Hạ tầng mạnh, thuận lợi xuất nhập khẩu
Gia Lai có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) dài hơn 80 km. Kết nối hạ tầng thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới và các nước trong khu vực: Trên tuyến biên giới có Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, 2 Trạm kiểm soát Biên phòng. Hoạt động thương mại giữa hai nước Việt Nam và Campuchia thông qua chủ yếu tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nằm trên trục QL19 nối với Campuchia.
Đáng chú ý, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2001. Đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ theo hướng phát triển đô thị. Tại đây có 40 dự án đầu tư kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 643,87 tỷ động, vốn thực hiện ước đạt 266,55 tỷ đồng, đạt 41,4% tổng vốn đăng ký. Trong 40 dự án được cấp phép có 05 dự án là địa điểm kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung được lực lượng Hải quan cấp phép. Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, các tuyến đường giao thông đến khu vực biên giới, kết nối Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với nội địa được xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển và liên kết với các vùng trong cả nước cũng như với nước bạn Campuchia.
"QL19 kết nối giữa tỉnh Bình Định và Gia Lai, tuyến xuất phát từ cảng Quy Nhơn tỉnh Bình Định và kết thúc tại cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác. Đây là tuyến đường có vai trò rất lớn trong thông thương hàng hóa qua khu vực cửa khẩu Lệ Thanh", ông Binh nói và cho biết thêm, ngoài ra QL14C cũng đã được đầu tư xây dựng, kiên cố hóa và chạy dọc biên giới từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Đắk Lắk. Tuyến đi dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai dài 90,5km giao cắt với QL19, các tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện đã trở thành trục giao thông kết nối giao thương hàng hóa, động lực thúc đẩy kinh tế.
"Hàng năm, hàng nghìn tấn hàng hóa, nông sản như chuối, mì lát, sầu riêng, hạt điều… được vận chuyển qua cửa khẩu để vào sâu nội địa Việt Nam hoặc ra cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới", ông Binh nhấn mạnh.
Từ việc đầu tư hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới tại Gia Lai đạt được kết quả khả quan. Đơn cử như năm 2024, kinh ngạch xuất nhập khẩu đạt kết quả kỷ lục so với cùng kỳ các năm. Cụ thể: đạt 202 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ, các năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 70 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ; Một số mặt hàng chủ yếu: Hàng bách hóa 2,9 triệu USD; năng lượng điện 2,1 triệu USD, vật tư các loại 24 triệu USD và một số hàng hóa khác 41 triệu USD; Nhập khẩu ước đạt 132 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ.
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai nhập khẩu tại Gia Lai tăng mạnh là do các dự án trồng điều Campuchia tăng diện tích, sản lượng dồi dào, doanh nghiệp nhập khẩu điều có đầu ra ổn định. Mặt hàng chủ yếu: Hạt điều thô 71.800 tấn/86 triệu USD; sắn lát 60.700 tấn/8,6 triệu USD, cao su thiên nhiên 8.700 tấn/11,2 triệu USD và một số hàng hóa khác 26,2 triệu USD.
Cần phát huy thế mạnh
Ông Phạm Văn Bình cho biết, nhiều năm qua, Sở Công thương tỉnh Gia Lai phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng thương mại biên giới, thu hút các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; thông tin về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và định hướng phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến cuối năm 2024, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh. Với sự tham gia của hơn 1.500 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trao đổi, nắm bắt về các chính sách, quy định của pháp luật về thương mại trong nước, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức quản lý, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh thương mại khu vực biên giới.
Tuy có nhiều tín hiệu tích cực, song hàng hóa xuất - nhập khẩu chưa phong phú, chủ yếu là hàng bách hóa, vật tư nông nghiệp phục vụ cho các dự án của doanh nghiệp tỉnh đầu tư tại Campuchia. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất-nhập khẩu còn hạn chế.
Hiện nay, các dự án thu hút đầu tư đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là ngành sản xuất chế biến nông - lâm sản và kinh doanh thương mại dịch vụ; sản phẩm sản xuất chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Hoạt động giao thương trao đổi mua bán hàng hóa tại khu vực cửa khẩu chưa thu hút được nhiều đơn vị tham gia, việc trao đổi mua bán không thường xuyên, chỉ diễn ra theo thời vụ. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua cửa khẩu còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp tại khu vực biên giới hầu như không có nên chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, có tính cạnh tranh.
Các dự án thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là ngành sản xuất chế biến nông lâm sản và kinh doanh thương mại dịch vụ; sản phẩm sản xuất chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước; chưa thu hút được các dự án lớn, dự án đầu tư nước ngoài.
Hoạt động chợ cửa khẩu dân cư còn ít, tiểu thương không vào chợ nhiều, giao thương trao đổi mua bán hàng hóa tại khu vực cửa khẩu chưa thu hút được nhiều đơn vị tham gia, việc trao đổi mua bán không thường xuyên, chỉ diễn ra theo thời vụ.
Để giải quyết bài toán trên, Sở Công thương tỉnh Gia Lai mong muốn, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương về hoạt động thương mại biên giới, hạ tầng thương mại biên giới. Tham mưu Chính phủ bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh để đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư. Vì, khu vực Khu kinh tế cửa khẩu có địa hình phức tạp, đồi núi chia cắt nên việc kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn do suất vốn đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, việc tăng cường vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội chợ, phiên chợ luân phiên do các bên tổ chức. Trao đổi, giới thiệu các doanh nghiệp của các bên nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng vào các cửa hàng, hệ thống phân phối của các tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường; đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận