Rục rịch xu hướng chuyển về tàu biển
Năm 2018, Công ty Vận tải H. (Hải Phòng) quyết định đầu tư cải tạo, chuyển đổi một số tàu biển thành tàu pha sông biển cấp VR-SB để tham gia hoạt động vận tải tuyến ven biển Bắc - Nam.
Lúc này, thị trường vận tải biển khu vực châu Á và nội địa đều gặp khó khăn, trong khi tuyến ven biển Bắc - Nam dành cho tàu VR-SB dồi dào nguồn hàng hai chiều.
Gần đây, doanh nghiệp này bất ngờ làm thủ tục đề nghị cơ quan đăng kiểm cho cải tạo, nâng cấp tàu VR-SB để chuyển đổi tàu biển để chạy quốc tế và nội địa.
Hiện bắt đầu có xu hướng tàu VR-SB chuyển cấp thành tàu biển, phương tiện thủy (Ảnh minh họa)
“Tuyến vận tải Bắc - Nam bằng tàu biển lẫn tàu VR-SB hiện đang ít hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng đó, hoạt động của tàu VR-SB không còn nhiều lợi thế như trước. Sắp tới, tàu VR-SB sẽ phải trang bị thêm thiết bị hàng hải nên chi phí đầu tư, vận hành sẽ cao hơn”, đại diện doanh nghiệp trên nói về lý do chuyển đổi cấp tàu.
Cũng theo đại diện Công ty H. việc chuyển đổi cũng khá thuận lợi vì nguồn gốc của các phương tiện trên đều là tàu biển. Chỉ cần bổ sung trang thiết bị theo quy chuẩn của tàu biển là được cấp chứng nhận đăng kiểm, đăng ký tàu biển.
Không riêng đơn vị trên, theo ông Lê Ngọc Ngọ, Giám đốc Công ty Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam (Thái Bình), việc chuyển đổi tàu VR-SB có nguồn gốc từ tàu biển trở lại cấp tàu biển đang là xu hướng chung.
Từ năm 2014, khi tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam dành cho tàu VR-SB bắt đầu mở, hàng loạt tàu biển được cải tạo, chuyển cấp sang tàu VR-SB. Tàu VR-SB được chạy ngoài phạm vi cách bờ 12 hải lý, theo đường thẳng như tàu biển, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian hành trình và giảm giá cước vận tải.
“Gần đây, cơ quan chức năng giám sát rất chặt, nhiều trường hợp chạy cách bờ quá 12 hải lý, kể cả tắt hệ thống giám sát tự động AIS trên phương tiện vẫn bị phát hiện và xử phạt, nên nhiều tàu muốn quay về tàu biển để được chạy theo đường thẳng”, ông Ngọ chia sẻ.
Lãnh đạo Phòng Tàu biển và Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cũng xác nhận, gần đây có khoảng chục tàu VR-SB chạy tuyến ven biển Bắc - Nam (có nguồn gốc từ tàu biển) thực hiện cải tạo, chuyển đổi về tàu biển.
“Có thể do thị trường vận tải biển đang tăng trưởng tích cực trở lại. Quy định hiện nay cho phép tàu biển được cải tạo, chuyển cấp thành tàu VR-SB và chuyển ngược lại thành tàu biển nên việc này không vướng mắc gì”, ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển cho biết.
Theo Cục Đăng kiểm VN, cuối năm 2020, trong số gần 1.000 tàu VR-SB hoạt động tuyến ven biển Bắc - Nam có gần 400 tàu đóng mới, còn 280 phương tiện có nguồn gốc từ tàu biển và 230 tàu có nguồn gốc từ phương tiện thủy.
Siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn tuyến vận tải ven biển
Tàu pha sông biển VR-SB chỉ được hoạt động theo phạm vi tuyến công bố và cách bờ không quá 12 hải lý
Từ nửa cuối năm 2014 đến nay, sau khi Bộ GTVT công bố mở tuyến vận tải ven biển dành cho tàu VR-SB, tuyến vận tải này gia tăng nhanh số lượng phương tiện tham gia và sản lượng vận tải.
Giai đoạn 2014-2019, trung bình mỗi tháng đội tàu này vận chuyển đạt 2,2 triệu tấn hàng. Từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng vận chuyển 5 triệu tấn.
Về phương tiện, đến giữa năm 2021, có hơn 1.200 tàu VR-SB chở hàng hóa (gồm 50 phương tiện chở container), trong đó phần lớn trên tuyến ven biển Bắc - Nam.
So với tàu biển cấp hạn chế III, tàu VR-SB có lợi thế hơn là chi phí đầu tư thấp (yêu cầu về trang thiết bị hàng hải ít hơn như không yêu cầu ra đa, nghi khí hàng hải), định biên thuyền viên cũng ít hơn, phí và lệ phí vào cảng biển thấp hơn… Đó cũng là lý do khiến nhiều tàu biển, tàu sông chuyển cấp sang tàu VR-SB.
Tuy vậy, mặt trái thời gian qua là phổ biến tình trạng tàu VR-SB chạy vượt cách bờ quá 12 hải lý, xa hơn phạm vi tuyến được quy định; thậm chí, không khác tàu biển, để theo đường thẳng giúp tiết kiệm nhiên liệu, thời gian hành trình.
“Tàu VR-SB được tính toán đảm bảo hoạt động an toàn trong điều kiện cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý, chiều cao sóng lớn nhất không quá 2,5m. Nhưng thực tế khá nhiều tàu mang cấp VR-SB có trọng tải lớn hoạt động ngoài phạm vi 12 hải lý và không theo đúng tuyến được công bố. Việc này dẫn đến rủi ro cao về mất an toàn đối với con người, phương tiện, hàng hóa và tài sản, tạo ra sự chồng chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa tàu cấp VR-SB với tàu biển”, Cục Đăng kiểm VN thông tin.
Giải quyết vấn đề trên, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định hoạt động của tàu VR-SB tham gia tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất để quản lý tuyến vận tải này.
“Dự thảo thông tư xác lập hướng tuyến vận tải dành cho tàu VR-SB được nối từ Bắc - Nam, thuộc phạm vi 28 tỉnh, thành. Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý liên quan và trách nhiệm của doanh nghiệp chủ tàu, thuyền viên. Hoạt động của tàu VR-SB trên tuyến sẽ được quản lý tập trung qua hệ thống giám sát tự động AIS để đội tàu này hoạt động theo phạm vi được công bố”, ông Đạo thông tin.
Cục Đăng kiểm VN cho biết thêm, theo lộ trình, từ nay đến 31/12/2022, các tàu VR-SB có tổng dung tích từ 500GT đến dưới 1.000GT đang hoạt động hoặc đóng mới, chuyển đổi từ phương tiện khác sang phải hoàn thành lắp hệ thống giám sát tự động AIS.
Cơ quan đăng kiểm cũng đang đánh giá, rà soát quy chuẩn kỹ thuật đối với tàu VR-SB, nhằm bổ sung một số yêu cầu kỹ thuật (như phao tròn cứu sinh, tính kín nước của nắp hầm hàng) để nâng cao an toàn trên hành trình.
Doanh nghiệp băn khoăn
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, thực tế có những tàu VR-SB được trang bị thiết bị an toàn hàng hải không kém tàu biển cấp hạn chế III, đủ an toàn để chạy xa hơn 12 hải lý.
Khi siết chặt quản lý hoạt động tàu VR-SB theo phạm vi 12 hải lý, đội tàu này phải chạy vòng theo đường bờ biển hình chữ S., làm tăng chi phí nhiên liệu và thời gian hành trình, gây khó khăn cho vận tải ven biển.
Theo ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, thực tế có những cung đoạn tuyến Bắc - Nam có thể cho phép tàu VR-SB chạy cách bờ xa hơn 12 hải lý để theo đường thẳng, tăng hiệu quả khai thác vận tải, song cần rà soát, đề xuất sửa đổi các luật liên quan, trong đó có Luật Giao thông ĐTNĐ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận