Doanh nghiệp kêu thiệt hại triệu đô do hàng ách tại cảng Cẩm Phả sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu áp lại đúng mã. Ảnh: BGT
Doanh nghiệp chưa làm đúng thì phải làm lại
Trao đổi với PV Báo Giao thông bên lề cuộc họp của Tổng cục Hải quan hôm cuối tuần qua, ông Lương Viết Mạnh, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, việc áp mã hàng có thuế suất thấp khi xuất khẩu để trốn thuế là việc thường xuyên xảy ra. Các doanh nghiệp khi có hai mặt hàng xuất khẩu nhìn ban đầu có thể cùng một mã thì bao giờ doanh nghiệp cũng khai vào mã có thuế suất thấp hơn.
Trước đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu khai là đá vật liệu xây dựng phản ánh họ bị thiệt hại triệu đô la Mỹ sau công văn 8019 ngày 22/12 của Tổng cục Hải quan. Theo văn bản 8019, thời gian qua xảy có tình trạng nhập nhằng trong hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng... Do đó, Tổng cục yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành rà soát các tờ khai và hồ sơ xuất khẩu khai báo các mặt hàng trên để phân loại và áp dụng mức thuế đúng, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng họ vẫn xuất khẩu đá xây dựng nguồn gốc đá vôi theo Thông tư 05/2019 Bộ Xây dựng. Họ cũng cho rằng, Hải quan ban hành văn bản phải có lộ trình thông báo để các doanh nghiệp thực hiện.
Đối với câu chuyện xuất khẩu đá vôi mà một số doanh nghiệp đang ầm ỹ, ông Mạnh cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đá vôi đã kiến nghị với cơ quan Hải quan là cần có sự bình đẳng trong áp mã mặt hàng này. Sau khi nhận được kiến nghị, cơ quan Hải quan đã nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ việc áp mã hàng hóa đối với mặt hàng đá vôi xuất khẩu. Việc điều chỉnh mã hàng hóa này là việc làm thông thường bởi không phải cơ quan Hải quan quy định lại mã hàng hay thuế suất mà yêu cầu làm đúng quy định đã có. Doanh nghiệp chưa làm đúng thì phải làm lại.
Trong câu chuyện này không thể nói Hải quan ban hành văn bản áp mã hàng với thuế suất mới nhanh quá, doanh nghiệp không kịp thích ứng. Ở đây phải hiểu là có các doanh nghiệp trước nay làm chưa đúng thì nay yêu cầu doanh nghiệp phải làm đúng”.
Cũng theo ông Mạnh, doanh nghiệp khai là đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi, áp mã 2517.49.00.30 có thuế suất thuế xuất khẩu 15%, nhưng các doanh nghiệp khác đã kiến nghị xem lại đối với những trường hợp này. Thực tế, căn cứ vào tính chất cấu tạo, mặt hàng đá nói trên không phải đá xây dựng thông thường mà là đá vôi có thành phần Canxi Cacbonat (CaC03) trên 85%. Do đó, mặt hàng này, theo quy định Luật Khoáng sản và theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam, nguyên liệu sản xuất xi-măng và phải được áp mã 2521.00.00 có thuế suất 17%.
“Hiện một số doanh nghiệp cứ nói là làm đúng theo Thông tư số 05/2019 của Bộ Xây dựng nhưng không để ý hồ sơ Hải quan từ Invoice (hóa đơn - PV) đến C/O (giấy chứng nhận xuất xứ - PV) mà Việt Nam cấp đều ghi rõ đó là đá vôi chứ không phải đá xây dựng như doanh nghiệp khai”, ông Mạnh thông tin thêm.
Và khi áp mã 2521.00.00, mặt hàng đá vôi là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện theo Luật Khoáng sản. Luật Khoáng sản quy định hoạt động xuất khẩu mặt hàng này phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xuất khẩu, chứ không thuộc quyền hạn cấp tỉnh. “Các quy định này chỉ cần doanh nghiệp làm đúng thôi”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.
Một số doanh nghiệp lợi dụng việc áp mã sai để trốn thuế
"Vậy tại sao trước giờ một số doanh nghiệp làm sai mà đến nay mới bị điều chỉnh?", Báo Giao thông đặt câu hỏi.
Ông Lương Viết Mạnh nói: “Về cơ bản tất cả doanh nghiệp đều làm đúng. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp lợi dụng việc áp mã sai để trốn thuế. Vì vậy, không phải cái gì trước kia doanh nghiệp làm thì không có quyền rà soát. Có thể thời gian qua cơ quan chức năng chưa phát hiện chứ không phải trước kia doanh nghiệp làm được thì nay đương nhiên cứ làm như vậy. Có nhiều trường hợp bị phát hiện chậm bởi chúng ta có chính sách kiểm tra sau thông quan nhằm tạo điều kiện thông quan nhanh cho doanh nghiệp. Nhiều trường hợp kiểm tra sau thông quan mới phát hiện ra sai”.
Giải thích về công văn “hỏa tốc” của Tổng cục Hải quan, ông Mạnh cho biết, đây là văn bản là Tổng cục Hải quan yêu cầu Hải quan các tỉnh chấn chỉnh lại ngay việc kê khai mã hàng này, rà soát và làm đúng những quy định pháp luật đã có từ trước.
“Doanh nghiệp có thể chưa hiểu, không hiểu hoặc cố tính không hiểu; Còn cơ quan Hải quan có thể chủ quan trong quá trình thực hiện, có thể không phát hiện kịp thời thì cơ quan cấp trên khi phát hiện ra và chỉ đạo địa phương xử lý đúng, áp dụng đúng. Bởi có những doanh nghiệp hiểu đúng và họ vẫn làm đúng cơ mà. Và người ta yêu cầu phải được công bằng”, ông Mạnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận