Ca nhiễm tăng cao, hệ thống y tế quá tải nên việc các F0 có được đơn không hề dễ dàng. Chính vì vậy, thuốc được quảng cáo “hàng nhập khẩu” vẫn nhộn nhạo với đủ loại giá cả, chất lượng không kiểm soát.
Thuốc điều trị Covid-19 rao bán online tràn lan
“Ma trận” thuốc trị Covid-19
Trên trang “Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir….”, hoạt động mua bán online diễn ra sôi động với hơn chục loại được rao bán.
Gọi theo số điện thoại của một người bán hàng, được biết giá thuốc Molnupiravir 200mg, hàng Việt Nam giá 470 nghìn đồng/hộp, Molnupiravir 400mg, hàng Ấn Độ giá 1,25 triệu đồng/hộp, còn hàng của Mỹ, Pháp… giá đắt hơn vài trăm nghìn đồng.
“Giá này không đắt đâu, đây là hàng nhập Ấn Độ, châu Âu, chất lượng hàng nội không thể so sánh. Chưa kể để mua được ngoài nhà thuốc phải trình giấy xác nhận F0, rồi đơn thuốc của bác sĩ”, người bán hàng nói.
Người mắc Covid-19 khi mua thuốc Molnupiravir hết sức cẩn trọng với thuốc trôi nổi trên các trang mạng vì không đảm bảo về chất lượng và hàm lượng thuốc. Đặc biệt, với thuốc kháng virus mà hàm lượng không đủ thì sẽ gia tăng thêm hiện tượng kháng thuốc, rất nguy hiểm, không có hiệu quả điều trị mà còn bị tác dụng phụ.
PGS.TS.BS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM
Cùng trên trang này, giá thuốc Molnupiravir 200mg dao động từ 350.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng, tùy xuất xứ.
Bên cạnh đó, còn nhiều loại thuốc khác như: Abidol 50mg, Molravir 400mg, Favipiravir 400mg… cũng được rao với công dụng phòng, chống và điều trị Covid-19 với đủ các loại giá.
Ví như, cùng Favipiravir giá ngày 3/3 là 1,8 triệu đồng/hộp, sang ngày 5/3 còn 1,6 triệu đồng/hộp, hoặc cùng loại nhưng giá chỉ 1,5 triệu đồng.
Một tài khoản có tên “Long Nguyễn” trên trang này còn bán thuốc điều trị Covid-19 dùng cho cả trẻ em và phụ nữ mang thai có xuất xứ Đài Loan với tên gọi Covi-away. Loại thuốc này được bán với giá 3 triệu đồng/hộp 30 gói…
Trước tình hình bát nháo của thị trường thuốc điều trị Covid-19, Th.BS. Lê Văn Đán, Phụ trách Khoa Nội tổng hợp, đơn vị hiện điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khuyến cáo: “Trên 80% bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Do đó, khi bị nhiễm Covid-19, người dân cần liên hệ với trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng mục đích”.
Gỡ khó để F0 tiếp cận thuốc nội
Thực trạng số F0 ngày càng tăng cao, bệnh nhân cần được tiếp cận sớm nguồn thuốc, trong khi lại “vướng” quy định mua thuốc trị Covid-19 phải có đơn do bác sĩ, y sĩ kê đã dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống và cán bộ y tế.
Trước tình hình này, Bộ Y tế vừa đề xuất cho phép người phụ trách chuyên môn tại các nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn.
Dù vậy, Bộ Y tế cũng nhìn nhận, quy định mới được đề xuất này cũng có hạn chế do Molnupiravir là thuốc mới, cần phải có sự giám sát an toàn hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi.
Quan trọng nhất là việc chỉ định sử dụng thuốc cho đối tượng nào, liều dùng cần có ý kiến của bác sĩ, y sĩ thông qua việc thăm khám theo quy định.
Việc cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc kê đơn có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ và thận trọng dẫn đến nguy cơ lạm dụng thuốc, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng.
Để giải quyết hạn chế này, Bộ Y tế cũng thêm điều kiện như: Người mua thuốc phải có xác nhận F0 từ cơ sở y tế hoặc tự quay clip test nhanh để người phụ trách nhà thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân.
Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu kèm 1 bản sao chứng minh thư/căn cước công dân của người bệnh.
Trước 17h hàng ngày, các cơ sở bán lẻ thuốc tổng hợp, báo cáo kết quả kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 về cơ quan quản lý y tế địa phương.
Đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị Covid-19 dùng đường uống, tại các địa bàn có tình hình dịch bệnh tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải.
Tuy vậy, trước đề xuất này, một số chuyên gia y tế vẫn bày tỏ lo ngại về việc kiểm soát việc mua bán, sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong thực tế.
Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vấn đề quan trọng nhất là nếu thực hiện thì ai sẽ là người giám sát. “Với loại thuốc đặc trị và cấp phép có điều kiện như Molnupiravir, nếu để các hiệu thuốc kê đơn sẽ khó tránh tình trạng sử dụng tràn lan và hậu quả khó lường”, ông Nga cảnh báo.
Theo ông Nga, tại Anh, Mỹ, Nhật và một số nước phê duyệt thuốc Molnupiravir sử dụng khẩn cấp, thuốc này chỉ có thể được kê bởi bác sĩ, y tá đã đăng ký thực hành nâng cao, trợ lý bác sĩ đã được cấp bằng và cấp phép kê đơn theo luật.
PGS.TS.BS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cũng cho rằng, đề xuất của Bộ Y tế có thể giúp người dân dễ dàng tiếp cận thuốc nội, giảm tình trạng mua thuốc trôi nổi.
Tuy nhiên, các hiệu thuốc phải có bảng mẫu để các bệnh nhân kê khai thông tin chính xác, từ đó kê đơn có kiểm soát, theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận