Thị trường

Hàng “Made in Vietnam”: đặt ngưỡng cao hơn 30% không khó nhưng oái oăm

14/08/2019, 21:28

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ với báo chí chiều nay 14/8 về tiêu chí hàng "Made in Vietnam".

img
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: BĐT

Thưa ông, cơ sở nào để Bộ Công thương đặt ra tiêu chí hàng Việt Nam có ngưỡng tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) là 30% mà không phải ngưỡng cao hơn như tỷ lệ 60% của Thụy Sỹ hay 50% của Mỹ?

Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31 ngày 8/3/2018 của Chính phủ.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn công nhận xuất xứ Việt Nam. Đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, chỉ cần thay 2 chữ số, viết thêm vài câu là xong, nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.

Nhiều người thích viện dẫn Mỹ với Thụy Sỹ mà không biết rằng trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, cả Nhật, cả Thụy Sỹ đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ, không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô.

Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam không, thưa ông?

Điều này không nhất thiết bởi hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Điều 10 của dự thảo Thông tư.

Với các tài sản trí tuệ như ý tưởng, thiết kế, bằng phát minh, quyền sở hữu công nghiệp... thì sao, có được tính đến khi xác định một mặt hàng nào đó là sản phẩm của Việt Nam không?

Tài sản trí tuệ, nếu xác định được giá trị, có thể đưa vào "chi phí phân bổ trực tiếp" (nêu tại Điều 9, khoản 4, tiết c) để tính toán hàm lượng giá trị gia tăng. Tương tự là chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo mẫu...

Tại sao các quy định của Thông tư không chỉ áp dụng cho nhãn hàng hóa mà còn áp dụng cho cả các tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa?

Thông tư này áp dụng cho cả việc ghi nhãn và tiếp thị sản phẩm trên thị trường Việt Nam nên mọi tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan tới hàng hóa, thí dụ như tờ rơi, tài liệu hướng dẫn sử dụng, clip quảng cáo, v.v... đều phải tuân thủ quy định của Thông tư.

Ngoài việc phải đảm bảo công đoạn cuối cùng không phải là công đoạn đơn giản, thì 30% là tỷ lệ tối thiểu giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm nếu muốn được công nhận, dán mác hàng sản xuất tại Việt Nam, thưa ông?

Đối với một mặt hàng cụ thể, nếu tiêu chí xác định "hàng hóa của Việt Nam" là VAC 30% thì 30% là ngưỡng thấp nhất mà VAC của hàng hóa đó phải đạt được.

Có thể chỉ ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, thí dụ như "Made in Viet Nam" hay "Product of Viet Nam" được không?

Không. Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau.

Nếu vi phạm quy định của Thông tư sẽ bị áp dụng chế tài như thế nào, thưa ông?

Theo quy định tại dự thảo, Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực thi Thông tư này. Trường hợp phát hiện vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.