Vẫn nhiều khó khăn, thách thức
Ngày 6/3, tại tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian hàng bên lề hội nghị.
Những năm qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp cơ cấu kinh tế của ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.
Trong năm 2021, tốc độ tăng GRDP nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 1,6%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước.
ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (83,51%), 1,472 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).
Nông nghiệp ĐBSCL cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ để bức phá.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, ĐBSCL đang đối mặt với vô số khó khăn thách thức. Tốc độ sụt lún dự báo đến năm 2040 là 1,5 - 3 cm/năm nếu như không kiểm soát được khai thác nước ngầm như hiện nay.
Kết hợp với kịch bản nước biển dâng, dự báo đến cuối thế kỷ 21, tỷ lệ lún vùng ven biển có thể đạt khoảng 10 cm/năm.
Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL có nguy cơ ngập 38,9% diện tích, trong đó một số tỉnh có nguy cơ bị ngập hầu hết như Hậu Giang (trên 80%), Kiên Giang (trên 76%) và Cà Mau (gần 60%). Bên cạnh đó, trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4‰ và có tới 64% diện tích ảnh hưởng bởi độ mặn 1‰.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đặc biệt, nông sản ĐBSCL hiện nay đang quay trở lại ngày càng phụ thuộc thị trường Trung Quốc, kể cả các mặt hàng trước đây đã vào được các thị trường lớn khác như cá tra. Đầu ra thiếu ổn định trong khi chi phí sản xuất tăng và điều kiện sản xuất khó khăn đối với nông dân.
Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương có vùng nguyên liệu tương đồng chưa được chú trọng.
Thành lập Văn phòng Điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL
Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích và đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, chính sách liên quan đến sử dụng đất đai, phát triển và bảo vệ rừng; ban hành cơ chế, chính sách triển khai quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng, thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động nguồn lực như cho phép địa phương chủ động hơn trong phát hành trái phiếu…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: Dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng đến nay, vùng ĐBSCL vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng, điển hình là cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, lập quy hoạch vùng ĐBSCL đầu tiên trong cả nước…
Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021 - 2025.
Thủ tướng chỉ đạo, tập trung phát triển vùng ĐBSCL. Trong đó, nông nghiệp sinh thái mang lại hiệu quả cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Xác định nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp để mang lại giá trị thặng dư cao hơn.
Đến nay, vấn đề hạ tầng của vùng ĐBSCL vẫn là một nút thắt. Cần tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và khai thác lợi thế giao thông đường thủy của vùng; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng sạch…
Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, đời sống chất lượng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận