Nhà đầu tư đang quan tâm hơn đến hạ tầng hàng không
Phát biểu tại toạ đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm" do Bộ GTVT vừa tổ chức tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho hay: Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 theo quy hoạch (28 cảng hàng không) là khoảng 403.106 tỷ đồng (trừ các công trình do VATM đầu tư).
Tọa đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm" do Bộ GTVT tổ chức tại Quảng Ninh
Theo kế hoạch, ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỷ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng.Đáng chú ý, theo ông Dũng, hiện tại, nhiều địa phương đang đề xuất quy hoạch cảng hàng không, sân bay chuyên dùng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ cần thêm nhiều nguồn lực nữa.
“Các hợp đồng BOT đầu tư hạ tầng hàng không kéo dài không chỉ trong 10 năm mà có thể là 20 - 25 năm, thậm chí nhiều hơn nữa. Do đó, giai đoạn 2030 - 2040 vẫn phải tiếp tục huy động nguồn lực, mới đáp ứng được quy hoạch dự kiến”, ông Dũng thông tin.
Phân tích thêm về việc huy động nguồn lực đầu ta hạ tầng hàng không, ông Dũng cho hay: Đối với các cảng hàng không mới, phương án tài chính khi đầu tư theo phương thức PPP thường khó hấp dẫn do thời gian hoàn vốn kéo dài (trung bình từ 40-50 năm), cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước.
Đối với các cảng hàng không do ACV đang khai thác, lại có những khó khăn khác. Cụ thể như việc đầu tư công trình trên đất và tài sản do quốc phòng quản lý; Xử lý tài sản của ACV, tài sản do quân sự quản lý. Cùng đó là những khó khăn trong việc lựa chọn hình thức đầu tư như hình thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư, phát triển hay hình thức sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tham gia dự án PPP.
Phó tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Đức Thắng (ngoài cùng, bên phải) điều phối toạ đàm
Theo ông Phạm Ngọc Sáu, dự án Cảng HKQT Vân Đồn đã thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn. Ngân sách huyện Vân Đồn năm 2015 là 130 tỷ đồng. Từ năm 2020, con số này vượt 1.000 tỷ mỗi năm. Đến 2022, Vân Đồn xếp 6/13 huyện của tỉnh tự cân đối ngân sách.
Việc triển khai thành công dự án Cảng HKQT Vân Đồn không chỉ đánh dấu sự góp mặt hiệu quả của kinh tế tư nhân trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông mà còn là động lực mạnh mẽ để Vân Đồn, Quảng Ninh thu hút, huy động nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn cho hay: Để đầu tư một sân bay, để hòa vốn là rất lâu, lên tới vài chục năm chứ không có chuyện chỉ trong vài ba năm.
Cũng theo ông Sáu, các sân bay của Việt Nam rất ít sân bay có lãi, ngoài những sân bay lớn như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Ngay cả sân bay Phú Quốc dù phát triển nhưng cũng chưa hòa vốn.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Phạm Văn Hảo nói: Đầu tư cảng hàng không, không phải chỉ là 1-2 năm là thu hồi vốn được, lãi ngay được.
Trong bối cảnh đó, ông Hảo bày tỏ vui mừng khi các nhà đầu tư đã thay đổi và quan tâm hơn đến cảng hàng không, dù biết rõ thời gian hòa vốn có thể rất dài.
“Tính đến nay, chúng tôi đã nhận được khoảng 10 kiến nghị, đề xuất của UBND các tỉnh về xã hội hóa cảng hàng không, sân bay”, ông Hảo thông tin.
Không chỉ có đất là đã làm được sân bay
Mặc dù vậy, lãnh đạo Cục Hàng không cũng nhấn mạnh: Quy hoạch cảng hàng không, sân bay không đơn thuần như quy hoạch dự án hay khu kinh tế bình thường.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
“Để quy hoạch cảng hàng không, sân bay có 6 tiêu chí lớn với gần 30 tiêu chí. Để đáp ứng 30 tiêu chí này, phải cân nhắc rất kỹ càng, kỹ lưỡng mới dám đặt nền móng cho cảng hàng không, sân bay”, ông Hảo nói và nêu rõ: Không chỉ có đất đã làm được sân bay. Còn phải nghiên cứu về phương thức hạ cánh, cất cánh thế nào. Thậm chí phải nghiên cứu hướng gió, khí hậu, thời tiết trong 5 - 10 năm, có khi là vài chục năm để có một đường bay ổn định.
Cũng như vậy, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nêu quan điểm: Không thể chỉ căn cứ nhu cầu nhà đầu tư mà đưa vào quy hoạch. Phải có khung tổng thể phát triển cho toàn vùng và toàn xã hội. Nếu nhu cầu có thật, xuất phát điểm nhu cầu của vùng, của tỉnh mà có thật thì đưa vào quy hoạch ngay.
“Nhà đầu tư cần khảo sát kỹ, phải đánh giá, nhìn nhận bằng con mắt doanh nghiệp, chứ bằng con mắt nhà tài trợ, đến làm đẹp lòng để đầu tư thì cần xem lại. Đầu tư một sân bay, tuổi đời thu hồi vốn của sân bay dài. Khi quy hoạch rồi, các tỉnh quyết liệt, mà nhà đầu tư không đầu tư nữa thì lại thành quy hoạch treo, là lãng phí. Sai lầm nối tiếp sai lầm”, ông Mười khuyến cáo.
Thấu hiểu những vấn đề mà ông Hảo, ông Mười đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho hay: Ngay từ năm 1991, khi Lào Cai tái lập tỉnh, địa phương đã nghĩ đến việc xây dựng sân bay nhưng sau 31 năm thì mới được Thủ tướng phê duyệt đầu tư.
“Đến khi làm việc với TCT Quản lý bay VN (VATM), chúng tôi nhận ra phương thức bay mới mang tính quyết định việc đầu tư sân bay.
Cũng theo ông Trường, các địa phương đề xuất xây dựng đầu tư sân bay hầu hết đều có tiềm năng. Các nhà đầu tư nếu nghiên cứu thật kỹ chưa chắc đã dám đầu tư sân bay vì thực sự không đơn giản, nhiều khả năng thua lỗ.
Dẫn ví dụ từ câu chuyện đầu tư Cảng hàng không Sa Pa, ông Trường nói: Với mức đầu tư 4.000 tỷ, Lào Cai bỏ ra 1.700 tỷ, còn lại là của nhà đầu tư. Khoản 4.000 tỷ không khó, nhưng phải sau 45 năm mới thu hồi vốn. Nếu có thể chế giúp nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh thông qua cơ chế mở thì rất tốt.
Cũng như vậy, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Trong các phương thức vận tải thì hàng không là phương thức đặc biệt, cực kỳ quan trọng vì giúp rút ngắn khoảng cách, không gian, thời gian, tạo thuận lợi cho địa phương có sân bay phát triển kinh tế - xã hội.
“Tuy địa phương nào cũng mong muốn có sân bay để phát triển nhưng qua các ý kiến thảo luận, tôi thấy đầu tư sân bay cần phải cân nhắc hết sức thận trọng. Không phải cứ có nhà đầu tư là làm sân bay mà cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố bao gồm vấn đề kỹ thuật, sự lan tỏa của địa phương khi có sân bay”, ông Minh thẳng thắn.
Là một trong những địa phương đang xin bổ sung quy hoạch sân bay, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định: Chúng ta phải có tư duy quốc gia chứ không phải tư duy cục bộ địa phương. Không phải địa phương khác có cái gì mình phải có cái nấy.
“Tuy nhiên, với quy hoạch quốc gia, chúng ta nên nghiên cứu theo góc độ quy hoạch mở. Quy hoạch quốc gia lựa chọn, đánh giá ở tầm quốc gia xem khu vực nào có sân bay mang tầm quốc gia, quốc tế để tập trung nguồn lực đầu tư công.
Còn với khu vực khác, ở địa phương khác, nếu có tiềm năng, lợi thế, nhu cầu, đáp ứng tiêu chí đặt ra thì phân cấp cho địa phương và họ chịu trách nhiệm. Nếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì nên xem như là một dự án đầu tư đơn thuần. Nếu dự án xã hội hóa đó đáp ứng được yêu cầu khắt khe của một cảng hàng không, sân bay và thấy có hiệu quả thì cứ đầu tư”, ông Minh đề xuất.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu bế mạc toạ đàm
Phát biểu bế mạc toạ đàm, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Để phát triển KTXH, khai thác hết tiềm năng của địa phương, vùng, phải có hạ tầng giao thông hiện đại, trong đó có hàng không.
Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đồng hành với ngành GTVT trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có kết cấu hạ tầng hàng không, không vì những vướng mắc hành lang pháp lý mà làm chậm tiến trình đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
"Bộ GTVT sẽ tiếp tục tổng hợp lại những vướng mắc mà địa phương nêu ra, rà soát, tham mưu lại cho Chính phủ để ban hành những chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không", Thứ trưởng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận