Thời sự Quốc tế

Giao thông Ấn Độ căng mình đón hơn 400 triệu người dự lễ hội tôn giáo lớn nhất hành tinh

14/01/2025, 16:16

Kể từ ngày 13/1 đến hết ngày 26/2, hơn 400 triệu người Ấn Độ sẽ tụ họp tại TP. Prayagraj, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, tham dự lễ hội tôn giáo lớn nhất hành tinh. Lúc này, mọi hệ thống an ninh, giao thông phải căng mình phục vụ.

Thắt chặt an ninh cho hơn 400 triệu tín đồ

Lễ hội Maha Kumbh Mela năm 2025 tổ chức từ ngày 13/1 đến ngày 26/2 tại TP Prayagraj, bang Uttar Pradesh, dự kiến thu hút hơn 400 triệu tín đồ Hindu (Ấn Độ giáo).

Để tổ chức lễ hội tôn giáo được mệnh danh là lớn nhất hành tinh, giới chức đã mất nhiều năm để lên kế hoạch, chi tới 765 triệu USD (gần 20.000 tỷ đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lượng du khách khổng lồ đổ về Prayagraj.

Giao thông Ấn Độ căng mình đón hơn 400 triệu người dự lễ hội tôn giáo lớn nhất hành tinh- Ảnh 1.

Khoảng 400 triệu tín đồ Hindu sẽ tụ họp tại TP. Prayagraj, nơi ba dòng sông linh thiêng huyền thoại của Ấn Độ hợp lưu. (Ảnh: CNN)

Theo đó, khoảng 160.000 khu lều trại, 150.000 nhà vệ sinh và hệ thống đường ống nước uống dài 1.249km đã được lắp đặt tại một thành phố lều tạm thời có diện tích 40km2.

Đặc biệt, cơ quan chức năng thiết lập vành đai an ninh với hàng loạt trạm kiểm soát khắp thành phố do hơn 1.000 sĩ quan cảnh sát túc trực, bảo vệ du khách và kiểm soát những sự cố có thể phát sinh như giẫm đạp.

Chính quyền cũng bố trí hơn 2.700 camera an ninh ứng dụng trí tuệ nhân tạo xung quanh thành phố, nhất là tại những địa điểm quan trọng, nhiều người tụ tập. Hàng loạt máy bay không người lái cũng được triển khai để giám sát từ trên cao.

Hơn nữa năm nay, Ấn Độ lần đầu tiên sử dụng tàu lặn không người lái dưới nước, có khả năng lặn sâu đến 100 mét, hoạt động 24/7.

Phương tiện mới này nhằm mục đích bảo vệ người dân, bởi hàng trăm triệu du khách sẽ đến khu vực Triveni Sangam, nơi hợp lưu của 3 dòng sông huyền thoại Ấn Độ: sông Hằng, sông Yamuna, sông Saraswati, đắm mình trong làn nước thiêng để thanh tẩy tội lỗi, hướng tới giải thoát về mặt tâm linh.

Hơn 13.000 chuyến tàu hỏa chở hàng trăm triệu du khách

Bên cạnh hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, Ấn Độ còn chi tới 50 tỷ rupee (khoảng 15.000 tỷ đồng) để cải tạo, xây dựng mới đối với hệ thống đường sắt, phục vụ lễ hội tôn giáo của hàng trăm triệu tín đồ Hindu.

Cơ quan Đường sắt Ấn Độ tuyên bố tổng cộng sẽ tổ chức số lượng chuyến tàu kỷ lục lên đến hơn 13.000 chuyến để phục vụ lễ hội Maha Kumbh Mala, bao gồm 3.134 chuyến tàu đặc biệt, đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho người dân từ khắp mọi miền gần xa của Ấn Độ đến với lễ hội lớn nhất hành tinh.

mumbai-station-rex.jpg

Hơn 13.000 chuyến tàu sẽ đưa người dân từ khắp mọi miền Ấn Độ đến với lễ hội Maha Kumbh Mala 2025. (Ảnh minh họa: The Independent)

Báo Business Standard của Ấn Độ cho biết lượng chuyến tàu nêu trên gấp 4,5 lần so với số chuyến tàu phục vụ lễ hội Ardh Kumbh tương tự vào năm 2019.

Bên cạnh đó, đường sắt cũng bố trí hệ thống phát thanh bằng 12 ngôn ngữ, sổ tay hướng dẫn bằng 22 ngôn ngữ, cung cấp thông tin chi tiết cho tín đồ từ nhiều vùng miền của Ấn Độ.

Cơ quan Đường sắt Ấn Độ nhấn mạnh năm nay, ngành đường sắt ưu tiên vệ sinh, an toàn cho hành khách trong lễ hội Maha Kumbh Mela. Trong đó, lực lượng bảo vệ đường sắt (RPF) và cảnh sát đường sắt chính phủ (GRP), cùng hơn 1.000 camera an ninh mới lắp đặt, sẽ hỗ trợ hành khách trong suốt quá trình đi lại.

Ngoài nâng cấp năng lực vận tải đường sắt, giới chức Ấn Độ còn xây dựng 14 cầu vượt và đường hầm mới, 11 hành lang đường bộ mới, tăng cường 7.550 xe buýt, 7 bến xe mới và 30 cầu phao để cải thiện kết nối giao thông.

Lễ hội Maha Kumbh Mela được tổ chức ba năm một lần, luân phiên tại 4 địa điểm khác nhau gồm Prayagraj, Nashik, Haridwar và Ujjain, trong đó lễ hội tại Prayagraj được coi là linh thiêng nhất, thu hút tín đồ từ Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới.

Họ tin rằng nếu được tắm trong những dòng sông linh thiêng trong thời gian này sẽ giúp thanh tẩy tội lỗi.

Năm 2017, lễ hội Kumbh Mela của Ấn Độ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.