xác định điểm dừng.
Làm chủ đầu tư 5 dự án giao thông lớn, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Ban QLDA 2 đối diện thách thức ngay từ đầu năm khi dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dự án chiếm tỷ trọng khoảng 50% kế hoạch vốn của đơn vị) gặp vướng mắc mặt bằng.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều tuần liên tục, cứ sau 1 - 2 ngày giao ban công việc ở Hà Nội, ông Thắng lại tức tốc di chuyển vào Quảng Ngãi trực tiếp phối hợp xử lý và đến tháng 6/2024, dự án cơ bản thông mặt bằng.
Trước tháng 6, sản lượng thi công dự án chỉ đạt trung bình từ 250 - 300 tỷ đồng/tháng, còn từ tháng 6 - 8/2024 (trước mùa mưa), giá trị công việc trên hiện trường tăng vọt, đạt 500 tỷ đồng/tháng, gấp 1,5 - 2 lần. Nhờ thế, với tổng số vốn được giao hơn 8.000 tỷ đồng, Ban QLDA 2 đã giải ngân được khoảng 70%.
Từng bước hóa giải khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) cũng đạt được kết quả giải ngân tương đối khả quan.
Ông Lê Viết Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính cả hơn 500 tỷ đồng vốn giao bổ sung, tổng kế hoạch vốn dự án Cần Thơ - Cà Mau được giao trong năm 2024 khoảng 6.351 tỷ đồng. Tính đến nay, sản lượng giải ngân đạt 5.751 tỷ đồng, đạt 91%.
"Với 235 mũi thi công, hơn 900 thiết bị và gần 3.000 nhân lực đang tăng ca, tăng kíp, giá trị thực hiện trên công địa hàng tháng đạt hơn 600 tỷ đồng, chúng tôi tự tin dự án có thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024", ông Tuân khẳng định.
Tăng ca kíp, chạy đua với thời gian
Được giao kế hoạch vốn đến nay lên tới 2.700 tỷ đồng, gần gấp đôi so với con số thời điểm đầu năm, công trường cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng những ngày này vẫn rộn ràng tiếng máy ngày đêm để đạt mục tiêu kép: Giải ngân 100% số vốn được phân bổ và đưa dự án về đích vào dịp 30/4, sớm hơn 6 tháng so với phương án ban đầu.
"Dự án đã giải ngân được hơn 2.353 tỷ đồng, tương đương 86,5% kế hoạch vốn năm 2024. Trên toàn công trường, khoảng 650 thiết bị, máy móc và trên 800 nhân lực chủ chốt đang được tổng lực ngày - đêm với giá trị thực hiện khoảng 450 tỷ đồng/tháng.
Nếu không có phương án tăng cường "3 ca, 4 kíp", giá trị giải ngân chỉ bằng 60% con số thực tế hiện tại", ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành dự án Hàm Nghi - Vũng Áng chia sẻ.
Theo đánh giá của Ban QLDA Thăng Long, năm 2024, dự án cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng và Bãi Vọt - Hàm Nghi là hai dự án hấp thụ vốn tốt nhất trong 5 dự án Ban làm chủ đầu tư.
Năm 2024, Phan Thiết - Dầu Giây đang là dự án có khối lượng giải ngân thấp nhất. Trên tổng số gần 469 tỷ đồng được giao, tính đến nay, tỷ lệ giải ngân mới đạt gần 40% do các gói thầu hạng mục giám sát điều hành giao thông và các hạng mục bổ sung (Nút giao Ba Bàu và đường gom dân sinh) không kịp triển khai cuối năm 2024.
Tuy nhiên, sự bứt tốc ở các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã tạo đà đưa sản lượng giải ngân của Ban QLDA Thăng Long đạt gần 4.700 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch. Dự kiến đến ngày 30/1/2025, đơn vị sẽ giải ngân được hơn 6.274 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch.
Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch, cao hơn mức trung bình cả nước (60,4%).
Trong đó, nhiều chủ đầu tư thuộc Bộ đạt được mức giải ngân cao hơn trung bình của Bộ như: Ban QLDA 6 (đạt 88%), Ban QLDA Mỹ Thuận (77%), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (82%); Ban QLDA 7 (73%), Ban QLDA Thăng Long (71%); Ban QLDA Hàng hải (89%)…
Tiếp tục tháo gỡ nguồn vật liệu
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã được Bộ GTVT nêu rất rõ, phải đạt ít nhất 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bảo đảm mục tiêu trên, Vụ Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA điều chỉnh phân khai dự toán cơ cấu chi trên hệ thống Tabmis đối với từng dự án (nếu cần), bảo đảm giải ngân hết số kế hoạch vốn được kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024 còn lại trước ngày 31/12 theo quy định.
Đặc biệt quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án được phân bổ kế hoạch vốn tới hơn 36.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới gần 48% kế hoạch vốn của Bộ GTVT, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng, các vướng mắc về mặt bằng, vật liệu cần được các chủ thể liên quan tiếp tục tháo gỡ, tạo đà cho công trường bứt tốc, tăng sản lượng giải ngân.
Báo cáo của các chủ đầu tư cho thấy, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (chủ yếu là đường điện cao thế) phục vụ thi công dự án ở các địa phương đã và có nhiều chuyển biến tích cực, song trong 9/256 vị trí đang di dời, có 3 vị trí nằm trong phạm vi xử lý nền đường đất yếu , ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Riêng vật liệu đối với hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nhu cầu cát còn lại để hoàn thành công tác đắp gia tải đến tháng 12/2024 theo kế hoạch khoảng 3.900.000m3.
Mặc dù đã xác định đủ nguồn cung nhưng công suất khai thác còn hạn chế, chỉ đạt trung bình 36.000m3/ngày trong khi nhu cầu khoảng 86.000m3/ngày.
"Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp cần tháo gỡ các vướng mắc trong việc bổ sung nguồn còn thiếu, hoàn thiện thủ tục cấp mỏ, chấp thuận cho khai thác trở lại đối với các mỏ dừng khai thác trong tháng 12/2024 để cung ứng nguồn cát sông cho dự án tăng tốc", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đầu năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là 56.666 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, Bộ GTVT được bổ sung 18.815 tỷ đồng (gần đây nhất, trong tháng 11/2024 được giao bổ sung 4.194 tỷ đồng), tổng kế hoạch vốn năm 2024 của Bộ GTVT được giao là 75.481 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận