Xã hội

Ghé trạm hỏa xa hơn trăm tuổi ở Sài Gòn

26/08/2020, 09:12

Hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở trung tâm Sài Gòn và cũng là tuyến đầu tiên ở Đông Dương.

img
Tòa nhà ngày nay

Bên cạnh đó là tòa nhà điều hành giao thông, khi đó người Sài Gòn quen gọi là “trạm hỏa xa”.

Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya

Tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Diệu (nay gần 70 tuổi) là tiểu thương đã buôn bán nhiều năm ở chợ Bến Thành. Bà Diệu cho biết, gia đình bà đã có gần 4 đời kinh doanh ở đây và bà là đời thứ 3, nếu tính đủ thì đã có cả 100 năm gắn liền với chợ Bến Thành và trạm hỏa xa.

Theo lời bà Diệu, nhà bà ở đường Phó Đức Chính (đối diện chợ Bến Thành). Mẹ bà năm nay đã 90 tuổi, rất hay kể về những chuyến tàu Sài Gòn - Chợ Lớn và tiếng kẻng phát ra từ trạm hỏa xa.

“Mẹ tôi thường kể vào những năm trước năm 1950, xe lửa chạy hàng ngày và khoảng 30 phút có 1 chuyến Sài Gòn – Chợ Lớn. Chuyến đầu tiên trong ngày xuất phát trước 6h sáng và chuyến cuối cùng trước 21h30. Giá vé lúc đó 10 xu.

Trước khi xe lửa chạy khoảng 10 phút, tiếng kẻng leng keng phát ra từ trạm hỏa xa và nhà ga để bà con biết không bị trễ tàu…”, bà Diệu kể.

img
Tàu hỏa nội đô Sài Gòn chạy bằng đầu máy hơi nước cỡ nhỏ trên đường

Một sáng đầu tháng 8/2020, tôi ghé lại trạm hỏa xa và cahứng kiến nhiều du khách tìm đến đây chụp ảnh. Trong số những du khách này có cả những người xa xứ tìm về ngắm trạm hỏa xa như tìm về một miền ký ức của người Sài Gòn một thuở.

Bước vào bên trong, tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ tráng lệ. Hệ thống cửa sổ từ tầng trệt đến tầng 2 được thiết kế bằng những song sắt tròn chạy dọc từ trên xuống, bên trong là những cánh cửa gỗ kiểu lá sách.

Những hệ thống cửa này đã làm giảm tiếng ồn từ bên ngoài nhưng không mất đi ánh sáng và không khí tự nhiên… Hệ thống cầu thang lên các tầng lầu rộng rãi, từ chi tiết hoa văn đến lan can được làm bằng bê tông đá (đá mài) với màu sắc hài hòa…

Trung tâm giao thông đầu tiên của Đông Dương

Theo tư liệu nghiên cứu lịch sử, trước thời điểm có trạm hỏa xa, Sài Gòn, Chợ Lớn phần nhiều là đồng ruộng, kênh rạch chằng chịt nên phương tiện di chuyển, chở hàng hoá chủ yếu bằng thuyền ghe, còn trên bộ chủ yếu xe ngựa. Sau khi đường xe lửa tramway Sài Gòn - Chợ Lớn đi vào hoạt động đã tạo sự phát triển về kinh tế rất mạnh.

Chính vì thế, người Pháp tiếp tục cho xây dựng thêm một tuyến đường sắt nối dài và năm 1885 tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đi vào hoạt động.

Nhờ đó đã biến Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) thành trung tâm giao thông của miền Tây Nam bộ. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh Lớn và biến nó thành đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay) tăng thêm sự phát triển và liên kết giao thông…

Thuở ấy, người Sài Gòn di chuyển đi lại trong các vùng Chợ Lớn, Thị Nghè, Gò Vấp chủ yếu bằng xe lửa hơi nước và xe điện tramway trong các tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Gò Vấp - Hóc Môn… Khu vực ga Sài Gòn ngày xưa nay là khách sạn New World và khu công viên 23/9.

Đến năm 1955, chính quyền Việt Nam cộng hòa cho ngưng hệ thống xe điện Sài Gòn. Sau năm 1975, ga Sài Gòn được dời ra quận 3 (nay là Ga Sài Gòn) và hệ thống đường ray được tháo bỏ do phát triển đô thị.

Đến nay, nhiều người đi ngang qua dù có thể không biết đến trạm hỏa xa thuở nào, song ai cũng ấn tượng về tòa nhà có kiến trúc độc đáo nằm ngay trung tâm Sài Gòn.

Tiền thân tòa nhà có tên Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương, khánh thành vào năm 1914 (cùng lúc với chợ Bến Thành), hiện tại là địa chỉ tại số 136 Hàm Nghi, quận 1, có diện tích 2.769m2 gồm một tầng trệt 2 tầng lầu do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.

img
Trước chợ Bến Thành ngày xưa còn đường sắt đi ngang từ trạm hoả xa

Tòa nhà nằm trong 23 công trình kiến trúc nghệ thuật được UBND TP HCM đưa vào danh mục di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2016 - 2020.

Năm 2019, UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề nghị cho thành phố tiếp nhận tòa nhà để sử dụng làm ga trung tâm kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành, nơi trưng bày hiện vật lịch sử ngành đường sắt… Tuy nhiên, VNR cho rằng, nếu giao lại sẽ gây khó khăn về trụ sở làm việc cho các đơn vị thuộc đường sắt…

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, nơi này hiện có khoảng 150 người của các cơ quan phía Nam trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang làm việc..

“Trong thời gian sử dụng chúng tôi cố gắng giữ nguyên kiến trúc bên ngoài và kết cấu bên trong. Nếu có tu sửa chúng tôi vẫn cố gắng sửa theo nguyên bản vì đây là công trình được nhiều chuyên gia đánh giá là đẹp và có kiến trúc độc đáo…”, ông Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.