Rút ngắn tiến độ là điều không dám nghĩ tới
"Với kinh nghiệm làm nghề tư vấn và xây lắp hơn 20 năm, với tôi, việc đưa dự án Diễn Châu - Bãi Vọt về đích dịp 30/4 từng là điều không tưởng", bằng giọng nói đầy nội lực, đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đưa người ngồi đối diện trở lại khoảng thời gian khó khăn đến "nghẹt thở" trên hành trình đưa dự án PPP cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam về đích.
Hơn 1 tháng kể từ ngày đưa 30km đầu tiên vào khai thác, đại tá Nguyễn Tuấn Anh vẫn vẹn nguyên không khí căng thẳng trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ GTVT ở thời điểm cách ngày khánh thành dự án chừng nửa tháng.
Cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài hơn 49km đi qua địa bàn hai tỉnh: Nghệ An (hơn 44km), Hà Tĩnh (gần 5km).
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Các đoạn đào sâu đắp cao quy mô 6 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án hơn 6.067 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng.
Đây là một trong số ít dự án giao thông có giá trị GPMB tương đối lớn, lên đến 1.700 tỷ đồng, số lượng khu tái định cư cần xây dựng lên tới 12 khu.
"Khi ấy, trên tuyến chính, một số đoạn mới xong lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng (lớp móng đường thực hiện trước công tác thảm bê tông nhựa), một số đoạn chưa tập kết tôn sóng, một số đường đầu cầu chưa đắp, hầm Thần Vũ thì ngổn ngang vật liệu đổ nền, đúc bê tông vỏ hầm…
Thực trạng ấy khiến lãnh đạo Bộ GTVT không khỏi sốt ruột và triệu tập ngay cuộc họp với các nhà đầu tư tại Diễn Châu thay vì về luôn Hà Nội như kế hoạch ban đầu", vị Phó tư lệnh nhớ lại và tiếp lời: tại cuộc họp, yêu cầu Bộ trưởng đưa ra là các nhà thầu phải "xắn tay" ứng cứu nhau.
Ban QLDA, nhà đầu tư, nhà thầu phải ngồi lại với nhau, thống nhất doanh nghiệp cần hỗ trợ thì hỗ trợ hạng mục nào? Khối lượng công việc ra sao? Thời điểm nào cần hỗ trợ? Phương thức hỗ trợ là gì, thanh toán trực tiếp hay thanh toán theo hợp đồng?
"Trên tinh thần hỗ trợ tối đa và sòng phẳng nhất, chỉ khoảng 1 tuần sau đó, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã sử dụng trạm bê tông nhựa, dây chuyền bê tông nhựa, dây chuyền CTB, tăng cường lực lượng lắp đặt hệ thống ATGT,ứng cứu xong đoạn 2km đầu tuyến. Đây là kết quả ngoài sức tưởng tượng", đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói.
Bám dự án từ những ngày đầu tiên, với ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó ban điều hành (Ban QLDA 6 - đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), Diễn Châu - Bãi Vọt là một chặng đường đầy thổn thức, từ là những lúc nước sôi lửa bỏng tưởng như đã "vỡ trận" cho đến cú lộn ngược dòng, lập nên kỳ tích về tiến độ.
Ông Nghĩa kể: cho đến tháng 1/2024, sản lượng thi công dự án mới đạt 66% giá trị hợp đồng. Yêu cầu đặt ra phải gấp rút hoàn thành thêm 15% giá trị công việc nữa mới có thể thông xe được 30km đầu tiên vào tháng 4/2024.
Khi ấy, trong phạm vi đảm nhận, sản lượng thi công của Công ty TNHH Hoà Hiệp vẫn chậm 3% so với kế hoạch do tiến độ hầm Thần Vũ chưa đạt như kỳ vọng.
"Làm thế nào để hỗ trợ Hòa Hiệp bứt tốc? Tại thời điểm đó, Cienco4 đã cơ bản kiểm soát tiến độ phần việc của mình. Nhận định nhánh hầm trái do Cienco4 thi công giai đoạn đầu chỉ phục vụ cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên trước mắt là phải xong nhánh hầm phải, bảo đảm điều kiện thông xe, Ban QLDA 6 đã tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo doanh nghiệp dự án đề nghị Cienco4 chuyển thiết bị sang hỗ trợ Hoà Hiệp ngay sau tết Nguyên đán 2024.
Gói thầu XL4 của Hòa Hiệp (cầu Xuân Dương 2, nút giao QL46B) thời điểm đó cũng chỉ mới đạt 48% sản lượng. Nhiệm vụ đặt ra phải có các đơn vị tiếp sức.
Lúc đầu, các nhà thầu chưa thể ngồi với nhau. Bên thì tự tin vào năng lực của mình vẫn làm được, lo có nhà thầu vào hỗ trợ, uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Bên lại lo phần việc của mình bị chậm.
Sau khi Ban QLDA động viên, phân tích của Ban QLDA, các bên mới thông suốt, bắt tay với nhau thực hiện nhiệm vụ chung.
Cienco4 dành 1 tháng để hỗ trợ Hoà Hiệp thi công hầm trần phía Nam, đúc bê tông vỏ hầm; Công ty Thái Sơn, Thái Yên, Công ty 456 thì hỗ trợ đúc dầm, thi công bờ bo, lan can.
Khích lệ tinh thần tương trợ giữa các nhà thầu, lãnh đạo Bộ cũng áp dụng rất nhiều giải pháp tâm lý.
Ở hiện trường, sau khi nghe anh em trao đổi, phân tích, nhà thầu này có thể hỗ trợ, chi viện nhà thầu khác, lãnh đạo Bộ lập tức gọi hai lãnh đạo cao nhất của hai nhà thầu đến bắt tay cam kết thực hiện thời gian hoàn thành.
Theo dõi cho thấy, cơ bản các mốc hoàn thành hứa với nhau đều vượt so với sự hứa hẹn giữa các nhà thầu với nhau.
Cũng chưa có dự án nào trên xe Giám đốc Ban QLDA 6 chất đầy lương khô. Xe dừng kiểm tra ở đâu là lương khô được trao tận tay công nhân đến đó", ông Nghĩa nhớ lại.
Theo ông Nghĩa, với sự vào cuộc của cả hệ thống, từ cơ quan quản lý đến nhà đầu tư, nhà thầu, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đã liên tiếp ghi nhận kết quả ấn tượng.
Nếu tháng 1/2024, giá trị thi công dự án mới đạt 65% giá trị hợp đồng thì đến hết 31/5, con số này tăng lên 85%. Chỉ trong 4 tháng, sản lượng thi công tăng 20%, tương đương hơn 1.700 tỷ đồng.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA 6 đã nỗ lực đẩy nhanh tốc độ soát xét hồ sơ, làm thủ tục thanh toán, cùng nhịp thở công trường để bơm vốn VGF cho dự án. Tần suất thanh toán từ 1 kỳ mỗi tháng lên 2 kỳ/tháng.
Tính tại thời điểm đầu tháng 1/2024, luỹ kế giải ngân vốn VGF đạt 2.400 tỷ đồng, đạt 58% thì đến 31/5, vốn VGF bơm vào dự án tăng thêm 900 tỷ đồng, đạt 3.350 tỷ đồng. Đây được coi là kỷ lục giải ngân hiếm dự án giao thông nào có được.
"Nếu không có sự quyết tâm, thời gian hoàn thành dự án sẽ phải kéo dài đến tháng 7/2024 chứ không thể nào là 30/4", ông Nghĩa nói.
Trở về những ngày căng như dây đàn chung tay cùng đơn vị bạn vượt khó, kỹ sư Bùi Văn Toàn, Chỉ huy trưởng thuộc Tập đoàn Cienco4 không quên thời điểm khối lượng công việc của đơn vị tạm gọn thì nhận lệnh điều thiết bị ứng cứu cho Hòa Hiệp.
"Đảm bảo hiệu quả phối hợp, Cienco4 đã đề nghị Hòa Hiệp lên tiến độ chi tiết, thời điểm nào sẽ chuyển xe đúc qua, tránh tính trạng máy móc chuyển qua phải nằm chờ, ảnh hưởng đến tiến độ của cả hai bên.
Hỗ trợ "đội bạn" không để ảnh hưởng lớn đến phần việc của mình, hai tuần liên tục, Cienco4 cũng phải đẩy tiến độ phần hầm trần phía Bắc. Số lượng nhân lực được tăng lên đến 30 người, khu vực thi công được căng bạt như căng rạp đám cưới phòng trời mưa. Miệt mài tăng tốc, nếu hạng mục hầm trần có tính chất tương tự, nhà thầu bạn mất đến 25 ngày thi công thì Cienco4 chỉ mất khoảng 2 tuần", kỹ sư Toàn chia sẻ.
Toàn cảnh cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sắp thông toàn tuyến (Ảnh: Sỹ Hoà).
Tự tin thông toàn tuyến đúng hẹn
30km đầu tiên khép lại với những kết quả không ai có thể ngờ tới, hàng nghìn kỹ sư, công nhân lại cấp tập ngày - đêm bứt tốc hoàn thành 19km còn lại, khớp nối mảnh ghép cuối cùng, kéo dài tuyến cao tốc từ Thủ đô Hà Nội về thẳng Hà Tĩnh, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 3 giờ đồng hồ thay vì 4,5 - 5 giờ như trước.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án - DNDA), tính đến ngày 25/6, 19km còn lại của tuyến chính cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã thảm xong. Các hạng mục cầu đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành.
Hạng mục an toàn giao thông còn hơn 442m dài dải phân cách, gần 1.900m hộ lan mềm và hơn 5.000m hàng rào. Khối lượng công việc còn lại đang được nhà thầu khẩn trương lắp đặt, dự kiến hoàn thành ngày 27/6, đáp ứng điều kiện thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6 theo yâu cầu.
Nhìn lại hành trình dài đã qua, ông Ngô Trọng Nghĩa cho rằng, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt cũng đã mang lại những bài học quý giá trong triển khai dự án giao thông theo phương thức PPP.
"Diễn Châu - Bãi Vọt là một trong những dự án khó nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam khi phạm vi thi công có đầy đủ các hạng mục: hầm, cầu lớn, đất yếu…
Thế nhưng, thực tế, khó khăn về kỹ thuật dù khó đến mấy chúng ta vẫn giải quyết được. Nói cách khác, trong triển khai dự án PPP, kỹ thuật không phải là điều đáng ngaị.
Yếu tố quan trọng nhất là dứt khoát phải tìm được nhà đầu tư có tiềm lực. Nếu nhà đầu tư không có thế mạnh về tài chính, quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể các phát sinh.
Đồng quan điểm, theo đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đầu tư PPP hạ tầng giao thông là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, để các nhà đầu tư tránh rủi ro, việc lựa chọn đối tác là cực kỳ quan trọng. "Nhà đầu tư phải tìm hiểu rõ năng lực, sở trường, sở đoản của nhau, đặc biệt là năng lực tài chính. Khi ký hợp đồng với cơ quan quản lý Nhà nước, một nhà đầu tư có vấn đề thì liên danh ắt sẽ vỡ, việc thay thế sẽ vô cùng phức tạp, hiệu quả đầu tư dự án sẽ khó được đảm bảo", đại tá Tuấn Anh nói.
Bù hàng chục tỷ đồng, tạo nên kỳ tích
Ngược dòng ký ức về khoảng thời gian "giải cứu" tiến độ gói thầu XL04, ông Phạm Chiến Hữu, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp cho biết: Phần lớn khối lượng của gói thầu XL04 nằm trong đoạn 30km đầu tuyến phải hoàn thành vào dịp 30/4/2024, áp lực thời gian là vô cùng lớn.
Thời điểm tiếp nhận lại XL04, chỉ có cầu vượt QL46B thi công được 2 trụ, còn phần tuyến và 5 cầu còn lại chưa hề triển khai. Quyết tâm đã hứa với Chính phủ, Bộ GTVT, Ban giám đốc Công ty Hoà Hiệp đã chấp nhận bỏ hàng chục tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ.
Đơn cử, cầu Xuân Dương 2 vì sai khác địa chất thiết kế, Hòa Hiệp đã tự khoan khảo sát, phối hợp các bên điều chỉnh thêm 2.336m cọc khoan nhồi ở các trụ. Chi phí phát sinh thêm 20 tỷ đồng.
Cầu vượt QL46B, cầu Hưng Tây và cầu Hưng Yên Nam thiết kế móng cọc bê tông xi măng. Nhưng do tiến độ gấp rút, Hòa Hiệp xin đề xuất đổi sang phương án cọc khoan nhồi, phát sinh khoảng 11 tỷ đồng.
Hay như hạng mục đắp nền tuyến chính và nút giao QL46B. Theo dự toán cự ly vận chuyển vật liệu là 2km tại các mỏ trong địa bàn xã Hưng Tây, song, do người dân cản trở, đơn vị phải lấy vật liệu từ Nghi Lộc với cự ly 27km, bù lỗ thêm 25 tỷ đồng.
(Sỹ Hoà)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận