Nỗi sợ bao trùm
Hai tháng qua là khoảng thời gian rất khó khăn với các thủy thủ đoàn trên tàu Dali (treo cờ Singapore). Họ phải ở trên con tàu container đang chôn chân giữa sông, dưới đống đổ nát của cây cầu Key. Theo đại diện Hiệp hội Cán bộ Hàng hải Singapore, đoàn thủy thủ gồm 20 người Ấn Độ và 1 người Sri Lanka.
Thủy thủ đoàn đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình cứu hộ, điều tra vụ sập cầu nghiêm trọng này.
Khi vụ tai nạn xảy ra, các thủy thủ phải chứng kiến hiện trường đổ nát và chết chóc thương tâm nhưng không được phép đặt chân lên bờ. Họ bắt buộc phải ở trên tàu, bị tịch thu điện thoại, hàng ngày đối mặt hàng loạt vụ nổ có kiểm soát để phá dỡ cây cầu sập đè lên mũi tàu.
Cảnh tượng này dự kiến phải kéo dài hàng tháng do quá trình xử lý phức tạp. Thực tế, đã có trường hợp thuyền viên bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn.
Ngày 13/5, sau 6 tuần đống đổ nát của cây cầu Key đè lên mũi tàu Dali, phần giàn thép lớn của cầu đã được cơ quan chức năng phá dỡ bằng thuốc nổ. Nhiều người hy vọng các giàn thép được di dời cũng đồng nghĩa thủy thủ đoàn sớm được rời khỏi đây.
Giải thích lý do nhóm thuyền viên không được phép rời tàu, CNN cho biết, quy định hàng hải quốc tế yêu cầu các tàu phải có người điều hành túc trực. Trong đó, những tàu khổng lồ như Dali dài tới 300m, trọng tải 106.000 tấn cần được trông coi, giám sát liên tục, ngay cả khi tàu không chuyển động.
"Bất cứ khi nào máy móc còn chạy thì khi đó còn nguy cơ hỏng hóc, hỏa hoạn hoặc các vấn đề khác. Do đó thủy thủ phải có mặt trên tàu, sẵn sàng ứng phó mọi mối nguy hiểm", ông Philip C. Schifflin Jr, Giám đốc Trung tâm Ủng hộ thủy thủ cho biết.
Ngoài quy định hàng hải và yêu cầu điều tra, thủy thủ đoàn còn không thể đặt chân lên đất Mỹ do thị thực đã hết hạn. Ngay cả công ty quản lý tàu cũng không biết khi nào thủy thủ đoàn có thể rời khỏi đây.
Nỗi sợ bắt đầu bao trùm con tàu khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ập lên tàu, tịch thu điện thoại di động của các thủy thủ vào ngày 15/4. Từ đó, họ mất liên lạc với gia đình.
FBI sau đó đã trả thẻ SIM của một số thành viên, gửi điện thoại mới cho thủy thủ đoàn và chưa đưa ra cáo buộc đối với bất kỳ ai. Dẫu vậy, nhóm thủy thủ vẫn cảm thấy bất an, lo lắng trước nguy cơ đối mặt với trách nhiệm hình sự.
Cuộc sống bận rộn trên tàu
Ở trên tàu, dù không di chuyển nhưng hai tháng qua, các thuyền viên vẫn bận rộn với hàng loạt nhiệm vụ cũng như hỗ trợ các đoàn điều tra, cứu hộ.
Công ty quản lý tàu nhận định, tàu không thể rời khỏi khu vực Baltimore cho đến khi chính quyền Mỹ hoàn tất điều tra.
"Họ vừa phải thực hiện nhiệm vụ thông thường trên tàu, vừa phải chăm sóc bảo quản tàu và trang thiết bị, đồng thời hỗ trợ đội điều tra, cứu hộ", ông Darrell Wilson, người phát ngôn Synergy Marine Group, Công ty quản lý tàu Dali nói và cho biết, thủy thủ đoàn đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình cứu hộ, điều tra vì họ biết tất cả lối đi, ngóc ngách trên tàu.
"Chúng tôi đã cử người đến hiện trường ngay lập tức để chăm sóc sức khỏe, cung ứng nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để làm nổi con tàu trong vài ngày tới và di chuyển tàu đến một bến cảng địa phương. Tới đây, công ty sẽ đề nghị chính quyền cung cấp cụ thể thông tin kế hoạch tiếp theo đối với thủy thủ đoàn", đại diện công ty quản lý tàu Dali nói và thể hiện rõ sự mơ hồ về tương lai của nhóm thủy thủ.
Trong khi đó, ông Gwee Guo Duan, trợ lý Tổng thư ký Hiệp hội Sĩ quan Hàng hải Singapore đã đến thăm và thường xuyên liên lạc với thủy thủ đoàn. Bản thân ông thừa nhận, tàu Dali khó có thể rời khu vực Baltimore cho đến khi chính quyền Mỹ hoàn tất điều tra.Mới đây, Ủy ban An toàn Giao thông vận tải Quốc gia Mỹ đã công bố báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn nhưng không nêu nguyên nhân vụ việc. Theo CNN, các nhà điều tra có thể mất đến hai năm để đưa ra báo cáo cuối cùng. "Nếu không có kết luận cuối cùng, con tàu sẽ khó có thể đi đâu xa khỏi khu vực Baltimore", ông Duan nói.
Đề nghị rốt ráo xử lý
Trước thực trạng này, các công đoàn thuyền viên công khai kêu gọi gia hạn hoặc cấp mới thị thực cho thủy thủ. Cơ quan hàng hải của Singapore cũng hy vọng chính quyền Mỹ sẽ đánh giá ai buộc phải ở lại tàu và ai có thể bay về nước.
Xác cầu Key đè xuống phần mũi tàu Dali khiến con tàu "chôn chân" giữa sông.
Công đoàn thủy thủ quốc tế tuyên bố, dù cuộc điều tra kéo dài bao lâu, cũng không được xâm phạm quyền lợi và phúc lợi của thủy thủ đoàn.
"Chúng tôi đề nghị giới chức chú ý các thủy thủ cần được sử dụng thiết bị di động cho công việc cá nhân, thanh toán hóa đơn và quan trọng hơn là chuyển tiền về quê hương để nuôi sống gia đình", ông Dave Heindel, Chủ tịch Liên minh thuyền viên quốc tế nói.Trong khi đó, Tổ chức Thuyền trưởng, Thuyền phó và Thủy thủ Quốc tế (MM&P) nhận định, việc giữ các thủy thủ trên tàu suốt thời gian dài, tịch thu điện thoại là không công bằng.
"Thủy thủ đoàn tàu Dali không chỉ phải trải qua quãng thời gian kinh hoàng và bi thảm chứng kiến 6 nạn nhân tử vong mà còn bị xa cách gia đình quá lâu", ông Don Marcus, Chủ tịch MM&P khẳng định.
Ông Gwee Guo Duan, Trợ lý Tổng thư ký Hiệp hội Sĩ quan Hàng hải Singapore hy vọng Mỹ cho phép các thủy thủ không phục vụ điều tra được phép xuống tàu, tạm trú trên đất liền để giảm bớt căng thẳng tinh thần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận