Tạo thuận lợi vận tải thủy an toàn giữa các nước
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) đã được xây dựng với sự tham gia của 6 quốc gia theo sáng kiến của Thái Lan vào năm 2012, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Mục tiêu gìn giữ nguồn tài nguyên sông Mê Công và khai thác sử dụng cho nhiều mục đích phục vụ kinh tế xã hội.
Tại Hội nghị cấp cao tổ chức lần thứ nhất vào năm 2016 tại Vân Nam, Trung Quốc với chủ đề "Chung một dòng sông, chung một tương lai", Quỹ đặc biệt của MCL được thành lập với mục tiêu góp phần triển khai thực hiện các định hướng lớn của cơ chế hợp tác. Đề xuất dự án hỗ trợ kĩ thuật "Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy" của Việt Nam đã được Quỹ thông qua, hỗ trợ.
Sau thời gian hoàn thiện các thủ tục nội bộ, đến cuối năm 2020, Cục Đường thủy nội địa VN đã tiếp nhận dự án để thực hiện với nhiệm vụ được Bộ GTVT giao là chủ dự án.
"Mục tiêu cụ thể, chính yếu nhất của dự án mà Việt Nam mong muốn là xây dựng được diễn đàn chung hợp tác về kỹ thuật trong lĩnh vực vận tải đường thủy. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước của 6 quốc gia có thể gặp gỡ, trao đổi về quy định kỹ thuật tiến tới hài hòa hóa để phát triển vận tải bằng đường thủy bền vững trên dòng sông chung, đặc biệt là có thể tiến tới thiết lập mạng lưới vận tải bằng đường thủy xuyên suốt 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia", Cục trưởng Bùi Thiên Thu nhấn mạnh và cho biết, sau gần 3 năm triển khai nghiên cứu với rất nhiều các buổi họp nhóm chung, trao đổi cụ thể từng quốc gia, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đồng cấp các quốc gia MLC, dự án đã hoàn thành các hoạt động đạt hiệu quả và chất lượng.
Ông Thu nhấn mạnh, Báo cáo dự án cùng với khuyến nghị hài hòa hóa cho 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia do Việt Nam chủ trì cùng sự phối hợp nghiên cứu, rà soát hiệu chỉnh tích cực của các cơ quan các nước MLC là kết quả nghiên cứu của dự án, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở tham chiếu trong việc xây dựng các quy định kỹ thuật và hệ thống quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực vận tải đường thủy. Đặc biệt, đây còn là minh chứng cụ thể về hiệu quả mà Cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương mang lại cho các quốc gia cùng chung dòng sông Mê Công.
Phát biểu tại hội nghị, ông Miao Weicheng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam, đại diện Bộ GTVT Việt Nam, đại biểu đến từ các quốc gia MLC đánh giá cao triển khai hợp tác của Cục Đường thủy nội địa VN và các cơ quan quản lý nhà nước đồng cấp trong lĩnh vực vận tải đường thủy các nước MCL, đã mang lại kết quả dự án với sản phẩm hữu ích và thiết thực.
Cùng với Báo cáo dự án được công bố, danh sách khuyến nghị cụ thể, lộ trình thực hiện để hiện thực hóa mong muốn hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ góp phần tăng cường sự gắn bó sự hợp tác về kỹ thuật giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường thủy; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động qua lại bằng đường thủy giữa các nước MLC, thúc đẩy phát triển kinh tế, logistics và bảo vệ môi trường.
Tăng cường hợp tác, phát triển bền vững
Trước đó, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thực tế hiện nay sông Mê Công - Lan Thương chảy qua 6 nước, các hoạt động GTVT thủy xuyên biên giới diễn ra tấp nập, đặc biệt tại các quốc gia phía hạ lưu với các lợi thế truyển thống như: Tận dụng điều kiện tự nhiên; Chi phí đầu tư, duy tu hạ tầng thấp; Chi phí vận tải rẻ; Khả năng vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng cũng như mức phát thải thấp và thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, hoạt động vận tải xuyên quốc gia, nhất là hoạt động vận tải liên quốc gia trên sông Mê Công - Lan Thương vẫn gặp nhiều khó khăn, do hệ thống quy định kỹ thuật áp dụng cho hoạt động vận tải thủy của các quốc gia còn tồn tại sự khác biệt.
Vì vậy, với việc hoàn thành Dự án Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mê Công - Lan Thương đã đề xuất các nội dung liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định về giao thông thủy phù hợp để sử dụng chung hoặc hài hòa giữa các nước thành viên, hoặc áp dụng cho các nước thành viên chưa ban hành hệ thống văn bản.
Đề xuất lộ trình hài hòa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kĩ thuật về giao thông thủy để khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền của các nước lưu vực sông Mê Công - Lan Thương.
Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm tăng cường hoạt động nhóm công tác kỹ thuật vận tải đường thủy nhằm góp phần tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực vận tải đường thủy trong khu vực sông Mê Công - Lan Thương.
Hỗ trợ các nước trong khu vực MCL tạo thuận lợi cho vận tải thủy xuyên biên giới và quốc tế; hỗ trợ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải đường thủy; hài hòa các quy tắc vận tải thủy liên quan và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về giao thông.
Từ đây, báo cáo kiến nghị: Khuyến khích các nước thành viên thực hiện các nỗ lực chung vì an toàn vận tải thủy và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy hợp tác, trao đổi chuyên môn và chia sẻ thông tin hoạt động giữa các bên liên quan, bao gồm 6 nước thành viên và các đối tác đối thoại.
Thông qua kết quả dự án và triển khai các đề xuất theo Báo cáo dự án sẽ góp phần phát huy đầy đủ tiềm năng giao thông và thương mại của sông Mê Công - Lan Thương, làm cho giao thông thủy an toàn hơn, bền vững hơn. Qua đó tạo thuận lợi, tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận