Được cho không dưa ế, người dân quanh cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mang bán với giá 1 nghìn đồng/kg |
Trong lúc dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu, phải đổ bỏ hoặc bán rẻ như cho, thì giá dưa hấu tại Hà Nội vẫn khá cao. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu điều tiết thị trường nông sản trong nước tốt, cơ quan chức năng sẽ không phải vật vã giải quyết ách tắc nông sản ở cửa khẩu.
Nơi đổ bỏ, chỗ đắt hàng
Sáng 12/4, ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết, hiện tình trạng ách tắc xe chở hàng nông sản, chủ yếu là dưa hấu và thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh vẫn nghiêm trọng. Mỗi ngày, có từ 450-500 xe chở hàng dừng đỗ ở cửa khẩu chờ thông quan. Tới thời điểm này, thương lái Trung Quốc đang giảm giá mua vào dưa hấu, loại quả đẹp giá 7 nghìn đồng/kg, loại xấu chỉ 3 nghìn đồng/kg. “Do chờ lâu ngày, một số xe dưa hấu rỉ nước, ung thối đã quay về nội địa, bán vớt”, ông Hội cho hay.
Gần cửa khẩu Tân Thanh, nhiều xe chở dưa hấu sau khi xuất hàng xong trở về, vẫn mang theo một lượng lớn dưa hấu do phía Trung Quốc trả lại. Những quả dưa này, các tài xế, chủ xe đem cho không các hộ dân khu vực cửa khẩu. Và các hộ dân này đem bán dưa “mót” ngay ven quốc lộ với giá chỉ 1 nghìn đồng/kg, 5-6 nghìn đồng/quả.
Ngày 11/4, tại cuộc họp với tỉnh Lạng Sơn về vấn đề xuất nhập khẩu nông sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị Lạng Sơn cùng phối hợp với Bộ đề xuất, tham mưu Chính phủ đầu tư xây dựng khu trung chuyển hàng hóa (có kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện...) nằm trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. |
Trong khi đó, sáng 12/4, khảo sát tại Hà Nội, PV Báo Giao thông nhận thấy, giá dưa hấu không rẻ. Tại quầy hoa quả đầu phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm), giá dưa hấu vẫn 22 nghìn đồng/kg. “Đây là dưa miền Nam, tươi, ngọt sắc, đầu mùa nên giá phải cao”, người bán dưa nói.
Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), giá bán dưa từ 15-25 nghìn đồng/kg, trong đó dưa bán tại quầy giá từ 20-25 nghìn đồng/kg, dưa của các sọt xe thồ từ 15-18 nghìn đồng/kg. “Dưa đắt hàng, có ế thừa gì đâu”, người bán hàng cho hay. Ngay tại chợ đầu mối Long Biên (quận Long Biên), giá bán buôn dưa hấu dao động 10-13 nghìn đồng/kg; dưa bán lẻ cũng 15 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, tại khu vực đường Vành đai 3, đường Trần Thái Tông, đường Láng... đã xuất hiện nhiều xe tải nhỏ chở dưa bán đổ đống trên vỉa hè, giá chỉ 10 nghìn đồng/kg. Theo chị Oanh, một người bán hoa quả lâu năm ở chợ Nghĩa Tân, thì đây chính là loại dưa “quay về”, tức không xuất được sang Trung Quốc.
Điều tiết ngay trên “sân nhà”
Ngày 11/4, sau khoảng nửa tháng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn về tình hình xuất nhập khẩu nông sản. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện; phối hợp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đẩy nhanh việc thông quan cho các xe nông sản qua cửa khẩu. Khi ùn tắc kéo dài, cần cung cấp tình hình xuất nhập khẩu và số liệu cụ thể để giúp các cơ quan chức năng quản lý, dự báo, khuyến cáo, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giải quyết câu chuyện ách tắc cửa khẩu cũng cần thiết, nhưng việc điều tiết đầu ra cho nông sản ở thị trường trong nước còn quan trọng hơn. “Nông sản vượt đường xa, chờ đợi nửa tháng ròng ở cửa khẩu, giá xuất sang vẫn chỉ 3-7 nghìn đồng/kg, trong khi ở trong nước bán rẻ nhất cũng 10 nghìn đồng/kg. Vậy tại sao, chúng ta không giải bài toán kéo dài nhiều năm này ngay trên “sân nhà”?”, ông Long đặt vấn đề.
Theo ông Long, chuyện nông sản cứ được mùa là mất giá, phải đổ bỏ là điệp khúc đã tồn tại bao năm nay. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tổ chức các kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. “Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua quá nhiều kênh trung gian, người dân vì thế thường bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về nhà buôn, thương lái. Điều này cho thấy kế hoạch phát triển và tiêu thụ hàng nông sản của quốc gia chưa chuẩn”, ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cảm thấy khó hiểu khi Bộ Công thương với vai trò chủ trì trong đàm phán thương mại, điều tiết thị trường, mà năm nào cũng để xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc nông sản. “Nếu đàm phán rồi mà việc tiêu thụ vẫn khó khăn thì phải cảnh báo, sắp xếp, thu hẹp lại phạm vi sản xuất hoặc tìm kiếm thị trường khác”, Bà Lan nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận