Ngày 24/4 tới đây, diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” sẽ được tổ chức tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Diễn đàn với khoảng 600 đại biểu là các lãnh đạo ngành du lịch, doanh nghiệp, lữ hành, chuyên gia, hiệp hội du lịch... nhằm tìm các giải pháp phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển du lịch Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, với những giải pháp để xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết và đẩy mạnh thu hút khách tới Kon Tum.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 18/4
Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 18/4 tại Hà Nội, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch khẳng định: “Kon Tum là địa phương có triển vọng trong việc phát triển du lịch, song chưa được quan tâm nhiều. Diễn đàn lần này để tìm cơ hội để phát triển du lịch Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, cũng như các cơ hội cho các địa phương sau Covid-19”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Kon Tum cho biết, trong diễn đàn sẽ có buổi ký kết của 6 địa phương như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông… để cùng xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết với nhau.
Tuy nhiên, ông Bình thừa nhận sau đại dịch Covid-19, nhân lực của du lịch Kon Tum đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh này đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn, để có thể khắc phục một số điểm yếu về nhân lực.
“Về lâu dài, có lẽ chúng tôi phải nhờ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, cũng như các cơ sở đào tạo tăng cường để những người làm du lịch có điều kiện học tập, tham gia đào tạo để trong tương lai, khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực”, Giám đốc Sở VH,TT&DL Kon Tum thổ lộ.
Kon Tum có nhiều tiềm năng khai thác du lịch như khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen
Để có thể phục hồi du lịch sau đại dịch, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích, cần phải có nhiều yếu tố và công việc phải làm. Trước mắt, các hiệp hội, chuyên gia sẽ cùng đi khảo sát để tìm ra những sản phẩm mới, các địa điểm du lịch để đưa vào các tour du lịch.
Ngoài ra, sẽ có những buổi ký thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ phục hồi du lịch tỉnh Kon Tum. “Việc xây dựng những sản phẩm đặc thù của Tây Nguyên như du lịch cộng đồng và sinh thái, đảm bảo có những sản phẩm độc đáo cũng là điều quan trọng”, ông Bình phân tích.
Trong khuôn khổ diễn đàn, có lễ công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; lễ Công bố và giới thiệu logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum “Trải nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên”. Đồng thời, có các hoạt động ký kết hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương, hiệp hội, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Sẽ có kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Diễn ra trong tháng 4, có nhiều sự kiện diễn ra trước và sau diễn đàn như: Lễ đón nhận Bằng di tích Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm Cao 875 lịch sử tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; Tổ chức chương trình Famtrip cho hơn 250 doanh nghiệp lữ hành đi khảo sát, giới thiệu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch, kết nối các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.
Đồng thời, tổ chức Khai mạc bay Khinh khí cầu chào đón khách du lịch đến Kon Tum và kích cầu du lịch năm 2022; Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô = Tân Cảnh và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt lịch sử Điểm Cao 1015 và Điểm cao 1049; Giải dù lượn huyện Sa Thầy.
Sau diễn đàn còn có các sự kiện như Tổ chức du lịch Caravan từ TP.HCM đến tỉnh Kon Tum; Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và các hoạt động quảng bá du lịch cùng các sản phẩm đặc hữu huyện Tu Mơ Rông 2022…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận