Quản lý

Giá dịch vụ tại cảng hàng không nên thay đổi ra sao?

15/08/2019, 06:20

Bộ GTVT vừa họp bàn về dự thảo thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại CHK, sân bay...

img
Khung giá cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại tại cảng hàng không sẽ được xem xét, điều chỉnh sau khi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Nghị định 102 về quản lý cảng hàng không, sân bay (Trong ảnh: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài)Ảnh: Tạ Tôn

Điều chỉnh giá trên cơ sở cấu thành chi phí

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho hay, hiện tại, các mức giá, khung giá này được quy định tại các quyết định của Bộ GTVT. Thông tư lần này được xây dựng trên cơ sở hợp nhất các quy định liên quan về mức giá.

“Các mức giá này cơ bản ổn định, mới điều chỉnh một lần ở giai đoạn 2016 - 2017. Dự thảo thông tư lần này còn bổ sung mức giá tại CHK mới là Vân Đồn và nhà ga quốc tế mới tại Cam Ranh”, ông Ngọc cho hay.

Cụ thể, theo ông Ngọc, CHK quốc tế Vân Đồn đề xuất giảm giá theo lộ trình cho các hãng hàng không đối với một số dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, khung giá với mức giảm cao nhất lên tới 70% mức quy định trong thời gian 3 năm đầu khai thác.

Cho rằng đề xuất của Vân Đồn là cần thiết và phù hợp nhằm khuyến khích phát triển hoạt động vận chuyển tại cảng hàng không, song Cục Hàng không VN cho rằng mức giá Nhà nước quy định là cụ thể, khi DN thực hiện giảm giá thì phải có sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền là Bộ GTVT.

Tuy nhiên, chưa thực sự đồng tình với một số mức giảm sâu có thể tạo lợi thế cạnh tranh, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), ông Vũ Phạm Nguyên An, Trưởng ban Kinh doanh - Phát triển thị trường cho rằng, nếu trong cùng vùng khai thác, CHK nào có chính sách riêng sẽ có lợi thế để thu hút, trong khi mức giảm 70% là rất nhiều. Thực tế, hiện Vân Đồn là sân bay đang có sự cạnh tranh trực tiếp với Cát Bi.

Với CHK Cam Ranh, ông Ngọc cho hay Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh đề nghị điều chỉnh giá phục vụ hành khách lên 20 USD/hành khách so với mức thu hiện nay 14 USD/hành khách.

Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Trần Văn Hảo, có nhà ga mới tiêu chuẩn dịch vụ nâng lên, việc tăng giá cũng là cần thiết. Tuy nhiên, tăng giá như thế nào, phải tính toán kỹ trên cơ sở đánh giá chính xác cấu thành chi phí. Cục Hàng không VN cũng cho hay, việc xác định chi phí trong phương án giá của DN này vẫn chưa đủ cơ sở xem xét, cụ thể là với khoản mục chi phí khấu hao, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định.

Giá cho thuê mặt bằng tại một số CHK đang quá thấp?

6 quyết định sẽ được hợp nhất tại dự thảo Thông tư mới
1. Quyết định 4405/QĐ-BGTVT ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
2. Quyết định 3065/QĐ-BGTVT ban hành khung giá tra nạp xăng dầu hàng không và giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại CHK, sân bay.
3. Quyết định 4213/QĐ-BGTVT ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay đi/đến và dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay.
4. Quyết định 4224/QĐ-BGTVT ban hành Khung giá một số dịch vụ phi hàng không tại CHK, sân bay.
5. Quyết định 1522/QĐ-BGTVT sửa đổi bổ sung khung giá một số dịch vụ phi hàng không tại CHK, sân bay.
6. Quyết định 2345/QĐ-BGTVT ban hành mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại CHK, sân bay.


Một điểm đáng chú ý liên quan khung giá cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại tại CHK, sân bay theo đề xuất của ACV là DN này muốn điều chỉnh tăng mức giá tối đa lên gấp đôi mức tối thiểu (hiện tại, mức tối đa đang được quy định cao gấp 1,5 lần mức tối thiểu) tại 5 CHK: Cam Ranh, Phù Cát, Thọ Xuân, Chu Lai, Vinh.

“Đề xuất này của chúng tôi hoàn toàn phát sinh từ thực tế. Trước đây, cơ sở vật chất sân bay chưa hoàn thiện, mức giá cho thuê như vậy là hợp lý. Nhưng giờ các sân bay này đều đã được đầu tư nâng cấp, nếu cứ cho thuê theo khung giá cũ thì không hiệu quả”, ông Vũ Phạm Nguyên An nói và cho rằng, với khung giá hiện tại, nếu đấu giá, người thuê có thể trả cao hơn khung đó và vẫn kinh doanh có hiệu quả. Thực tế là có rất nhiều người sẵn sàng trả cao hơn, song vì Nhà nước quy định khung giá nên ACV không thể ký hợp- đồng.

Bổ sung thêm, ông Bùi Á Đông, Kế toán trưởng ACV nói: “Nhiều trường hợp, khung giá quy định từ 70 - 105 USD/m2/tháng nhưng đấu giá, khách hàng sẵn sàng trả tới 150 USD/m2/tháng. Nếu điều chỉnh giãn biên độ, tăng mức giá trần lên, chúng tôi có thể ký hợp đồng với giá cao hơn”.

“ACV có 95% vốn Nhà nước, việc quy định cũng là để đảm bảo quyền lợi tối đa cho Nhà nước trong khi khách hàng cũng sẵn sàng trả giá cao hơn và vẫn kinh doanh có hiệu quả”, ông Đông khẳng định.

Cho rằng chi phí của đơn vị cung ứng dịch vụ, nhu cầu thuê mặt bằng tại các CHK có nhiều biến động và việc nghiên cứu điều chỉnh mức thu là cần thiết, song cả Vụ Vận tải và Cục Hàng không VN đều thống nhất quan điểm cho rằng trước mắt chưa nên thay đổi khung giá này để đảm bảo mục tiêu ổn định giá.

Cơ bản thống nhất các nội dung chuyển đổi mức giá, khung giá tại quyết định sang dự thảo thông tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn “chốt” lại một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Theo đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đồng ý với đề xuất chưa giảm giá các dịch vụ tại sân bay Vân Đồn để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các CHK.

Đối với đề xuất của ACV về điều chỉnh khung giá cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại tại CHK, Thứ trưởng thống nhất “sẽ xem xét, điều chỉnh sau khi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Nghị định 102 về quản lý CHK, sân bay”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.