Còn sức còn chống tham nhũng
Một ngày đầu tháng 3, PV Báo Giao thông tìm về huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thăm hai lão nông chống tham nhũng Nguyễn Tiến Lãng (SN 1938 ở xã Gia Đông) và Nguyễn Công Uẩn (SN 1937 ở xã Ngũ Thái).
Ánh nhìn vẫn tinh anh, giọng nói vẫn hào sảng, quyết liệt, PV khá bất ngờ khi thấy hai lão nông chưa hề “gác lại thế sự” để an hưởng tuổi già, mà vẫn say sưa với những chồng hồ sơ, tài liệu chống tiêu cực, tham nhũng.
Ông Lãng kể, vừa qua, hai ông đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Xuân Hình, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Gia Đông, huyện Thuận Thành đã có những vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai thời kỳ làm Chủ tịch UBND xã Gia Đông. Từ đơn tố cáo của hai ông, Huyện ủy Thuận Thành đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh, đã kết luận nội dung tố cáo là đúng. Cụ thể, thời kỳ ông Hình là Chủ tịch UBND xã Gia Đông đã ký chuyển đổi khoảng 20 dự án VAC trên địa bàn xã trái thẩm quyền. Đến nay, Huyện ủy đang xem xét để xử lý kỷ luật.
Một vụ việc khác mà hai lão nông vừa phanh phui cũng liên quan đến sai phạm đất đai. Cụ thể, từ năm 2017 - 2018, từ đơn tố cáo của hai ông, cơ quan chức năng đã vào cuộc, làm rõ và khai trừ khỏi Đảng, cách chức ông Nguyễn Mạnh Thổ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Yên Nho, xã Gia Đông. Sau đó, cơ quan điều tra khởi tố ông Thổ và ông Nguyễn Văn Hưng, kế toán, thủ quỹ thôn Yên Nho với tội danh “Cố ý làm trái quy định của pháp luật về quản lý sử dụng đất đai và thu chi tài chính.
“Đây là những đối tượng ngoan cố. Trong xã, trong thôn ai cũng sợ, nhưng chúng tôi không sợ. Tôi dám đứng ra tố cáo bởi trong tâm trí tôi chỉ đau đáu một điều, làm sao đưa được những hành vi sai trái ra ánh sáng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng chứ không hằn thù ai cả”, ông Lãng tâm sự.
Nói đến chuyện chống tham nhũng, tiêu cực, hai lão nông đều trò chuyện say sưa. Ông Lãng khẳng định, còn hơi sức thì ông còn tham gia cuộc chiến này. Kiệm lời hơn bạn, ông Uẩn chỉ tủm tỉm cười mà bảo rằng: “Chúng tôi (ông và ông Lãng) như có duyên nợ, có chung một “mối tình”, đó là “mối tình chống tham nhũng”.
Cơ cực bớt dần
Ghi nhận công lao của hai lão nông trong đấu tranh chống tiêu cực góp phần thực hiện tốt chính sách người có công, ngày 23/6/2017, Bộ LĐ,TB&XH đã quyết định tặng bằng khen cho ông Nguyễn Tiến Lãng (SN 1938) và ông Nguyễn Công Uẩn (SN 1937) ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tại buổi lễ vinh danh những người có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đã khẳng định: “Xin cảm ơn hai ông, dù tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập”.
Ông Lãng kể, ông bắt duyên với “mối tình” chống tham nhũng từ năm 2004, khi ông phát hiện ra những sai phạm trong quản lý đất đai, thu chi ở địa phương và đứng lên đấu tranh. Trong những lần khiếu nại, tố cáo, ông gặp ông Uẩn, người xã bên và nhanh chóng nhận ra, cả hai cùng “yêu” chung “người tình” chống tham nhũng. Từ đó, hai lão nông này sát cánh bên nhau.
“Chúng tôi bắt đầu từ việc đòi lại quyền lợi cho người trồng lúa ở quê nhà, khi họ nhận cấy ruộng thầu trên phần đất công ích của xã mà phải đóng các khoản thuế, phí lên đến 50% lượng thóc canh tác được. Sau đó, chúng tôi phát hiện được những chuyện sai trái trong quản lý đất đai, xây dựng đường giao thông nông thôn, thu chi... ở thôn, xã. Những vụ việc phi lý, sai phạm cứ dần dần được phanh phui, được giải quyết, đem lại công bằng cho người dân”, ông Lãng kể.
Gần 20 năm với cuộc chiến chống tham nhũng, thành công nhất của hai ông đến thời điểm này là phanh phui gần 3.000 hồ sơ thương binh giả. Ông Lãng vẫn nhớ, ông có 10 năm đi bộ đội, trong đó có 5 năm chiến đấu ở chiến trường, nhưng nhiều lần làm hồ sơ xin chế độ thương binh đều không được.
Quá trình đi làm hồ sơ xin chế độ cho bản thân, tới năm 2010, ông phát hiện ra tại huyện Thuận Thành đang nở rộ phong trào “làm hồ sơ thương binh giả”. Theo đó, chỉ cần bỏ ra 10 - 40 triệu đồng là những người khỏe mạnh, thậm chí đang làm cán bộ, lãnh đạo ở xã, huyện được công nhận thương binh, được hưởng chế độ 61 - 81%.
Dày công thu thập tư liệu, hai ông gửi đơn tố cáo tới Bộ LĐ,TB&XH và Bộ đã lập đoàn kiểm tra, xác minh; sau đó Công an tỉnh Bắc Ninh và Bộ Tư lệnh quân khu 1 vào cuộc. Kết quả, đã phát hiện số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 150 tỷ đồng và giảm chi ngân sách mỗi năm hơn 20 tỷ đồng. Trong vụ việc này, đã có 29 đối tượng bị xử lý hình sự. “Chiến công” này đã được Bộ LĐ,TB&XH tặng bằng khen vào tháng 6/2017.
Nhưng để có được những “chiến công” ấy, hai lão nông phải chịu đựng, hy sinh quá nhiều. Gần 20 năm miệt mài đi tìm công lý, hai người sống trong cảnh cơ cực, khó khăn, bởi muốn đi thu thập tài liệu, chứng cứ, thậm chí đi gửi đơn khiếu nại, cũng phải mất chi phí giấy tờ, tiền xe cộ, tiền ăn uống… Ông Lãng chỉ có khoản lương hưu 2 triệu đồng/tháng, ông Uẩn không có lương hưu, chỉ có cách gom nhặt từng đồng tiền bán cây quả trong vườn nhà, rồi làm hàng mã lấy tiền đi kiện.
Nhưng cuộc sống tằn tiện, tiết kiệm cùng những vất vả thu gom chứng cứ, đội đơn đi kiện không khiến hai ông khổ bằng việc phải đối mặt với các mối quan hệ thân tình, quen biết khi đứng lên chống tiêu cực trên chính quê hương mình. Bởi, từ những lá đơn tố cáo của hai ông, nhiều vụ việc từ đó được đem ra ánh sáng, nhiều quan chức thôn, xã, huyện bị xử lý, khai trừ khỏi Đảng, cách chức, một số người bị xử lý hình sự.
“Như vụ hồ sơ thương binh giả, em rể của vợ tôi cũng mất chế độ thương binh, nên từ mặt gia đình tôi. Chuyện bị chửi bới, đe dọa, đập phá cây cối, tài sản, ném phế thải vào nhà diễn ra thường xuyên. Ở địa phương, chúng tôi không được tham gia sinh hoạt trong chi hội nào. Gia đình chúng tôi làm ăn, buôn bán gì cũng khó khăn. Có lần, vườn bưởi hàng trăm cây đang sống mơn mởn của nhà tôi đã bị kẻ gian chặt hạ hết hơn nửa. Có đối tượng bị tôi tố cáo tìm đến tận nhà đánh tôi, vết sẹo vẫn còn trên trán. Hàng xóm láng giềng thấy vậy cũng e ngại, không dám công khai thân thiết với chúng tôi”, ông Uẩn kể lại.
Áp lực bị trả thù, bị xa lánh khiến ngay cả những người thân của hai ông cũng nhiều lần giận dỗi, yêu cầu hai ông từ bỏ công việc nguy hiểm và thị phi này. “Đã nhiều lần tôi cũng nghĩ đến bỏ cuộc, nhưng rồi đơn thư người dân tin tưởng gửi đến, có nhiều trường hợp ở các xã lân cận có những vướng mắc không biết làm đơn khiếu nại và tố cáo những sai phạm đến đâu thì họ lại đến nhờ hướng dẫn, giúp đỡ”, ông Uẩn kể.
Tuy nhiên, từ sau khi hai ông nhận được bằng khen của Bộ LĐ,TB&XH, địa phương cũng có những ghi nhận, khen thưởng, và quan trọng là người dân thấy quyền lợi được bảo vệ, những người vi phạm bị xử lý, thì thay vì thái độ thù ghét, cô lập trước kia, nay hai ông sống trong những lời ngợi khen và yêu quý của người dân địa phương.
“Bây giờ thì đỡ hơn rồi, pháp luật đã quy định rõ ràng việc tiếp dân, tiếp nhận và trả lời những thông tin chống tiêu cực, thậm chí quy định việc bảo vệ người tố cáo nên việc đấu tranh chống tiêu cực sẽ hiệu quả hơn, ít những vụ việc bị ỉm đi hơn”, ông Uẩn nói.
Ông Lãng tiếp lời: “Vừa rồi các hộ dân ở xã bên tận Gia Lâm cũng sang nhờ tôi và ông Uẩn hướng dẫn, hai anh em chúng tôi ngồi lại và hướng dẫn tận tình sau đó các hộ dân và chính quyền địa phương đã tìm được tiếng nói chung. Điều đó khiến chúng tôi sung sướng vô cùng”, ông Lãng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận