Xã hội

Gian nan nghề "quét rác" trên mặt vịnh Hạ Long

18/12/2021, 09:43

Bao năm qua, Tổ thu gom rác thuộc Ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long vẫn lặng thầm làm nhiệm vụ "quét rác" trong lòng di sản vịnh Hạ Long.

Bọt bèo nghề "quét rác" trên biển

6h sáng 10/12, trời còn mờ tối bởi sương mù và gió mùa Đông Bắc tăng cường, nhưng tại Bến Đoan, TP Hạ Long (Quảng Ninh), chiếc tàu Di sản Hạ Long 01 chở Tổ thu gom rác Ban quản lý vịnh Hạ Long vẫn xuất bến đến các khu vực động Thiên Cung, hòn Cặp Táo, hang Đầu Gỗ, làng Vạn Chài…

Gần một giờ hành trình, tàu cặp vào điểm du lịch Vạn Chài. Rời tàu di sản xuống những chiếc thuyền nhỏ tự chèo, chị Lê Thị Nga - công nhân Tổ thu gom rác vừa nhanh tay vớt những túi nilon, mẩu gỗ, mảng xốp… trôi trên mặt nước cho vào túi rác để trên mạn thuyền.

Chị Nga cho biết, chị và chồng là anh Nguyễn Văn Xuân đều làm công việc này. Vốn là dân làng chài được di dời lên bờ sinh sống, nên vợ chồng chị vẫn yêu thích công việc trên mặt biển thân quen này, dù thu nhập của cả 2 chưa đầy 6 triệu đồng/tháng.

img

Chiếc tàu Di sản Hạ Long 01 chở đội "quét rác" ra khơi

Đại dịch Covid-19 khiến điểm du lịch vốn hấp dẫn bậc nhất vịnh Hạ Long trở lên vắng lặng. Ông Hà Văn Hồng, Phó Giám đốc HTX Vạn Chài Con Đò Cổ Tích cho biết, trước đây, trung bình Vạn Chài đón hơn 700 du khách/ngày, giờ khách chỉ còn lác đác, là những khách nội tỉnh, liên tỉnh. Nhưng dù du khách ít đi, thì rác thải vẫn cứ dập dềnh trên mặt biển, bởi rác thải ở đây không chỉ của cư dân, du khách trên vịnh thải xuống, mà còn từ hướng đất liền trôi ra, dạt từ vùng biển TP Cẩm Phả, Hải Phòng… vào.

"Những ngày trời yên, biển lặng thì lượng rác khá ít. Nhưng những buổi sau ngày biển động thì rác dồn về giăng kín mặt nước vịnh Hạ Long. Thoạt nhìn, tưởng công việc vớt rác chỉ là đưa vợt ra rồi kéo rác lên thôi. Nhưng nếu vướng phải vật nặng, ngồi trên thuyền nan bé mà không biết cách xử lý có thể mất đà, lật thuyền ngay…", chị Nga cho hay.img

Hiểm nguy luôn rình rập khi công nhân thu gom rác trên vịnh Hạ Long xuống tàu, xuồng vào đảo

Theo chị Nga, nghề vớt rác trên biển cũng như nghề quét rác trên mặt đất. Nhưng điểm khác nhau là, ở trên mặt đất, khi đã quét dọn, nếu không ai xả rác ra nữa thì cả ngày vẫn sạch, còn trên mặt biển, rác vừa được vớt xong, vài phút sau quay lại, đã lềnh bềnh, bởi rác cứ theo gió, nước đưa từ nơi khác đến.

"Có những hôm nhiều rác, chúng em phải "quét" thông trưa rồi mới về ăn cơm. Mà nào chỉ mỗi rác, nhiều lần chúng em còn gặp thi thể người. Khoảng hơn năm trước, khi em đang vớt rác ở khu vực giáp đất liền thì thấy lập lờ dưới mặt nước có cái gì đó khác thường. Vừa lấy vợt lùa sâu xuống phía dưới thì bất ngờ một cánh tay người lật lên. Thì ra, đó thi thể một thanh niên nhảy cầu Bãi Cháy tự tử trôi ra", chị Nga kể.

img

Các công nhân miệt mài dọn rác trong trên từng triền đá, hốc cây

Hơn 11 giờ trưa, tốp công nhân ở hòn Cặp Táo đã thu gom được đống rác khá lớn với đủ thứ từ chăn, đệm, xốp, thùng cát tông đến lon bia, túi nilon… Đã đến giờ ăn trưa, nhưng ở ven sườn đá, các nữ công nhân nhặt rác vẫn cần mẫn làm việc. Một thành viên trong tổ chia sẻ, mức lương "quét rác" biển chỉ 3-4 triệu đồng, ca làm việc kéo dài vì còn phải đi từ bờ ra biển.

"Trước đây, thu nhập của cán bộ, nhân viên còn được hỗ trợ thêm chút tiền trích từ bán vé thăm quan, nhưng từ khi vé thăm quan miễn phí để kích cầu du lịch theo chủ trương của tỉnh thì chỉ có khoản lương thôi. Đến xăng chạy tàu, xuồng cũng phải tiết kiệm từng giọt. Tàu, xuồng chỉ vào một điểm đón còn chị, em phải lội bộ vài trăm mét qua bao mỏm đá sắc nhọn, nước sâu chỉ vì phải… tiết kiệm xăng", một nam công nhân nhặt rác chia sẻ.

img

Chỉ cách vịnh Hạ Long chừng vài phút đi bộ, trên vùng biển thuộc địa phận TP Hạ Phòng. hoạt động nuôi, trồng thủy sản vẫn "vô tư" diễn ra khiến rác thải trôi, dạt "uy hiếp" Di sản

Lo ngại ô nhiễm môi trường vịnh di sản

Vượt qua vùng lõi của vịnh Hạ Long, nhìn sang địa phận thuộc vùng biển TP Hải Phòng và TX Quảng Yên (Quảng Ninh), có thể thấy nhan nhản các khu nuôi, trồng thủy sản với hàng trăm nhà bè, mảng xốp giăng kít mặt nước rộng tới hàng vạn mét vuông.

Khoát tay chỉ vào những mảng rác đang dập dềnh theo con sóng cuốn vào phía vùng lõi vịnh Hạ Long, anh Trần Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm bảo tồn I thuộc Ban quản lý vịnh Hạ Long đau đáu: "Rác sinh hoạt của người dân, lồng bè hỏng cứ thế ùn ùn đưa vào vịnh thế này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nguy cơ mất an toàn giao thông cho phương tiện thủy. Xuồng của chúng tôi đã không ít lần va vào đám rác phải gỡ mãi mới thoát ra được…".

img

Một đám rác là tre, nứa từ các lồng bè bỏ đi đang trôi vào vịnh Hạ Long

Anh Nguyễn Văn Mạnh nhà ở khu Thống Nhất, phường Tân An, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) – chủ một lồng bè cho hay: "Vẫn biết nuôi, trồng thủy sản ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến vịnh, nhưng vì mưu sinh, chưa có cách nào làm khác được".

Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, nhờ các chiến dịch tuyên truyền cũng như không sử dụng chai nước nhựa trên vịnh Hạ Long, rác thải từ du khách trên vịnh đã giảm. Tuy nhiên, các nguồn rác từ ven bờ (từ việc một số người dân vứt rác xuống biển, hoặc rác từ các cửa sông, hệ thống thoát nước trôi ra) và các bè nuôi trồng thủy sản vẫn còn rất lớn. Do dịch Covid-19, lượng khách ít nên 6 tháng đầu năm thu gom được khoảng 350 tấn trên vịnh. Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, mỗi ngày các đội tàu thu gom được từ 4-5 tấn rác. Tuy nhiên, thu gom hôm trước thì hôm sau mặt vịnh Hạ Long lại xuất hiện đầy rác.

img

Cán bộ Ban Quản lý vịnh Hạ Long tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường di sản cho người dân nuôi, trồng thủy sản ở vùng ven

"Thu gom rồi, còn phải có kinh phí xử lý rác, rất tốn kém. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, cần có sự kiểm tra, xử phạt việc xả rác từ trên biển, trên các lồng bè thuỷ sản đến trên đất liền... Có như thế, rác thải mới không dồn về, uy hiếp vịnh Hạ Long", anh Hiển đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.