Tuy nhiên, đi kèm với nó là những thách thức về kiểm soát chất lượng và đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.
Mua đủ thứ chỉ cần click chuột
Thay vì "dạo quanh phố phường, dạo quanh thị trường" để mua sắm váy áo, khoảng 5 năm trở lại đây, chị Trần Kim Thu (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chủ yếu shopping online. Ngoài truy cập sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki… chị Thu cũng là khách ruột của một số shop online trên mạng xã hội Facebook, Tiktok.
Livestream bán hàng lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng song cũng tồn tại nhiều mặt trái cần được kiểm soát (ảnh minh họa).
"Trước đây, tôi chủ yếu chọn hàng qua ảnh chụp, song giờ thích xem livestream chốt đơn. Tôi đã nhận nhiều "bài học đau thương" từ mua hàng online, trong đó rủi ro lớn nhất là ảnh quảng cáo với sản phẩm thực khác nhau một trời một vực. Do vậy, các màn livestream mà có người mẫu thử từng trang phục sẽ giúp tôi lựa chọn sản phẩm phù hợp hơn", chị Thu chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, quý I/2024, doanh thu trên 4 nền tảng thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt hơn 79.000 tỷ đồng, tiêu thụ trên 768 triệu đơn vị sản phẩm, chưa kể facebook. Đã có không ít những phiên livestream mang lại doanh thu cả trăm tỷ đồng chỉ sau vài giờ.
Chị Thu là một trong số hàng triệu khách hàng đang có xu hướng thích shopping qua livestream hơn là mua trực tiếp. Chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet, những người tiêu dùng như chị có thể mua sắm đủ thứ bằng cách xem trực tiếp sản phẩm, nhận tư vấn và đặt mua chỉ sau vài cú nhấp chuột.
Livestream đang "cách mạng hóa" trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng với sự tương tác và chân thực mà các phương thức mua sắm truyền thống khó có thể sánh kịp. Người tiêu dùng có thể xem trực tiếp cách sử dụng thực tế và đặt câu hỏi cho nhà cung cấp. Livestream còn mang đến các cơ hội săn ưu đãi hấp dẫn mà người tiêu dùng khó có thể tìm thấy ở những hình thức mua sắm khác.
Không chỉ giúp tăng trưởng doanh số, livestream cũng giúp các doanh nghiệp, tiểu thương tiết kiệm chi phí quảng cáo, mở rộng thị trường và tiếp cận đối tượng khách hàng mới một cách hiệu quả.
Đơn cử thương hiệu Việt Thắng Jean. Bất chấp kinh tế khó khăn, năm 2023, doanh thu bán hàng tại các cửa hàng truyền thống và một số thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp giảm nhẹ, song doanh thu bán hàng trực tuyến lại tăng đến 25 - 30% so với năm 2022.
Nỗi lo hàng hóa không xuất xứ
Livestream mang đến sự tiện lợi và tăng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng, nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tình trạng bán hàng trên không gian mạng thông qua các hình thức như livestream vẫn rất bát nháo, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc đang tràn lan.
Là sinh viên năm 3 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Đỗ Thuỳ Linh (thuê trọ tại Bách Khoa, Hà Nội) thường xuyên mua hàng qua livestream với những mức giá hời không tưởng. Với nhu cầu giải khát trong mua hè, Linh đã sắm một chiếc máy làm đá mini với giá chỉ 250 nghìn đồng sau khi được KOL giới thiệu là hàng nội địa Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiếc máy làm đá không nhãn mác, không logo nhà sản xuất hay bảo hành đã hỏng sau gần 1 tháng. Tình trạng khách hàng bị mất tiền mua "rác" (sản phẩm hỏng phải bỏ đi) như chị Linh là khá phổ biến.
Bên cạnh các đồ dùng gia dụng, nguy hiểm hơn, người tiêu dùng còn mua phải thực phẩm không rõ xuất xứ và sản phẩm y tế giả (thuốc, thực phẩm chức năng).
Thất thu thuế, bóp nghẹt tiểu thương
Tình trạng thất thu thuế vẫn đang là vấn đề "đau đầu" với cơ quan chức năng trong thời kỳ bùng nổ bán hàng qua livestream. Nhiều người bán hàng sử dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội để giao dịch mà không thực hiện kê khai thu nhập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp, dẫn đến việc không nộp thuế đầy đủ.
Từ ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến một số hành vi bị cấm, quy định bồi thường thiệt hại, phương thức giải quyết tranh chấp… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số.
Do tính chất linh hoạt và khó kiểm soát của các buổi livestream, việc giám sát doanh thu và giao dịch trở nên phức tạp hơn so với các kênh bán hàng truyền thống. Nhiều giao dịch được thực hiện không qua hệ thống hóa đơn hoặc biên nhận chính thức, làm cho việc theo dõi và thu thuế của cơ quan chức năng trở nên khó khăn.
Tình trạng thất thu thuế từ hoạt động này không chỉ làm giảm nguồn thu cho ngân sách mà còn dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và những người bán hàng không kê khai thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đã ban hành công điện nhằm tăng cường công tác quản lý thuế và kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động bán hàng qua livestream.
Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động bán hàng trực tuyến, từ đó nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch thương mại qua livestream và đảm bảo sự công bằng trong môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia marketing và thương hiệu, bán hàng qua livestream cũng đang "bóp nghẹt" các tiểu thương buôn bán truyền thống. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá, người bán qua livestream có thể giảm giá sản phẩm do tiết kiệm chi phí mặt bằng và nhân công.
Sự phát triển nhanh chóng của bán hàng qua livestream đẩy giá sản phẩm xuống thấp, buộc các doanh nghiệp truyền thống phải thích nghi và tìm ra những chiến lược mới để duy trì sự cạnh tranh và ổn định doanh thu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận