Các nhóm giải pháp đề xuất trong dự thảo được kỳ vọng sẽ giải quyết "căn bệnh trầm kha" chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Báo Giao thông trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này.
Đột phá phân cấp, phân quyền
Tại dự thảo lần này, Bộ KH&ĐT đề xuất 5 nhóm chính sách mới, qua thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những chính sách này?
Đây là một dự thảo đột phá về phân cấp, phân quyền, mạnh mẽ và triệt để.
Đơn cử, theo quy định hiện hành, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn hay hàng năm, sẽ phải báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Lần sửa này, chúng tôi đề xuất phân cấp cho Chính phủ và Thủ tướng để điều chỉnh linh hoạt, nhanh hơn và có hậu kiểm.
Sau khi điều chỉnh sẽ báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để theo dõi, giám sát.
Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị sửa đổi thẩm quyền phê duyệt dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Cụ thể, với địa phương, sẽ phân cấp thẩm quyền này của HĐND về cho UBND, Chủ tịch UBND phê duyệt các chủ trương đầu tư dự án trên tinh thần: Đối với các UBND có các cơ quan chức năng, có lực lượng, có nguồn lực, có thể làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và phê duyệt.
Điểm mới thứ hai là sẽ thể chế hóa ngay các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho áp dụng thí điểm tại một số địa phương.
Điểm mới thứ ba là nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Trong đó, việc cho phép sử dụng vốn chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư nhận được sự ủng hộ rất cao của các bộ, ngành, địa phương.
Điều này sẽ khắc phục được hạn chế lâu nay là muốn chuẩn bị đầu tư dự án phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để có vốn chuẩn bị đầu tư.
Điểm mới nữa là làm rõ các khái niệm, thuật ngữ còn chưa rõ, góp phần giải quyết được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc là sợ sai. Bởi khi hiểu thống nhất, các cán bộ liên quan sẽ yên tâm triển khai.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 10 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra (Cùng kỳ năm ngoái, giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Bên cạnh các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng, có những địa phương, bộ, ngành đã triển khai giải ngân tốt, đạt tỷ lệ ước 10 tháng đạt trên mức trung bình của cả nước như: Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa…
Trong đó, tính đến hết tháng 9/2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 và mới được giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.
Dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn. Như vậy, năm 2024, Bộ GTVT dự kiến được giao khoảng 75.482 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 10/2024, Bộ GTVT đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch, dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.
Thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp do gặp nhiều vướng mắc, nhất là "rừng" thủ tục. Vậy việc này sẽ được giải quyết thế nào trong dự thảo, thưa ông?
Thống kê từ các địa phương triển khai dự án ODA cho thấy, kể từ khi có ý tưởng cho đến khi thực hiện, dự án phải trải qua khoảng thời gian từ 5 - 6 năm để chuẩn bị, đến khi thực hiện thì đã rất lâu và sẽ phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần.
Trong dự thảo lần này, gần như sẽ chuyển toàn bộ trình tự, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt dự án ODA… áp dụng theo quy trình như dự án trong nước, chỉ thêm bước đề xuất dự án theo quy định của Luật Quản lý nợ công và bước đàm phán ký kết hiệp định vay.
Ngoài ra, hiện nguồn vốn vay ODA của các địa phương bao gồm phần cấp phát của Trung ương và tỷ lệ vay lại của địa phương ở một mức độ nhất định tùy theo sự phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, giải ngân nguồn vốn ODA trước đây phải đảm bảo tỷ lệ mà địa phương phải vay lại, tức là giải ngân song hành giữa vốn cấp phát và vốn vay lại.
Khi một trong hai nguồn vốn hết hạn mức thì nguồn vốn còn lại dù còn nhiều cũng không giải ngân được.
Vì vậy, lần sửa đổi này sẽ khắc phục triệt để, có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn, giải ngân được ngay về mặt kế hoạch.
Chuyển từ kiểm soát sang hậu kiểm
Việc phân cấp, phân quyền và gắn trách nhiệm được đặt ra từ lâu nhưng thực tế hiệu quả chưa rõ nét. Theo ông, việc sửa đổi lần này sẽ tác động thế nào tới giải ngân đầu tư công?
Dự thảo luật lần này không làm mất đi vai trò về quyết định ngân sách, phân bổ ngân sách của Quốc hội và HĐND trong quản lý tài chính nói chung.
Song, Ban soạn thảo cũng cố gắng phân cấp thẩm quyền điều chỉnh trong phạm vi nguồn lực đã được Quốc hội, HĐND quyết định điều chỉnh để tạo sự linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện.
Nhờ vậy việc phân cấp, phân quyền trong Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cũng giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Hơn nữa, khi phân cấp, phân quyền thì các quyền về quyết định chủ trương đầu tư dự án hay quyết định dự án được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan Trung ương hoặc của địa phương.
Cụ thể, với cơ quan Trung ương là các bộ trưởng hoặc tương đương; ở địa phương là chủ tịch UBND các cấp, sẽ là người chịu trách nhiệm về quyết định của mình, qua đó giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án cũng như điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, vận hành kế hoạch hiệu quả hơn.
Việc chuyển sang hậu kiểm rõ ràng tạo sự linh hoạt, song việc giám sát được đặt ra thế nào, thưa ông?
Nội dung phân cấp, phân quyền trong dự thảo lần này là điểm đột phá giúp chuyển mạnh tư duy từ kiểm soát sang hậu kiểm.
Tuy nhiên, với việc chuyển sang hậu kiểm, vai trò kiểm tra, giám sát đòi hỏi rất cao, nhất là khi gắn với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.
Không chồng chéo với các luật khác
Một trong nhưng khó khăn khi thực hiện Luật Đầu tư công là xung đột, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành, trong khi việc sửa đổi luật lần này lại đang áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Như vậy, liệu có đảm bảo được chất lượng của dự thảo sửa đổi?
Có những lý do để được thực hiện theo thủ tục rút gọn là công tác tổng hợp, tổng kết, sơ kết thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 được Bộ KH&ĐT thực hiện thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã có rất nhiều thông tin để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để sửa luật và đã nghiên cứu các hướng để sửa hợp lý.
Mặt khác, Luật Đầu tư công sửa đổi với hiệu lực đề xuất từ ngày 1/1/2025 cần được thông qua tại kỳ họp này là để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030.
Do việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ bắt đầu vào năm 2025 nên nếu Luật Đầu tư công sửa đổi lần này được thông qua thì gần như toàn bộ kế hoạch 2026 - 2030 sẽ được áp dụng theo luật sửa đổi.
Do vậy sẽ không có bước chuyển tiếp phức tạp hoặc có các dự án phải áp dụng cả hai luật.
Cho dù đề xuất thực hiện quy trình rút gọn thông qua tại một kỳ họp nhưng toàn bộ hồ sơ của luật và các nội dung đều được Bộ KH&ĐT triển khai như một bộ luật được thông qua tại hai kỳ họp.
Vì đã có những báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc cũng như tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến rộng rãi.
Thực tế, Ban soạn thảo phải rà soát rất kỹ, mất rất nhiều thời gian. Đến nay, cơ bản không có xung đột gì với các luật khác, thậm chí còn phù hợp hơn.
Cảm ơn ông!
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam:
Cần cụ thể hóa các quy định để khả thi
Tôi rất kỳ vọng vào lần sửa này khi luật đã cải cách phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, việc quan trọng bây giờ là với những văn bản dưới luật, các bộ, ngành phải tiếp tục cụ thể hóa, rõ ràng những vấn đề thuộc thẩm quyền, hướng dẫn rất cụ thể để địa phương chủ động, mạnh dạn làm, mạnh dạn quyết định.
Nếu các quy định chưa thể hiện rõ, minh định trách nhiệm, quyền hạn của các bên, câu chuyện "gặp gì cũng hỏi" sẽ vẫn còn. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế để đảm bảo chữ "an" cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Bà Susan Lim, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB):
Trao quyền nhiều hơn
Những quy định mới đã đơn giản hóa thủ tục; trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở cấp chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, với dự án khẩn cấp, ADB đề xuất cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn, ví dụ các dự án về thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu.
Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm
Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 109 điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉnh sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 7 điều).
Trong đó, cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).
Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh được lựa chọn giao một UBND cấp huyện làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.
Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.
Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý.
Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng; nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên mức 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành. Cách làm này sẽ tạo sự chủ động, chống lãng phí.
Về phân cấp, phân quyền, các đại biểu nhìn nhận, quy định này sẽ tạo sự chủ động trong phối hợp mà không phải chờ cơ quan Trung ương, gây ra sự chậm trễ.
T. Trang - P. Đô
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận