Giao thông

Giá thu qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có bất thường?

18/08/2017, 18:23
image

Dự án thực hiện theo hình thức BOT sử dụng vốn trong nước, giảm hơn 1.700 tỷ đồng đầu tư so với ban đầu.

tram phap van cau gie

Trạm thu giá BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Một số thông tin đăng tải Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc đầu tư, quản lý dự án BOT, BT, trong đó tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phát hiện nhiều bất thường. Báo Giao thông tìm hiểu làm rõ vấn đề này.

Dùng vốn trong nước giảm cả tổng mức đầu tư và thời gian thu giá

Theo thông tin của Báo Giao thông, từ năm 2012, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với chiều dài khoảng 30km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Đến ngày 18/3/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản 404 giao Tổng công ty đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) thực hiện theo hình thức BOT để đáp ứng tính câp thiết của dự án.

Trên cơ sở đề xuất của Nexco Central, Bộ GTVT đã lập báp cáo cho triển khai dự án làm hai giai đoạn, tiến hành thu phí ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản 8012 ngày 24/9/2013. Khi đó, dự án xây dựng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dự kiến được Nexco Central triển khai giai đoạn 1 - nâng cấp tuyến đường cũ thành đường cao tốc với quy mô bốn làn xe cơ giới, hai làn dừng xe khẩn cấp. Giai đoạn 2 tiến hành đầu tư mở rộng thêm hai làn xe cơ giới và hoàn thiện đường gom hai bên.

Theo đề xuất của Nexco Central, tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 1.957 tỷ đồng; giai đoạn 2 khoảng 6.520 tỷ đồng. Về mặt tiến độ, giai đoạn 1 sẽ triển khai trong quý IV/2013, hoàn thành năm 2015, giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Thời gian hoàn vốn là 24,5 năm.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tính toán, Nexco Central đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ toàn bộ chi phí GPMB và không ràng buộc các điều kiện về pháp lý cho việc thực hiện giai đoạn 2. Đề nghị này không được Chính phủ Việt Nam chấp thuận do không phù hợp với các tiêu chí của dự án. Đến ngày 22/11/2013, ông Kuniaki Nakamura, Giám đốc Văn phòng dự án đường cao tốc Việt Nam bất ngờ có thư thông báo, Nexco Central quyết định không tiếp tục tham gia dự án.

Sau khi doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc đến từ Nhật Bản không tham gia, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư trong nước để triển khai. Đầu năm 2014, Bộ GTVT phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) và có 8 nhà đầu tư quan tâm mua hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, đến trước thời điểm đóng thầu chỉ có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành và liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn.

Sau khi xem xét, liên danh CIENCO1 - Minh Phát - Phương Thành đã được lựa chọn làm nhà đầu tư do đáp ứng yêu cầu đề ra. Trên cơ sở đó, ngày 18/7/2014, Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư Minh Phát - Cienco1 - Phương Thành ký Hợp đồng ký tắt số 38./HĐ.BOT-BGTVT về việc thực hiện dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức Hợp đồng BOT.

Theo đó, tổng mức đầu tư (TMĐT) của dự án là 6.731 tỷ đồng (giảm trên 1.700 tỷ đồng) và thời gian thu giá hoàn vốn là 17 năm 3 tháng (giảm gần 7 năm) so với đề xuất trước đó của nhà đầu tư Nexco Central. Cụ thể, giai đoạn 1 dự án có TMĐT 1.974 tỷ đồng với mục tiêu nâng cấp 30km theo đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe với bề rộng mặt đường 25m. Trong khi đó, giai đoạn 2 (TMĐT: 4.857 tỷ đồng) dự án tiến hành mở rộng thêm hai làn xe (9m) và được triển khai ngay khai khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành.

Dự án áp dụng hình thức thu phí kín

Ngày 7/4/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45 quy định về mức thu giá của tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đối với từng đoạn tuyến, từng loại xe, mức thu giá được tính theo quãng đường di chuyển của các phương tiện (1.500 đồng/km/PCU). Cụ thể, đoạn tuyến có mức thu giá thấp nhất là Vạn Điểm - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại là 10.000 đồng/lượt (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng); đoạn tuyến có mức thu giá cao nhất là Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại là 180.000 đồng/lượt (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit). Nếu không đi vào đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, các phương tiện vẫn có thể lựa chọn đi theo QL1 cũ. 

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (doanh nghiệp dự án) cho biết, sau khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ từ tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng đã đạt tiêu chuẩn khai thác theo đường cao tốc và áp dụng hình thức thu phí kín theo đúng các quy định của pháp luật. Mức thu giá của dự án được tính toán đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án.

Theo ông Khôi, việc thu giá hiện nay là để hoàn vốn giai đoạn 1, nâng cấp lên tiêu chuẩn đường cao tốc và phục vụ công tác GPMB giai đoạn 2 của dự án khoảng 1.500 tỷ đồng. “Việc tính toán mức thu giá dựa trên cơ sở tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn. Theo hợp đồng BOT, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ được thu giá ngay. Dự kiến, ban đầu tổng thời gian thu phí tạm tính là 17 năm 3 tháng, giảm 7 năm 3 tháng so với đề xuất của Nexco”, ông Khôi nói và cho biết, phải đến khi hoàn thành xong cả hai giai đoạn, trên cơ sở chi phí được xác định thông qua Kiểm toán Nhà nước và giá trị quyết toán được Bộ GTVT phê duyệt và lưu lượng xe thực tế, lúc đó mới xác định chính thức thời gian thu của toàn bộ dự án. Theo tính toán sơ bộ, thời gian thu của dự án chắc chắn sẽ giảm so với dự kiến ban đầu.

Cũng theo ông Khôi, giai đoạn 2 được triển khai xây dựng từ tháng 11/2015. Nếu mặt bằng dự án đoạn qua địa phận TP.Hà Nội được địa phương được đẩy nhanh, công tác xây lắp giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018, rút ngắn 5 năm so với phương án của Nexco Central đưa ra ban đầu.

“Trước khi Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính đã lấy ý kiến thông nhất của Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, UBND TP.Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam. Vì thế, mức giá và thời gian thu giá của dự án là phù hợp, có đủ cơ sở pháp lý và được thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tham gia giao thông”, ông Khôi nói và chia sẻ thêm, đối với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong trường hợp chủ phương tiện cho rằng mức thu giá của dự án cao, đều có quyền lựa chọn lưu thông trên tuyến QL1 không thu vé, chạy song song với tuyến cao tốc đã đầu tư bằng hình thức BOT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.