Hạn hán, thiên tai sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế |
Bức tranh kinh tế ảm đạm
Trong buổi Họp báo Công bố số liệu GDP Lao động và Việc làm quý I năm 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên nền kinh tế nước ta lại đang đứng trước rất nhiều trở ngại và thách thức mà phần nhiều nguyên nhân đến từ các lý do khách quan như kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 vẫn khó khăn với diễn biến kinh tế phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường.
Trong nước, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm gây thiệt hại về cây trồng và gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân… Những nguyên nhân trên dự báo kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của cả năm.
Điều này được thể hiện ngay trong những con số thống kê về GDP, lao động và việc làm quý I vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, Tăng trưởng GDP quý I/2016 đạt 5,46%. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng của quý I/2011 và quý I/ 2015 nhưng cao hơn quý I của các năm 2012, 2013 và 2014. Điều này cho thấy nền kinh tế vừa lấy lại đà tăng trưởng ở Quý IV/2015 lại gặp những khó khăn nhất định.
Hạn hán sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế
Đặc biệt, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%. Điều này đã làm kinh tế trong quý I/2016 giảm tới 2,9% tăng trưởng và giảm 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình hình sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do hệ quả của hiện tượng El Nino kéo dài từ cuối năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
El Nino hoạt động mạnh không chỉ khiến nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, còn làm mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường như: rét buốt, băng giá tại các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tại các tỉnh phía Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chủ trì buổi họp báo |
Đánh giá về tình hình kinh tế trong quý I/2016, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mặc dù trong cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp không phải là ngành sản xuất có đóng góp lớn nhất nhưng tầm quan trọng của ngành này đối với kinh tế nước ta vẫn vô cùng quan trọng.
“Nông, lâm nghiệp và thủy sản đã nhiều năm là cứu cánh cho nền kinh tế, nhất là giai đoạn khủng hoảng 1997-1999 và 2012-2014. Trong tình hình nền nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thiên tai, hạn hán như năm nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển chung của nền kinh tế”, ông Lâm cho hay.
Theo ông Lâm, ngoài nông nghiệp, một số ngành sản xuất khác cũng đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,3% so với quý I năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,1% của năm 2015. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 1,2%, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,9%, đây cũng là ngành có mức thấp hơn so với năm 2011,năm 2012 và năm 2015.
Riêng sản lượng khai thác dầu thô trong 3 tháng đầu năm nay đạt khoảng 4 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính vẫn là do giá dầu thô trên thế giới giảm sâu. Còn đối với sự sụt giảm của ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng đạt thấp là do làm gia công mà phụ thuộc vào đơn đặt hàng và nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Năm nay nguồn nguyên liệu đang gặp khó khăn nên ảnh hưởng lớn đền những ngành này.
Mặc dù khá nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng thấp trong quý I/2016 nhưng theo đánh giá của ông Lâm, nếu chính phủ, các cấp các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành và sản xuất thì những khó khăn trên hoàn toàn có thể vượt qua được để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH đã được Quốc hội thông qua.
“Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 khoảng 6,7%. Nếu so với tốc độ tăng GDP 6,5% năm 2015 thì mục tiêu này không quá cao và hoàn toàn có thể đạt được”, ông Lâm nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận