Bất động sản

Hà Nội có "thuốc" mới trị vi phạm trật tự xây dựng?

17/11/2024, 09:21

Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Quy định này kỳ vọng tạo hành lang pháp lý cần thiết, ngăn chặn hành vi vi phạm vẫn đang xảy ra.

Vẫn phát sinh vi phạm

Thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, song thực tế vẫn phát sinh những vi phạm. Đáng chú ý hiện nay là tình trạng vi phạm xây dựng tại Khu đô thị Tasco Xuân Phương, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngay cổng vào Khu đô thị Tasco (hướng từ cầu vượt Xuân Phương) xuất hiện một số công trình xây dựng có thiết kế và chiều cao khác biệt so với mẫu nhà chung của toàn khu đô thị đã được phê duyệt với chiều cao 3 tầng.

Hà Nội có "thuốc" mới trị vi phạm trật tự xây dựng?- Ảnh 1.
Hà Nội có "thuốc" mới trị vi phạm trật tự xây dựng?- Ảnh 2.

Biệt thự 18BT10, 9BT11 KĐT Tasco Xuân Phương vi phạm xây dựng không đúng thiết kế. Ảnh: NH.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Hoàn, Phó chủ tịch phường Xuân Phương cho biết, trên địa bàn phường từ đầu năm đến nay phát sinh 6 công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Hai tòa nhà có chiều cao và thiết kế khác thường, người qua đường dễ quan sát thấy từ hướng cổng vào từ cầu vượt Xuân Phương là căn biệt thự 18BT10 của ông Nguyễn Văn Mạnh và 9BT11 của ông Mạc Triệu Nguyện.

Ông Hoàn cho biết thêm, cả hai công trình này đều vi phạm xây dựng không đúng thiết kế được duyệt. Mỗi trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng, khắc phục hậu quả vi phạm.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, 6 tháng đầu năm, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng, thu về ngân sách Nhà nước gần 5 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Hoàn, các đối tượng vi phạm trật tự xây dựng thường lợi dụng ngày nghỉ để thực hiện các hành vi vi phạm. Trong khi đó, lực lượng cán bộ mỏng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng là chủ đầu tư lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ hoặc làm đêm để cố tình vi phạm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Biện pháp ngăn chặn áp dụng cho lĩnh vực trật tự xây dựng chưa đạt hiệu quả.

Cắt điện nước công trình vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua có quy định (Khoản 2, Điều 33): "Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh".

TP Hà Nội cũng đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, cụ thể hóa quy định này. Nghị quyết quy định một số trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng…; nhóm công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về PCCC mà đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC;

Nhóm công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền.

Cần xử lý nhanh 

Góp ý hoàn thiện nghị quyết này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ, trong dự thảo quy định thời hạn lập biên bản và chuyển lên người có thẩm quyền, cũng như thực hiện ra quyết định, thực hiện quyết định 6-7 ngày là quá dài, vì trong thời gian đó công trình vi phạm chắc chắn sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện với tốc độ cao, sẽ gây ra hệ lụy lớn.

Do đó, ông Dĩnh cho rằng nên rút ngắn thời gian hơn để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu, không để xảy ra nghiêm trọng hơn.

Cũng theo ông Dĩnh, với những công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp mà tổ chức, cá nhân đã được vận động thuyết phục nhưng vẫn không thực hiện di dời (khoản 8 Điều 3) cũng cần có thời hạn nhất định. Những trường hợp này nên thực hiện cưỡng chế khẩn cấp chứ không chỉ ngừng cung cấp điện, nước, bởi liên quan tính mạng con người.

Trong khi đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, thực tế, quy hoạch là khái niệm rất rộng, Hà Nội đang thực hiện quy hoạch tích hợp (bao gồm cả không gian xây dựng và các ngành dịch vụ, văn hoá, du lịch…) dẫn đến trường hợp nếu không vi phạm quy hoạch xây dựng thì cũng vi phạm không gian văn hoá… Do vậy, cần làm rõ "sai quy hoạch" ở đây là sai quy hoạch nào?

TS Đào Ngọc Nghiêm cũng băn khoăn, năng lực cán bộ có đủ để nhận diện được sai quy hoạch không và đề nghị xem xét lại thẩm quyền này.

Dự thảo Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội (Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 33 của Luật Thủ đô) gồm 12 điều. Dự kiến ghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.