Thành phố yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tránh thất thoát tài sản công và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Hà Nội tăng cường quản lý quỹ nhà đất do doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý, sử dụng. Ảnh minh họa.
Công văn nêu rõ, các tổng công ty, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cũng như các công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50% thuộc quản lý của thành phố phải nghiêm túc thực hiện các nội dung của Chỉ thị 47/CT-TTg, bao gồm việc rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Một trong những yêu cầu quan trọng là việc xử lý nghiêm các hành vi sử dụng đất sai mục đích, bỏ hoang đất hoặc chậm triển khai dự án . Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, vốn là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa phải thực hiện chặt chẽ các quy trình liên quan đến đất đai. Theo đó, phương án sử dụng đất cần được phê duyệt rõ ràng, đảm bảo minh bạch, công khai, tránh thất thoát tài sản nhà nước thông qua các thương vụ chuyển nhượng thiếu kiểm soát.
UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm tham mưu thu hồi đất đối với các doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho mượn trái phép hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Ngoài ra, sở cũng cần theo dõi, giám sát các trường hợp đất bị lấn chiếm hoặc không đưa vào sử dụng đúng tiến độ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sở Kế hoạch & Đầu tư có nhiệm vụ rà soát, tham mưu xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất nhưng chậm tiến độ, hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển chung của Thành phố. Việc đánh giá, thu hồi hoặc điều chỉnh dự án cần được thực hiện dựa trên các tiêu chí rõ ràng nhằm tối ưu hóa nguồn lực đất đai...
Theo số liệu của Sở Tài chính TP Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số cơ sở nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 6.764 cơ sở. Trong đó, khối sở, ban, ngành có 1.202 cơ sở; khối quận, huyện, thị xã 4.520 cơ sở; khối doanh nghiệp nhà nước 1.042 cơ sở…
Thực hiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Hà Nội phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 100% cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của mình trong năm 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận