Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa ký duyệt Tờ trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Được biết, bản dự thảo Quyết định ngoài 12 chương, 54 điều quy định còn bao gồm chi tiết các mẫu bảng biểu kê khai, mẫu đơn xin hỗ trợ của các đối tượng được hưởng. Do đó, dự thảo có dung lượng lên đến hơn 100 trang.
Chiều 16/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định, cơ bản chính sách hỗ trợ an sinh sẽ được thực hiện ngay theo chỉ đạo. “Cũng còn một số nội dung chuyên ngành thì phải ban hành thêm thông tư hướng dẫn”, ông Dung nói.
Cụ thể, các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo thì ngay trong tháng 4 này được hưởng hỗ trợ theo phương thức chi trọn gói trong 1 lần. Đối tượng có quan hệ lao động (lao động có hợp đồng) sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương.
Riêng lao động tự do, tại dự thảo Quyết định cuối cùng trình Thủ tướng, lại được chia 6 nhóm, làm một trong những công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể thao, giải trí.
“Trên cơ sở những đối tượng như vậy, sau khi có Quyết định của Thủ tướng sẽ có Thông tư của Bộ, chi tiết hóa lên một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể”, ông Dung cho hay.
Để chính sách hỗ trợ được thực hiện nghiêm minh, Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thống nhất việc hỗ trợ theo quy định bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch; Tổ chức công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, kịp thời xử lý những vấn đề liên quan.
Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện đảm bảo đúng chính sách, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; Thực hiện phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng và kinh phí hỗ trợ; Phê duyệt danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Hướng dẫn phân bổ kinh phí, thanh toán, chi trả cho đối tượng và quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Đáng chú ý, việc thực hiện chi trả trực tiếp cho đối tượng được yêu cầu chủ yếu thông qua tài khoản ngân hàng hoặc qua hệ thống bưu điện để bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, tránh trục lợi chính sách. Đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua cơ quan bưu điện thì giao cho cơ quan bưu điện địa phương tiếp tục thực hiện chi trả gói hỗ trợ cho các đối tượng đang hưởng chính sách.
“Đối với vốn vay ưu đãi để trả lương cho người lao động, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ danh sách trả lương chuyển thẳng cho người lao động. Do đó doanh nghiệp khó có thể trục lợi được”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH dẫn giải.
Liên quan tới hoạt động giám sát, thực hiện, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam được đề nghị thành lập ban giám sát các cấp để giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ được quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận